Tạo động lực cho nhân viên từ giấc mơ lớn của Facebook đằng sau câu chuyện đổi tên thành Meta

Tạo động lực cho nhân viên từ giấc mơ lớn của Facebook đằng sau câu chuyện đổi tên thành Meta

Facebook đang bước sang một chương mới, thay đổi với mục tiêu lớn hơn. Điều này cũng đặt ra các thách thức trong việc quản trị doanh nghiệp, tạo động lực cho đội ngũ nhân viên để đi cùng hành trình đổi mới đó.

Facebook đổi tên thành Meta

Tại sự kiện Facebook Connect vào cuối tháng 10/2021, Facebook đã cho biết họ sẽ đổi tên thành Meta, lấy cảm hứng từ vũ trụ ảo (metaverse), phản ánh tham vọng của gã khổng lồ công nghệ ngày một lớn, vượt phạm vi mạng xã hội. 

“Thương hiệu của chúng tôi được liên kết chặt chẽ với một sản phẩm, đến nỗi nó không thể đại diện cho tất cả những gì chúng tôi làm hôm nay, chứ chưa nói đến tương lai”, Mark Zuckerberg nói. “Từ bây giờ, chúng tôi sẽ được biết đến đầu tiên như một vũ trụ ảo Metaverse, không chỉ còn là Facebook”.

Meta sẽ không chỉ tập trung vào các ứng dụng, nền tảng trong tương lai mà trở thành siêu mô hình bao gồm trải nghiệm xã hội và công nghệ tương lai. Người đứng đầu chia sẻ: ”Khi chúng tôi mở rộng tầm nhìn, đã đến lúc chúng tôi áp dụng một thương hiệu mới”.

Trong bức thư lãnh đạo được đăng tải trên website của công ty, Mark viết: “Việc xây dựng các ứng dụng xã hội sẽ luôn quan trọng đối với chúng tôi và còn rất nhiều điều cần phải xây dựng. Nhưng càng ngày, đó không phải là tất cả những gì chúng ta làm. Trong DNA của mình, chúng tôi xây dựng công nghệ để gắn kết mọi người lại với nhau. Metaverse là biên giới tiếp theo trong việc kết nối mọi người, giống như mạng xã hội khi chúng ta bắt đầu”.

Vũ trụ ảo là một tập hợp những không gian ảo, nơi bạn có thể trò chuyện, hợp tác, khám phá cùng nhiều người khác đang không ở cùng địa điểm với bạn.

Giấc mơ lớn của Facebook

“Nhiệm vụ của chúng tôi vẫn như cũ – vẫn là gắn kết mọi người lại với nhau. Ứng dụng của chúng tôi và thương hiệu của chúng cũng không thay đổi. Chúng tôi vẫn là công ty thiết kế công nghệ xung quanh con người. Nhưng tất cả các sản phẩm của chúng tôi, bao gồm cả các ứng dụng của chúng tôi, giờ đây có chung một tầm nhìn mới: giúp đưa metaverse vào cuộc sống”, CEO Zuckerberg bày tỏ. 

Sau nhiều năm liên tục phát triển không ngừng, Facebook dần có được chỗ đứng nhất định trên thị trường. Điều này đòi hỏi Facebook phải đặt ra mục tiêu ở tầm cao hơn. Vẫn với sứ mệnh kết nối mọi người với nhau nhưng giờ Facebook không chỉ gói gọn trong các phần mềm, nền tảng giao tiếp thông thường mà còn mong muốn đem lại trải nghiệm công nghệ đến đời sống hàng ngày, từ “tụ tập với bạn bè và gia đình, làm việc, học hỏi, vui chơi, mua sắm, sáng tạo”.

Đưa ra một mục tiêu lớn hơn khi đang ở giai đoạn “đỉnh cao” là hoàn toàn phù hợp. Đây không chỉ là giấc mơ của Mark Zuckerberg mà còn là của cả tập đoàn, của hơn 60 nghìn nhân viên. Một tầm nhìn lớn, khát khao lớn sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ truyền cảm hứng cho đội ngũ nội bộ, trở thành tiêu điểm giúp gắn kết mọi người với nhau và cùng làm việc hướng tới một mục đích chung duy nhất. Đặc biệt, để duy trì vị thế thống lĩnh thị trường như hiện nay trong bối cảnh công nghệ, các doanh nghiệp liên tục tăng trưởng, Facebook càng cần tận dụng thế mạnh của mình để tiến lên phía trước, vượt qua năng lực hiện có.

Để hiện thực hóa tầm nhìn lớn, Facebook sẽ cần sự ủng hộ, đồng thuận của nhân viên.

Sứ mệnh lớn đi cùng sự đồng thuận

Để đạt được tầm nhìn này, Facebook cần đến sự tin tưởng của nhân viên, sự đồng thuận của nội bộ. Khi có chung niềm tin vào con đường Facebook chọn, tất cả sẽ mạnh mẽ hành động, cam kết cùng tổ chức. Ngoài ra, sứ mệnh rõ ràng đòi hỏi tổ chức “nói đi đôi với làm”. Điều này bao gồm từ đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với xã hội, vấn đề bảo mật quyền riêng tư cho người dùng…

Tuy nhiên, Facebook đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 17 năm qua phản ánh vấn đề suy giảm niềm tin trong nội bộ, một nền văn hóa bất nhất từ cấp lãnh đạo. Frances Haugen, cựu nhân viên của Facebook đã tiết lộ về những phát ngôn gây thù hận và thông tin sai lệch trên mạng xã hội không bị Facebook ngăn chặn, thậm chí làm ngơ để tiếp tục tồn tại. Bộ tài liệu này được báo chí gọi chung là “Hồ sơ Facebook”. Người tố cáo nói chính mạng xã hội Facebook là tác nhân gây ra vụ bạo loạn đồi Capitol ngày 6/1, việc kiểm duyệt nội dung ở một số quốc gia không nói tiếng Anh, hay cách những kẻ buôn người đã dùng Facebook như một công cụ giao dịch…

Để mạnh mẽ bước tiếp, trước tiên Facebook phải vượt qua cuộc khủng hoảng “Hồ sơ Facebook”.

Cuộc khủng hoảng được xác định là do hai nguyên nhân chính: ảnh hưởng quá lớn của lãnh đạo và những vấn đề nội bộ tích tụ. Zuckerberg chiếm hầu hết cổ phiếu biểu quyết, nắm “quyền sinh quyền sát” trong tay. Tư duy “tăng trưởng bằng mọi giá” đã ăn sâu vào văn hóa Facebook và rất khó để xóa bỏ. Bản thân ông cũng tiết lộ chưa muốn từ chức CEO Facebook. 

Ngoài ra, công ty cũng đánh mất niềm tin trong chính nội bộ bởi nhân viên Facebook đã từng nhiều lần lên tiếng về các hành động của công ty nhưng họ vẫn phớt lờ. Sau khi  Haugen công bố “Hồ sơ Facebook”, một số nhân viên cũ của công ty cũng lên tiếng tố Facebook hai mặt và thường có sự khác biệt giữa các tuyên bố công khai trên truyền thông và việc ra quyết định nội bộ.

Bởi vậy để đạt được giấc mơ lớn lao ấy đòi hỏi Facebook phải giải quyết các vấn đề từ gốc rễ trong nội bộ. Đặc biệt là khi Hồ sơ Facebook cho thấy công ty đang ưu tiên lợi nhuận lên trên con người. 

Thay vì chỉ đưa ra các thông tin, quyết sách từ trên xuống, việc lắng nghe ý kiến từ những con người đang làm việc tại đó sẽ giúp Facebook kéo đội ngũ đồng hành có chung đích đến. Khi tất cả thấu hiểu sứ mệnh, có chung niềm tin vào tổ chức, Facebook sẽ dễ dàng nhìn ra rào cản, mạnh mẽ tiến về phía trước. 

 

Vân Anh

Bài viết liên quan:

7 cách “ươm mầm” văn hóa đổi mới

Tạo dựng niềm tin khi làm việc từ xa: Làm sao cho đúng?

Bài Viết Liên Quan