Biến nhân viên trở thành “hạt nhân” văn hóa doanh nghiệp

Biến nhân viên trở thành “hạt nhân” văn hóa doanh nghiệp

Khi một doanh nghiệp tìm cách xây dựng văn hóa, họ thường bắt đầu từ nhóm nhân sự quản lý và nhóm thực thi. Nhưng không, chính nhân viên mới là “chiếc chìa khóa vàng” để giải bài toán hóc búa này. 

Kết nối cá nhân

Điều đầu tiên và cơ bản nhất có thể làm là xây dựng mối quan hệ bền chặt với đồng nghiệp bằng cách có sự kết nối ngoài công việc. Khi hình thành các mối quan hệ cá nhân, mọi người sẽ hiểu nhau hơn, sẵn sàng hỗ trợ, đặc biệt là những thành viên mới sẽ không còn thấy lạc lõng khi mới đến. Mời một bữa ăn trưa, rủ nhau chạy bộ cuối tuần hay chủ động giới thiệu họ với một người bạn phù hợp là những cách dễ dàng để tăng tình cảm với đồng nghiệp.

Đừng ngại liên lạc lại với người đồng nghiệp mà đã vài tháng hay cả năm chưa nói chuyện. Việc xây dựng kết nối bền vững ở công ty sẽ làm tăng tầm ảnh hưởng và khả năng phát triển của người đó, đồng thời cải thiện sự hài lòng và mức độ gắn kết với tổ chức.

Công nhận theo cách sáng tạo

Ghi nhận và dành tặng lời khen cho một người là cách tuyệt vời để làm gương, phát triển văn hóa lành mạnh, ngay cả khi đó là thành viên trong bộ phận của bạn. Hành động đó ngầm khẳng định bạn đang quan tâm, ghi nhận những đóng góp và ủng hộ công việc của họ.

Có những việc làm nhỏ cũng gây ấn tượng mạnh mẽ như nhắc mọi người về sinh nhật của đồng nghiệp hay ngày kỷ niệm vào công ty hoặc đơn giản là cùng nhau tham dự đông đủ một sự kiện có ý nghĩa với họ như ngày cưới… Lan tỏa những cử chỉ ấy là cách để xây dựng văn hóa quan tâm trong công ty. 

Tất nhiên công ty luôn có những hoạt động cải thiện sự gắn kết của mọi người như happy hour, teambuilding hay hỗ trợ khi một nhân viên gặp vấn đề khó khăn. Tuy nhiên những hoạt động xây dựng văn hóa xuất phát một cách tự nhiên từ mỗi cá nhân sẽ có ý nghĩa hơn cả.

Đồng cảm với đồng nghiệp

Khi có nhóm đối tượng được ưu tiên hơn trong nhóm, sẽ khó tránh khỏi sự bực bội hay ghen tị. Chẳng hạn những người trẻ, độc thân sẽ cảm thấy không thoải mái khi phải làm muộn, làm thêm giờ để hỗ trợ cho những người có con nhỏ. 

Thực tế, khi nhìn nhận các tình huống qua lăng kính thấu cảm, bạn sẽ thấy rằng không thể hiểu hoàn toàn một người đang phải trải qua những gì cho dù người đó ngồi bên cạnh làm việc chung hàng ngày hay chỉ lướt qua nhau.

Tuy nhiên, người đi làm vẫn cần đảm bảo nhận được đủ quyền lợi. Do đó, bạn sẽ cần đặt ra các ranh giới giữa nói “không” – “có”, đồng thời đặt sự đồng cảm lên trên cùng. Khi chấp nhận nói “có”, hãy làm điều đó bằng sự quan tâm và thoải mái, vui vẻ vì đã làm được việc tốt. Đồng nghiệp cũng sẽ sẵn sàng hỗ trợ bạn khi cần và dần dà xây dựng được văn hóa hỗ trợ trong công ty.

Trở thành hình mẫu 

Một số công ty thành lập công đoàn hoặc các nhóm hạt nhân văn hóa để làm cầu nối giữa người đi làm và tổ chức. Tham gia vào những nhóm như vậy sẽ giúp bạn mở rộng mạng lưới quan hệ trong nội bộ, phát triển các kỹ năng giao tiếp và thể hiện tinh thần chủ động sẵn sàng nhận việc. Và bạn sẽ trở thành hình mẫu đáng tin cậy, đồng hành và cổ vũ tinh thần cho tập thể, đặc biệt là những người mới.

Nếu là một thành viên cốt cán, có danh tiếng tốt, bạn có thể công khai lên tiếng cho lợi ích của bản thân và khuyến khích người khác làm điều tương tự. Ví dụ như dành thời gian nghỉ trưa đúng giờ, sử dụng ngày phép, ủng hộ những người làm cha mẹ có thêm ngày phép hoặc thậm chí thẳng thắn chia sẻ với sếp về việc gửi email vào 11 giờ đêm sẽ gây căng thẳng cho nhóm. 

Vân Anh

(Theo HBR)

Bài đọc thêm:

Đánh giá ngang hàng – Xu thế của tương lai?

850 người Microsoft Ấn Độ đã giúp đồng nghiệp vượt qua những ngày chết chóc như thế nào?

Bài Viết Liên Quan