5 mẹo để có chiến lược thương hiệu nhà tuyển dụng thành công

5 mẹo để có chiến lược thương hiệu nhà tuyển dụng thành công

Trước nhu cầu và xu thế của ứng viên, doanh nghiệp cần biết tận dụng thương hiệu nhà tuyển dụng để luôn nổi bật và là sự lựa chọn hàng đầu. Nhưng làm thương hiệu nhà tuyển dụng thế nào cho đúng? Sau đây là 5 phương thức hiệu quả bạn cần biết.

  1. “Biết mình biết ta”

Nếu doanh nghiệp bạn muốn trở thành một nơi mà ứng viên mong muốn làm việc lâu dài, bạn cần biết vị thế của mình so với các đối thủ trong thị trường để tìm cách tận dụng điểm mạnh, hạn chế điểm yếu. Bên cạnh đó, cần phát huy những lợi thế doanh nghiệp bạn có mà đối thủ không có và điều chỉnh phù hợp với mong muốn của ứng viên.

Đối thủ có thể đánh bại ta bất cứ lúc nào, do vậy “biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”.

Khi triển khai thương hiệu nhà tuyển dụng, hãy giới thiệu đưa những điểm mạnh của bạn cho ứng viên. Điều này có thể thực hiện bằng cách xây dựng không gian làm việc phù hợp với xu hướng được ứng viên yêu thích, tạo ra nhiều mô tả công việc hấp dẫn hơn, áp dụng các công nghệ hiện đại vào quá trình tuyển dụng và đừng quên “khoe” văn hóa và những điều hấp dẫn ứng viên tích cực hơn trên mạng xã hội.

  1. Xây dựng chân dung ứng viên

Khi triển khai thương hiệu nhà tuyển dụng, doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm được ứng viên phù hợp với văn hóa hơn là tuyển dụng những ứng viên có kỹ năng, chuyên môn tốt. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp cần có sẵn hình dung về ứng viên được cho là phù hợp văn hóa. Khi đó, xây dựng chân dung ứng viên là điều nên làm.

Chân dung ứng viên giúp doanh nghiệp có hình dung về những nhân tài trong tương lai.

Chân dung ứng viên là bức phác thảo giúp nhà tuyển dụng nhận dạng ứng viên lý tưởng dựa trên những nghiên cứu thị trường và thông tin thực tế thu thập từ chính nhân viên trong tổ chức. Chân dung ứng viên là cách để giúp bạn hiểu hơn về đối tượng mục tiêu và biết cách xây dựng mạng lưới ứng viên chất lượng. Để xây dựng chân dung ứng viên, bạn cần phải xác định các yếu tố như sau:

  • Đối tượng mục tiêu (Bạn đang tìm kiếm ứng viên cho vị trí nào? Vị trí đó có tính chất ra sao?)
  • Thông tin nhân khẩu (Họ tên, tuổi, ảnh, tình trạng hôn nhân…)
  • Thông tin nền của ứng viên (Kinh nghiệm, kĩ năng…)
  • Mục tiêu của ứng viên
  • Động lực, vấn đề và mong muốn
  • Các thông tin cần thiết khác (Sở thích, thói quen…)
  1. Biến bài đăng tuyển dụng thành câu chuyện

Hãy dành một phút nhìn lại những bài đăng tuyển dụng của bạn. Nếu chúng là những đoạn mô tả dài chứa đầy những thuật ngữ chuyên ngành, bạn nên xem xét lại. Để minh họa những gì công ty bạn cung cấp, hãy sử dụng video và hình ảnh để nâng cấp các bài mô tả công việc này.

Mô tả công việc không nhất thiết chỉ bằng từ ngữ.

Sử dụng nội dung trực quan (visualized content) là một xu hướng được chú ý gần đây và hoàn toàn có thể áp dụng trong công tác tuyển dụng. Khi đó, bản mô tả công việc sẽ trở thành một câu chuyện thu hút sự theo dõi của ứng viên hơn. Một số lưu ý cho bạn khi “xào nấu” lại mô tả công việc:

  • Chọn một vị trí bạn muốn tuyển và tập trung vào nó
  • Nếu lựa chọn hình thức video, hãy nhờ 2 – 3 nhân viên đang làm việc cho vị trí đó và phỏng vấn
  • Chọn cách kể chuyện để ứng viên có góc nhìn chân thực nhất
  • Nội dung càng chi tiết về công việc càng tốt
  • Không cần nói nhiều, thay vào đấy hãy thể hiện bằng hình ảnh hấp dẫn
  • Video chỉ nên có thời lượng dưới 2 phút
  1. “Chạm” vào trải nghiệm của ứng viên

Khi những ứng viên tiềm năng thuộc thế hệ trẻ, doanh nghiệp phải chịu khó thay đổi và tạo sự khác biệt. Ứng viên quan tâm đến việc được trao quyền tự chủ về cách họ có thể làm việc, công nhận và khen thưởng cho đóng góp của họ và cơ hội để có tạo những điều ý nghĩa cho cộng đồng.

Website của bạn có gây tò mò cho ứng viên và khiến họ muốn làm việc cho bạn không? Hãy “chạm” vào ứng viên ngay từ khoảnh khắc này. Thay đổi những cảm quan đầu tiên của ứng viên bằng cách chia sẻ trên các kênh truyền thông như website, fanpage tuyển dụng… những câu chuyện, cảm nghĩ của nhân viên khi làm việc tại doanh nghiệp bạn, đặc biệt là khai thác sâu vào việc những bạn trẻ được thể hiện bản thân và cùng tổ chức đóng góp cho xã hội ra sao. Đừng quên giới thiệu ứng viên những hoạt động, chương trình mà họ có thể trải nghiệm khi gia nhập tổ chức như các sự kiện nội bộ, dã ngoại công ty…

Website tuyển dụng là một trong những điểm chạm đầu tiên của ứng viên với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ứng viên ngày nay cũng thích làm việc cho doanh nghiệp “nhạy bén” với công nghệ. Do vậy, để trải nghiệm của ứng viên về tổ chức hoàn hảo nhất, bạn không nên bỏ qua việc ứng dụng các kĩ thuật, tính năng ưu việt của công nghệ vào khâu tuyển dụng. Một quy trình ứng tuyển có thể thực hiện trên nhiều nền tảng hay một website “xịn xò” cũng đủ để gây điểm với ứng viên rồi đấy!

  1. Kêu gọi sự tham gia từ nhân viên

Chúng ta đã biết, việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng không chỉ là việc của một bộ phận hay cá nhân, đó nên là trách nhiệm của tất cả mọi người trong tổ chức. Để nhân viên cùng chung sức vào nỗ lực xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, hãy tạo một kho nội dung phong phú (conten hub) và khuyến khích họ chia sẻ những tin tức, hình ảnh của doanh nghiệp trên mạng xã hội, đặc biệt trên kênh LinkedIn. Social Employee là cách đơn giản, tiết kiệm nhưng cũng rất hiệu quả khi doanh nghiệp muốn doanh nghiệp được biết đến bởi nguồn ứng viên chất lượng, uy tín.

Thương hiệu nhà tuyển dụng muốn được ghi nhận tốt phụ thuộc vào đánh giá và chia sẻ từ nhân viên.

Ngoài ra, các website xếp hạng doanh nghiệp như Glassdoor cũng là một địa chỉ mà nhân viên có thể để lại bình luận, đánh giá của bản thân và cho điểm cho doanh nghiệp, từ phúc lợi, văn hóa đến CEO. Hãy kêu gọi nhân viên tích cực cho điểm và cung cấp những thông tin chân thực về tổ chức trên các website này. Đây sẽ là cách làm hiệu quả để giúp doanh nghiệp bạn được biết đến nhiều hơn và ứng viên hiểu về môi trường bên trong tổ chức sẽ như thế nào.

Kim Oanh

(Theo Forbes)

Bài Viết Liên Quan