Bánh xe câu chuyện: Bí quyết để tìm kiếm những câu chuyện “đốn tim” độc giả

Bánh xe câu chuyện: Bí quyết để tìm kiếm những câu chuyện “đốn tim” độc giả

Mỗi ngày trôi qua với rất nhiều câu chuyện được kể ở doanh nghiệp, nhưng nhìn chung chúng ta có thể quy tất cả thành 4 dạng phổ biến: Câu chuyện về chiến thắng, bi kịch, áp lực và thay đổi. 

Mô hình “Bánh xe câu chuyện”.

Bốn dạng câu chuyện

Câu chuyện về Chiến thắng

Những câu chuyện về chiến thắng nào có thể được kể? Đó có thể là:

Chiến thắng của chính bản thân mình: Câu chuyện bạn đã dành được một thành tích trong công việc ra sao, bạn chiếm được trái tim của người mình yêu như thế nào. 

Chiến thắng của người khác: Câu chuyện về một người thân hoặc đồng nghiệp cùng công ty bạn nỗ lực làm việc để trở thành Nhân viên xuất sắc.

Thứ ba là chiến thắng của cộng đồng: Câu chuyện chiến thắng của một tập thể, một tổ chức với những đóng góp to lớn cho xã hội, đất nước. 

Câu chuyện về Bi kịch

Đây là những câu chuyện buồn đã xảy ra và tạo nên những hậu quả không đáng có. Cụ thể, câu chuyện về bi kịch có thể là: 

Bi kịch tạo cho bạn sự nuối tiếc: Câu chuyện về một sự cố nào đó mà bạn cảm thấy tiếc vì mình không làm điều gì đó, hoặc đã ra một quyết định sai lầm. 

Bi kịch xảy ra với bạn: Câu chuyện về những tai nạn không chỉ về thể xác mà còn là những tổn thương về tinh thần mà bạn phải trải qua, cũng có thể là những thiệt hại mà doanh nghiệp phải chịu bởi thảm họa thiên tai hoặc những tình huống bất khả kháng.

Bi kịch gây ra bởi bạn: Câu chuyện bằng một cách vô tình hay cố ý, bạn đã tạo ra những bi kịch cho người khác. Bi kịch đó có thể là những thứ khủng khiếp như việc bạn gây nên tai nạn cho người khác, hoặc vì sự tắc trách của một nhân viên mà công ty phải chịu những thiệt hại nặng nề.  

Câu chuyện về Áp lực

Áp lực có thể được tạo nên từ nhiều nguyên nhân. Đó có thể xuất phát từ:

Áp lực vì bổn phận: Áp lực khiến cho mỗi người luôn cảm nhận rằng mình cần có trách nhiệm, nghĩa vụ cho một việc nào đó được giao phó hoặc với những người xung quanh. Đó có thể là áp lực của người sếp khi phải có bổn phận đảm bảo công ăn việc làm cho nhân viên của mình, áp lực của đội ngũ tuyển dụng khi phải làm tròn trách nhiệm thu hút và giữ chân nhân tài cho tổ chức.

Áp lực từ lòng trung thành: Áp lực này có thể đơn giản xuất phát từ một lời hứa mà bạn hoặc một tổ chức đưa ra. Bạn sẽ áp lực khi hứa sẽ cống hiến hết mình cho tổ chức dù cho có chuyện gì xảy ra. Doanh nghiệp sẽ áp lực để luôn thực hiện đúng cam kết, những hứa hẹn với cộng đồng hoặc nhân viên. 

Áp lực do các giá trị được đặt ra sẵn: Mỗi người sẽ có cho mình một hệ giá trị mà bản thân theo đuổi. Đó là những quy tắc, những thói quen mà bạn luôn tuân theo. Áp lực đến từ việc bạn luôn cố gắng làm mọi việc theo hệ giá trị này. Trong doanh nghiệp, các giá trị cốt lõi hay sứ mệnh được đề ra là một loại áp lực mà doanh nghiệp phải luôn soi chiếu, tuân thủ mỗi ngày.

Câu chuyện về Thay đổi

Cuộc sống luôn luôn thay đổi, mỗi ngày trôi qua lại có một điều mới xuất hiện. Do vậy, thay đổi cũng là một chủ đề phổ biến thường được khai thác khi kể chuyện. Những sự thay đổi có thể là:

Thay đổi do bạn bắt buộc phải thay đổi: Chẳng hạn như câu chuyện về việc bạn bị yêu cầu phải có mặt tại văn phòng sớm trước 30 phút mặc dù bạn không muốn, hoặc câu chuyện một doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự do đang gặp phải một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Thay đổi mà bạn chủ động thay đổi: Câu chuyện một doanh nghiệp chủ động thay đổi đội ngũ ban điều hành để phù hợp với tình hình kinh doanh chung.

Thay đổi do có sự tác động, xúi giục từ bên ngoài: Câu chuyện bạn nêu lên quan điểm về một vấn đề chính sự đang hot sau khi đọc được một bài chia sẻ từ một người nào đó.

Về bản chất, các câu chuyện được kể chủ yếu sẽ xoay quanh bốn loại hình kể trên, từ những chuyện vi mô liên quan đến cá nhân người kể và những người thân, bạn bè xung quanh, cho đến những chuyện lớn lao hơn của doanh nghiệp, cộng đồng hoặc quốc gia.

Các câu chuyện được kể cần xoay quanh các loại hình trong mô hình “Bánh xe câu chuyện”.

Hai trụ cột của câu chuyện

Bên cạnh đó, hai chân trụ của bánh xe là hai yếu tố không thể bỏ qua cho bất kỳ câu chuyện nào. Đó là những thành phần quyết định xem câu chuyện của bạn có “chiến thắng” trái tim người đọc hay không. Hai yếu tố đó bao gồm tính chân thực và tính mục đích.

Tính chân thực

Khi bắt đầu một câu chuyện, bạn phải lưu ý để luôn đặt Tính chân thực lên trên hết. Những tình tiết thật dù liên quan hay không liên quan đến công việc sẽ làm câu chuyện của bạn trở nên đáng tin cậy hơn, khiến mọi người thích thú, quan tâm và tích cực chia sẻ hơn. Mọi người sẽ cho rằng bạn đang bịa một câu chuyện nếu như bạn cố tình thêm thắt những tình tiết để chúng trở nên “ảo” hơn. 

Tính mục đích

Khi bạn kết thúc một câu chuyện, bạn cần quan tâm đến việc: “Vì sao mình lại kể câu chuyện này”. Một câu chuyện có mục đích rõ ràng sẽ dễ dàng giúp người đọc, người nghe “thấm” hơn thông điệp mà người kể chuyện muốn truyền tải thay vì cho rằng đó chỉ là những câu chuyện vui, chuyện phiếm. 

 “Bánh xe câu chuyện” trên là một phần nội dung trong các bài giảng được Blue C chia sẻ khi đào tạo về Truyền thông nội bộ cho các doanh nghiệp như Vietnam Airlines, Agribank, Viettel, Sonadezi… Với mô hình này, hy vọng bạn sẽ biết cách khai thác những câu chuyện và thực hành kỹ năng kể chuyện trong các hoạt động nội bộ tại doanh nghiệp để thông điệp trở nên dễ tiếp cận và thu hút sự chú ý của nhân viên. 

Kim Oanh

Bài Viết Liên Quan