Dùng nhân viên lan tỏa thương hiệu: Tiết kiệm và hiệu quả

Dùng nhân viên lan tỏa thương hiệu: Tiết kiệm và hiệu quả

Biến nhân viên thành những người lan tỏa thương hiệu là cách thức khá phổ biến đang được nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới áp dụng. Hãy cùng Blue C tìm hiểu những lợi ích về mặt kinh tế mà các chương trình Social Employee mang lại cho doanh nghiệp qua bài viết sau đây.

Giảm chi phí quảng cáo trên mạng xã hội

Theo báo cáo doanh số quý I năm 2018 của Facebook, doanh thu trung bình cho mỗi bài quảng cáo tăng tới 39% trong khi số lần hiển thị quảng cáo chỉ tăng 8%. Trong khi đó, với Google, chi phí cho mỗi lần nhấp chuột cho các từ khóa liên quan đến thương hiệu tăng lên 23% trong suốt 4 quý của năm 2018. Điều này cho thấy quảng cáo qua các kênh mạng xã hội đang ngày càng trở nên đắt đỏ, và việc tìm kiếm một công cụ khác có giá thành tốt hơn nhưng hiệu quả không đổi là điều cần thiết.

Với truyền thông mạng xã hội qua kênh nhân viên, lợi ích kinh tế có thể được thấy rõ qua bài toán sau:

Giả sử doanh nghiệp của bạn có 100 nhân viên, và giả định là tất cả đều sử dụng mạng xã hội (chẳng hạn như Facebook). Trường hợp mỗi người trung bình sẽ có khoảng 850 kết nối và tất cả nhân viên đều tham gia chia sẻ, các tin bài được đăng tải có khả năng sẽ đạt được tối đa 85,000 lượt tiếp cận. Với cách truyền thống, số tiền bạn phải bỏ ra cho quảng cáo để đạt được con số này sẽ rất lớn, ví dụ như qua kênh Twitter, khoảng tiền sẽ lên tới 1,000 USD. Đây là một con số rất có giá trị nếu bạn muốn doanh nghiệp của mình có nhiều khách hàng tiềm năng với mức chi phí hợp lý.

Theo kết quả nghiên cứu của Hubspot, chi phí quảng cáo qua các kênh như Google Ads, Facebook… để bài viết đạt 800 lượt nhấp chuột, tương ứng với việc có 24 khách hàng tiềm năng sẽ là 2000 USD. Trong khi đó, chi phí bỏ ra cho một chương trình sử dụng nhân viên truyền thông mạng xã hội chỉ chiếm 1/10 so với chi phí quảng cáo thông thường. Điều này cho thấy của việc để chính nhân viên trở thành những nhà tạo thương hiệu cho doanh nghiệp đối với việc giảm thiểu các chi phí là có thể thấy rõ.

Chi phí khi sử dụng công cụ tạo thương hiệu nhờ nhân viên chỉ chiếm 1/10 so với các kênh truyền thống khác.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp lựa chọn kênh này để khuyến khích nhân viên chủ động chia sẻ các thông tin về sản phẩm, dịch vụ… của công ty trong phạm vi các kênh mà họ thường xuyên sử dụng. Từ đó, số lượng truy cập và phủ sóng của các thông tin này cũng nhiều hơn, góp phần mở thêm nhiều cơ hội kinh doanh mà chi phí để quảng cáo thì lại không đáng kể.

Bên cạnh đó, bạn bè cũng như các mối quan hệ của nhân viên có xu hướng sẽ tin vào những gì họ chia sẻ hơn là những thông tin quảng cáo xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tăng lượt tiếp cận và tương tác tự nhiên hơn so với các kết quả thu được từ quảng cáo.

Fujitsu là một doanh nghiệp về công nghệ thông tin ở Nhật Bản có mong muốn tạo một kênh thông tin mà tại đó, các tài nguyên sẽ được đăng tải và nhân viên sẽ có thể tìm kiếm, chia sẻ chúng trên các trang mạng xã hội. Sau 6 tháng kênh thông tin này đi vào hoạt động, đã có hơn 23,000 lượt chia sẻ từ nhân viên, góp phần làm tăng tỉ lệ tiếp cận và biết đến thương hiệu của Fujitsu lên tới 70%, tiết kiệm chi phí gấp 3,6 lần so với các kênh quảng cáo thông thường. Việc được tích cực chia sẻ là bởi khi tiếp cận những thông tin này, các nhân viên hiểu rõ và tự hào hơn về tổ chức của mình cũng như các hoạt động mà Fujitsu đang làm.

Tiết kiệm chi phí tuyển dụng nhờ Social Employee

Trong quá trình tuyển dụng, L’Oreal đã phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó phải kể đến khó khăn khi tiếp cận các ứng viên tiềm năng, thiếu nguồn nhân lực tuyển dụng đủ chuyên môn cũng như tạo dựng danh tiếng trên mạng xã hội. Nhận thức được điều đó, doanh nghiệp này đã tìm đến LinkedIn – mạng xã hội có độ phủ sóng toàn cầu và chất lượng hồ sơ ứng viên tốt.

Thông qua việc yêu cầu các quản lý và nhân viên sử dụng mạng xã hội này và tích cực chia sẻ các cơ hội nghề nghiệp, L’Oreal đã giải quyết được vấn đề của mình. Với mạng lưới hơn 15,000 nhân viên trên LinkedIn, L’Oreal đã tiếp cận được nhiều ứng viên phù hợp mà trước đó khi sử dụng các kênh tuyển dụng truyền thông họ không làm được. “Ngay cả những ứng viên trước giờ không hứng thú với L’Oreal sau đó cũng thay đổi suy nghĩ và hào hứng hơn bởi những chia sẻ rất tích cực của chúng tôi trên LinkedIn.” – một nhà tuyển dụng của L’Oreal chia sẻ. Quan trọng hơn, hình thức này còn giúp L’Oreal giảm thiểu được lượng lớn chi phí tuyển dụng, với hơn 90 hồ sơ tốt và tiết kiệm được 20,000 Euro.

L’Oreal khuyến khích nhân viên sử dụng LinkedIn qua chiến dịch “ARE YOU in?”.

Cùng với đó, việc nhân viên giới thiệu cho tổ chức những ứng viên phù hợp mà họ quen biết cũng giúp nhà tuyển dụng giảm bớt chi phí bỏ ra cho các công cụ tìm kiếm nhân tài. Khi áp dụng các chương trình giới thiệu hồ sơ từ nhân viên, Dell đã đạt được 10,000 lượt chia sẻ cho mỗi một bài đăng công việc, giúp giảm 20% chi phí tìm kiếm qua các bài đăng. Con số với Yotpo – một công ty về công nghệ khi tạo sự kiện tương tự để khuyến khích nhân viên giới thiệu là 16/500 hồ sơ được giới thiệu trúng tuyển, tiết kiệm tới 70,000 USD cho doanh nghiệp này.

Tiết kiệm hơn với các hoạt động gắn kết nội bộ

Bằng cách tạo nhiều cơ hội để nhân viên xây dựng mạng lưới kết nối với các đồng nghiệp trong công ty qua mạng xã hội, các hoạt động, tin tức của công ty cũng dễ dàng được tiếp cận mà doanh nghiệp cũng hạn chế được các chi phí cho hoạt động truyền thông nội bộ.

Có thể kể đến một ví dụ của Reebok – hãng thời trang thể thao nổi tiếng thế giới. Bằng việc khuyến khích mọi người chia sẻ các hình ảnh, video hoạt động thể dục của họ trên mạng xã hội nội bộ qua chiến dịch #FitAssCompany, nhân viên đã cảm nhận được tinh thần thể thao mà Reebok muốn đem lại cho nhân viên và phản hồi khá tích cực với chiến dịch này.

Các nhân viên của Reebok tích cực chia sẻ các hoạt động thể thao của mình trên Twitter.

Hơn nữa, việc có một nhân viên gắn bó với tổ chức còn ảnh hưởng tới năng suất của tổ chức đó. Nghiên cứu của Gallup cho thấy, một doanh nghiệp với 9 nhân viên gắn bó sẽ góp phần đem lại doanh thu cao gấp 1,47 lần so với một tổ chức mà nhân viên thiếu sự khăng khít. Bên cạnh đó, những nhân viên không có sự tin tưởng với tổ chức có thể gây thiệt hại từ 450 tỉ USD đến 550 tỉ USD cho doanh thu của doanh nghiệp Mỹ mỗi năm, do vậy, việc quan tâm vào việc tạo sự gắn kết cho nhân viên và lắng nghe họ là điều cần ưu tiên. Điều đó đồng nghĩa doanh nghiệp cần chú trọng trong công tác truyền thông, đặc biệt là tận dụng nhân viên trở thành những người lan tỏa thương hiệu đắc lực.

Kim Oanh

Bài viết liên quan:

Khám phá sức mạnh từ những “đại sứ thương hiệu” trong tổ chức

Đại sứ thương hiệu: Khi người nổi tiếng không còn là lựa chọn duy nhất

7 ý tưởng biến nhân viên thành đại sứ thương hiệu

KOL nội bộ: Nhân tố không thể bỏ qua

Cẩm nang mạng xã hội – Nền tảng của Social Employee

Bài Viết Liên Quan