Vì sao đang thành công, Netflix muốn chuyển đổi văn hóa?

Vì sao đang thành công, Netflix muốn chuyển đổi văn hóa?

Chuyển đổi văn hóa là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển và thích ứng của các công ty với môi trường kinh doanh liên tục biến đổi. 

Phía sau thành công của “hiệu ứng Netflix”

Khởi đầu từ một trang web bán và cho thuê DVD qua đường bưu điện, tới nay, Netflix đã trở thành một trong những công ty giải trí lớn nhất thế giới với 200 triệu người đăng ký ở 190 quốc gia, sở hữu hơn 300 đề cử Emmy và nhiều giải thưởng Viện Hàn lâm khác.

Không chỉ thay đổi cách thế giới tiêu thụ các sản phẩm giải trí mà Netflix còn ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa đại chúng, thời trang, du lịch, thậm chí cả xu hướng sở thích và được gọi là “Hiệu ứng Netflix”. 

Không chỉ thay đổi cách thế giới tiêu thụ các sản phẩm giải trí mà Netflix còn ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa đại chúng, thời trang, du lịch, thậm chí cả xu hướng sở thích và được gọi là "Hiệu ứng Netflix".

 

Về mặt chiến lược, trong lịch sử phát triển của mình, Netflix đã tái cơ cấu và chuyển đổi qua bốn mô hình kinh doanh: Cho thuê DVD qua đường bưu điện để phát trực tuyến nội dung TV cũ; Từ nội dung truyền hình cũ đến nội dung tự sản xuất với mô hình thuê ngoài; Từ mô hình cấp phép thuê ngoài đến studio nội bộ với ngân sách lớn; Từ công ty hoạt động duy nhất ở Hoa Kỳ đến nội dung gốc đa ngôn ngữ, đa quốc gia.

Để làm được điều đó, Netflix đã xây dựng văn hóa “Tự do và Trách nhiệm” với trọng tâm là “Con người quan trọng hơn quy trình”. Văn hóa “Tự do và Trách nhiệm” tại Netflix cho phép quản lý dựa trên hiệu suất cao, không phải dựa trên thâm niên hay cấp bậc. Nhân viên có quyền truy cập vào mọi tài liệu nội bộ, tự do hành động mà không cần sự giám sát chi tiết, nhưng họ cũng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các quyết định của mình. 

Văn hóa “Tự do và Trách nhiệm” đã được chứng minh là hiệu quả trong việc thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới tại Netflix, giúp công ty có thể nhanh chóng thích nghi và phát triển trong ngành công nghiệp truyền thông liên tục biến đổi.

Đã tới lúc chuyển đổi văn hóa

Sau một giai đoạn phát triển, Netflix đã mở rộng nhân sự từ 8.600 nhân viên năm 2010 lên đến 13.000 vào những năm gần đây. Điều đó đồng nghĩa Netflix phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì và phát triển văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Sự gia tăng về quy mô của Netflix không chỉ đòi hỏi một cơ cấu quản lý hiệu quả hơn mà còn cần sự điều chỉnh trong cách thức duy trì chất lượng và hiệu suất của đội ngũ nhân viên.

Trong cuộc họp đánh giá kinh doanh thường niên của Netflix, diễn ra vào trung tuần tháng 3/2024, các cấp quản lý của Netflix đã cùng tranh luận về những đề xuất nhằm hợp lý hóa và cải tiến sổ tay văn hóa cho nhân viên, dựa trên nền tảng là thay đổi từ văn hoá “Tự do và Trách nhiệm” sang “Kiểm soát hành động” của nhân viên. 

Theo đó, những tài liệu nội bộ sẽ được giới hạn người truy cập. Netflix cũng sẽ tuyển dụng thêm một số vị trí đảm nhận trách nhiệm đặc biệt. Các quản lý không thể tự quyết định mức lương của nhân viên như trước mà sẽ có mức lương cố định cho những vai trò cụ thể. Định mức chi tiêu cho các chi phí liên quan đến công ty cũng được quy định rõ ràng. 

Mặc dù có một số nhà điều hành bày tỏ quan ngại về những thay đổi được đề xuất, Netflix dự kiến ​​sẽ xem xét các phản hồi nội bộ trước khi hoàn thiện bản sổ tay cải tiến.

Sự chuyển đổi trong văn hóa doanh nghiệp của Netflix là một ví dụ điển hình về cách mà các doanh nghiệp lớn cần phải thích ứng với sự thay đổi về quy mô và môi trường kinh doanh. 

Thực tế, văn hóa hay giá trị cốt lõi của doanh nghiệp không bất biến, mà tuỳ vào từng giai đoạn phát triển, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi để phù hợp với nhu cầu, mục tiêu mới. Quá trình này liên quan đến việc xác định lại mục tiêu, sứ mệnh và giá trị của tổ chức, đồng thời điều chỉnh các hoạt động và chính sách của tổ chức cho phù hợp với các giá trị đó.

Một số case study khác

Microsoft: Chuyển đổi văn hoá từ cạnh tranh nội bộ đến tinh thần hợp tác

Trước năm 2014, Microsoft được biết đến với văn hóa doanh nghiệp có tính cạnh tranh nội bộ cao. Cách tiếp cận này mặc dù đã mang lại thành công về mặt công nghệ, nhưng cũng gây ra một môi trường làm việc căng thẳng và thiếu sự hợp tác giữa các nhóm làm việc bên trong Microsoft. Thời điểm này cũng chứng kiến những thất bại đáng kể như việc thâu tóm Nokia không hiệu quả và sự suy giảm của thị trường PC, khiến Microsoft tụt hậu so với các đối thủ trong ngành.

Sau khi trở thành CEO của Microsoft, Satya Nadella đã thực hiện một loạt các bước nhằm thay đổi văn hóa doanh nghiệp, từ một môi trường “biết tuốt” sang “học tuốt”. Nadella đã loại bỏ hệ thống đánh giá nhân viên dựa trên xếp hạng. Ông đưa ra tầm nhìn mới cho Microsoft, tập trung vào sự đổi mới và hợp tác, thúc đẩy công ty tiến tới mô hình điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo. 

Sự thay đổi này đã mang lại kết quả tích cực rõ rệt. Microsoft không chỉ phục hồi vị thế là một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới mà còn tăng cường tính gắn kết của nhân viên, cải thiện đáng kể mối quan hệ với các công ty khác trong ngành.

Ford Motor Company chuyển đổi văn hoá: Cải tiến và Thách thức

Khi Alan Mulally nhận chức CEO của Ford Motor Company vào năm 2006, công ty đang đối mặt với khủng hoảng tài chính. Tình trạng silo diễn ra ở khắp nơi bên trong nội bộ Ford. Ford cũng thiếu một hệ thống giải trình trách nhiệm rõ ràng, khiến cho việc quản lý và cải thiện hiệu suất gặp nhiều khó khăn. Văn hóa công ty lúc bấy giờ bị giới hạn bởi các thói quen lâu đời và tư duy bảo thủ, không khuyến khích đổi mới hay sáng tạo. Các quyết định thường tuân theo cách làm cũ mà không cân nhắc đến các phương án sáng tạo hay hiện đại hơn.

Sau khi nhậm chức, Mulally đã triển khai mô hình “One Ford”, nhấn mạnh vào sự hợp tác và trách nhiệm giải trình, định hướng làm việc cùng nhau để đạt được các mục tiêu chung. Mulally đã thay đổi cách tiếp cận quản lý tại Ford, từ việc loại bỏ các silo chức năng độc lập, khuyến khích sự minh bạch và hợp tác giữa các bộ phận, các khu vực địa lý khác nhau của công ty. Mục tiêu là hợp nhất các bộ phận này vào một thể thống nhất, toàn cầu hóa và tận dụng tối đa các nguồn lực của công ty. 

Các thay đổi này đã giúp Ford không chỉ vượt qua khủng hoảng tài chính mà còn trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô lợi nhuận cao nhất thế giới.

Hằng Nguyễn (tổng hợp)

 

 

Bài Viết Liên Quan