PepsiCo đưa chương trình đào tạo lên thế giới ảo giữa đại dịch Covid-19

PepsiCo đưa chương trình đào tạo lên thế giới ảo giữa đại dịch Covid-19

Ý tưởng từ cậu bé 11 tuổi đã giúp PepsiCo đưa chương trình đào tạo vào thế giới ảo, biến các buổi học trực tuyến không còn nhàm chán, tăng tính tương tác trong nội bộ tổ chức. 

Thách thức khi dịch Covid-19 xuất hiện

Marco Rodriguez Tapia là chuyên gia đào tạo Lean Six Sigma hàng đầu của PepsiCo khu vực châu Âu. (Lean Six Sigma là một mô hình cải tiến chất lượng doanh nghiệp đã được áp dụng tại nhiều tập đoàn lớn). Trong khoảng 10 năm qua, Tapia đã đào tạo hàng nghìn nhân viên PepsiCo trên toàn cầu về phương pháp này. Do số lượng nhân viên tương đối lớn nên đa phần chương trình đào tạo được tổ chức trực tiếp và khá khô khan. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện buộc nhân viên phải chuyển sang làm việc từ xa và Tapia phải thay đổi cách tiếp cận học tập mới.

Ban đầu, nhóm của Tapia nghĩ rằng hoạt động đào tạo sẽ chỉ tạm hoãn trong vài tháng, họ có thể chờ đến khi dịch kết thúc. Nhưng tình hình dịch vẫn kéo dài, khiến họ phải lập kế hoạch mới, đổi mô hình để duy trì hoạt động đào tạo nội bộ. Giám đốc đào tạo của PepsiCo, Molly Nagler chia sẻ một trong những khó khăn lớn nhất họ gặp phải là hiện nay có rất ít mô hình đào tạo Lean Six Sigma trực tuyến.

Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, Marco Rodriguez Tapia thường đào tạo thông qua hình thức “face-to-face”.

Ý tưởng từ một cậu nhóc

Tapia đã cố gắng thử nghiệm đào tạo các lớp học trực tuyến khác nhau, sử dụng bản trình chiếu PowerPoint kết hợp các cuộc thảo luận, đố vui để đảm bảo truyền tải kiến thức hiệu quả nhất. Nhưng trái với sự nỗ lực đó, mức độ hài lòng về chất lượng đào tạo giảm 25%, nhiều người thậm chí không vượt qua các bài kiểm tra. Nagler chia sẻ: “Dường như tình trạng mệt mỏi khi họp ảo đã chứng minh phương thức học tập này khó khả thi”. Học viên cần có nhiều cơ hội thực hành với các tình huống thực tế hơn để có thể nhuần nhuyễn áp dụng các kỹ năng mới.

Đang gặp bế tắc khi phải kiếm tìm các công cụ mới, đứa con trai 11 tuổi của Tapia, Alexander bỗng đưa ra ý tưởng về việc sử dụng Minecraft (*) – một trò chơi quen thuộc mà anh và con trai thường xuyên chơi hàng ngày. Học viên có thể làm việc, giải quyết các vấn đề thực tế, hoàn thành các thử thách qua mô hình nhà máy PepsiCo ảo trên Minecraft.

(*) Minecraft là một trò chơi điện tử cho phép người chơi sử dụng gạch Lego ảo để xây dựng thế giới riêng với không gian ba chiều, tự tạo ra các thử thách, các cuộc phiêu lưu và tương tác được với sinh vật 3D khác.

Nhờ khả năng chơi game thành tạo, “nhân viên nhí” Alexander đã mô phỏng thành công nhà máy PepsiCo trên Minecraft chỉ trong vòng 30 giờ. Sáng kiến của cậu bé đều khiến toàn bộ nhóm đào tạo của PepsiCo thích thú. Sau đó, thành quả đã được đưa sang cho Blockworks, công ty chuyên thiết kế mô hình trong Minecraft. Việc thiết kế toàn bộ mô hình từ đầu ước tính mất ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, mô hình mẫu của Alexander đã giúp rút ngắn thời gian xuống còn 90 ngày để hoàn thành. 

Mô hình nhà máy PepsiCo được thiết kế trên Minecraft y hệt “bản gốc” từ hệ thống dây chuyền sản xuất.

Để mang lại các trải nghiệm tương tác ảo chân thực nhất, đội ngũ chuyên gia của PepsiCo đã phải thử nghiệm mọi tính năng một cách cẩn thận, đảm bảo chúng đều nhất quán, thân thiện với người dùng và phù hợp với nội dung đào tạo. Rất nhiều phiên bản đã được thử nghiệm, nhiều lỗi đã được khắc phục để có được kết quả cuối cùng. Trò chơi cũng được dịch sang 7 ngôn ngữ khác nhau để nhân viên của PepsiCo trên toàn cầu dễ dàng tiếp cận. 

Các viên gạch lego ảo đã biến đào tạo không chỉ là điểm số, bảng thành tích mà đã giúp kết nối mọi người, cùng nhau vượt qua thử thách.

Minecraft dạy Lean Six Sigma như thế nào?

Với hơn 20 năm tồn tại, Minecraft đã thu hút hàng trăm triệu người chơi trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhóm thiết kế game hiểu rằng không phải nhân viên nào cũng quen với trò chơi này. Vì vậy họ đã xây dựng một khu vực “tiền sảnh” để nhân viên có thể làm quen với cơ chế hoạt động của game. Bắt đầu từ những thao tác cơ bản như sửa chữa một mảng tường nứt, nhấn phím cách để nhảy qua một cái hố. Nếu đã thành thạo với trò chơi, họ có thể đi thẳng đến khu vực nhà máy.

Chương trình đào tạo được thiết kế với 5 ngày theo 5 giai đoạn của phương pháp Six Sigma là DMAIC, bao gồm Define (Xác Định), Measure (Đo Lường), Analyze (Phân Tích), Improve (Cải Tiến) và Control (Kiểm Soát).

Trong không gian nhà máy 3D, nhân viên có những trải nghiệm tương tự như công việc sản xuất thực tế. Họ sẽ phải vận chuyển các pallet đến kho, sau đó gửi cho khách hàng theo các đơn đặt hàng đã nhận. Mỗi nhóm từ 8 – 12 người chơi sẽ phải đi thu nhặt các khối màu khác nhau và sắp xếp chúng theo chỉ dẫn cũng như việc họ phối hợp sắp xếp các thùng hàng ngoài môi trường thực. Độ khó của game cũng tăng dần với các thử thách như các thùng hàng ảo rơi lung tung, có bộ phận bị hỏng hoặc thiếu. Lúc này người chơi sẽ phải sử dụng kỹ năng của bản thân và phối hợp với nhóm để hoàn thành thử thách. Sau khi dành 45 phút tham gia chơi, học viên sẽ cùng họp lại, chia sẻ về những suy nghĩ, kinh nghiệm đã rút ra để giúp cải thiện chất lượng công việc.

Mức độ hài lòng tăng mạnh

Ngay từ khi bắt đầu triển khai vào tháng 12 năm 2020, trò chơi này đã lập tức thu hút lượng lớn người tham gia. Những người chơi đầu tiên đều đưa ra các phản hồi tích cực, mức độ hài lòng tăng trở lại và số lượng nhân viên hoàn thành bài kiểm tra cũng nhiều hơn.

Nhu cầu về đào tạo Lean Six Sigma tăng lên và thái độ của học viên đã có những thay đổi tích cực. Tapia chia sẻ: “Giờ đây, họ rất hào hứng và tò mò muốn tham gia chương trình đào tạo, một điều hiếm xảy ra với một khóa học trực tuyến kéo dài 5 ngày. Chính những kết quả tích cực ấy đã giúp việc đào tạo của chúng tôi trở nên hiệu quả hơn, cải thiện năng suất và tinh thần chung của PepsiCo”.

Trò chơi nhập vai này vừa giúp giúp học viên học hỏi kỹ năng mới, vừa mang lại những trải nghiệm học tập thú vị. Nhờ thay đổi hình thức đào tạo qua Minecraft, hàng trăm nghìn nhân viên của PepsiCo được gắn kết với nhau, phá bỏ khoảng cách địa lý khi chuyển sang làm việc từ xa.

Các khóa học mà Blue C cung cấp được thiết kế linh hoạt, sáng tạo, kết hợp nhiều hoạt động tương tác nhằm thúc đẩy động lực, tăng tỷ lệ tương tác cho người học, nâng cao quá trình đào tạo. Bạn mong muốn xây dựng chương trình đào tạo văn hóa doanh nghiệp và truyền thông nội bộ độc đáo, hiệu quả, phù hợp với đặc trưng của doanh nghiệp? Hãy liên hệ ngay với Blue C để được tư vấn nhé!

Vân Anh

(Theo Chief Learning Officer)

Bài Viết Liên Quan