BELIEVE – Công thức 7 chữ “vàng” cho vai trò của truyền thông nội bộ

BELIEVE – Công thức 7 chữ “vàng” cho vai trò của truyền thông nội bộ

Bạn tin vào điều gì? Với Blue C, chúng tôi tin vào BELIEVE – công thức 7 chữ “vàng” gói gọn lại vai trò của truyền thông nội bộ. Hãy cùng Blue C tìm hiểu xem sức mạnh của truyền thông nội bộ góp sức vào thành công của các doanh nghiệp ngày nay như thế nào nhé.

1. Business Support: Hỗ trợ kinh doanh

Trải nghiệm khách hàng là một trong những thách thức của mỗi một người làm truyền thông – marketing. Một nghiên cứu từ Gartner đã chỉ ra rằng gần 90% các doanh nghiệp mong muốn yếu tố chủ đạo để cạnh tranh với các đối thủ, cải thiện kết quả kinh doanh sẽ phải là trải nghiệm khách hàng.

Để đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt, doanh nghiệp cần xây dựng cho thương hiệu của mình vững mạnh từ trong ra ngoài. Một doanh nghiệp với mục tiêu được truyền thông rõ ràng, thông suốt cùng đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, hạnh phúc và hài lòng với nơi họ đang cống hiến mỗi ngày sẽ ảnh hưởng tích cực đến trải nghiệm khách hàng và đánh giá của họ đối với thương hiệu, từ đó phần nhiều cải thiện doanh thu, hỗ trợ hoạt động kinh doanh, bán hàng.

2. Engage: Gắn kết

Truyền thông nội bộ còn là sợi dây để gắn kết con người với con người, con người với tổ chức.

Thông qua các hoạt động team building, các sự kiện nội bộ, cán bộ nhân viên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu những đồng nghiệp, lãnh đạo mà mình chưa có cơ hội tiếp xúc. Các hoạt động này là chất xúc tác để giúp họ thêm phần khăng khít, gia tăng tinh thần làm việc nhóm và hiểu hơn về những người mà hằng ngày mình đang cùng làm việc.

Bên cạnh đó, nhờ có các hoạt động truyền thông nội bộ, khoảng cách giữa nhân viên với tổ chức cũng được rút ngắn lại. Khi đó, tổ chức đang chia sẻ những sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị mà mình đang tuân theo tới nhân viên, giúp nhân viên cảm thấy mình cũng là một phần trong bức tranh lớn của doanh nghiệp.

3. Listen: Lắng nghe nhân viên

Điều quan trọng nhất trong truyền thông là nghe những gì không được nói” – nhà tư vấn quản trị Peter Drucker cho biết. Truyền thông nội bộ là một hệ thống trao đổi thông tin hai chiều. Nếu bạn vẫn đang nghĩ truyền thông nội bộ chỉ đơn thuần là việc chuyển tin tức một chiều từ các cấp trên xuống đội ngũ nhân viên, thì đó là một quan niệm thiếu sót.

Giờ đây, thông qua các chiến dịch đo lường mức độ gắn kết, thăm dò ý kiến nhân viên, các diễn đàn thảo luận, tiếng nói của nhân viên đang dần được lắng nghe và giải đáp nếu họ gặp phải vấn đề gì mình chưa hài lòng. Các kênh truyền thông nội bộ như hòm thư góp ý, các diễn đàn mở, bình luận trên các trang mạng xã hội nội bộ sẽ là nơi để những ý kiến của nhân viên được tiếp nhận.

4. Information Update: Cập nhật thông tin

Đây là vai trò rõ ràng nhất mà chúng ta có thể thấy được của truyền thông nội bộ. Truyền thông nội bộ sẽ giúp nhân viên biết về các sự kiện sắp diễn ra, các thay đổi trong chính sách công ty, các hoạt động gắn kết nhân viên như dã ngoại, hội thao hay các cập nhật về tình hình kinh doanh chung của công ty.

Việc công bố những thông tin này đến từng nhân viên thay vì che giấu sẽ tạo nên một môi trường 360 độ minh bạch, cởi mở mà bất kỳ nhân viên nào cũng mong muốn. Rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn và ưu tiên việc cập nhật nhanh nhất bất kỳ hoạt động, sự kiện nào diễn ra trong công ty đến nhân viên qua các kênh nội bộ, có thể kể đến như Vietnam Airlines với trang Spirit, FPT với trang Chungta. Không những vậy, các trang nội bộ này còn “mở cửa” để bất kỳ ai, dù là cán bộ nhân viên hay khách hàng, đối tác đều có thể theo dõi và tìm hiểu.

5. Educate: Đào tạo

Truyền thông nội bộ có thể giúp nhân viên nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và học hỏi nhiều điều mới thông qua các hoạt động như sự kiện giao lưu, trao đổi, các buổi tọa đàm liên quan đến các đề tài chuyên môn mà nhân viên quan tâm. Các bản tin nội bộ cũng có thể dành nhiều nội dung để chia sẻ về những xu hướng của ngành hay những kinh nghiệm giúp bán hàng và chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn.

6. Values: Văn hóa doanh nghiệp, giá trị cốt lõi

Bên cạnh đó, truyền thông nội bộ còn giúp cho văn hóa doanh nghiệp của bạn trở nên rõ ràng. Các thông báo, thông điệp, các cập nhật tin tức, những bài viết trên trang blog riêng của CEO đóng vai trò quan trọng trong việc nhìn nhận về văn hóa của nhân viên. Họ sẽ hiểu doanh nghiệp này đang làm vì điều gì, các giá trị sinh ra để phục vụ lợi ích của ai, vì sao sứ mệnh lại thực sự cần thiết cho doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là tổng thể những giá trị đó, và nếu được thực hiện tốt, các chiến dịch truyền thông nội bộ sẽ đưa các văn hóa mà nổi bật là các giá trị cốt lõi “sống” cùng nhân viên.

Bạn có thể nhìn ví dụ từ Mekong Capital để thấy cách doanh nghiệp này đưa các giá trị cốt lõi cũng như những nền tảng của văn hóa doanh nghiệp vào đời sống của nhân viên. Mekong Capital đã tiến hành các sự kiện vui vẻ, các chương trình theo tháng, quý như thi đấu các trò chơi, các cuộc thi, lễ trao giải, những buổi trao đổi để nhân viên thấm nhuần và hiểu hơn về 8 giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, để kiểm tra mức độ hiểu biết của nhân viên, các chương trình đánh giá hàng năm kèm theo các bài kiểm tra được đưa ra để nhìn nhận nhân viên đã nắm được và áp dụng các giá trị cốt lõi đó như thế nào.

7. Employer: Xây dựng hình ảnh lãnh đạo

Một yếu tố nữa giúp cho truyền thông nội bộ trở thành một phần không thể thiếu đó là xây dựng hình ảnh lãnh đạo. Nhờ có truyền thông nội bộ hiệu quả, giao tiếp giữa lãnh đạo và nhân viên cũng trở nên cởi mở hơn, thẳng thắn hơn, giúp cho việc quản lý và điều hành tốt hơn. Bên cạnh đó, truyền thông nội bộ còn giúp lan tỏa tầm ảnh hưởng của bất kì ai trong công ty để biến họ trở thành một “nhà lãnh đạo”. Họ không nhất thiết phải là một CEO, một nhà quản lý để được coi là lãnh đạo, mà chỉ cần tiếng nói của họ, hành động của họ truyền cảm ứng cho những người khác, giúp người khác ngày một phát triển, khi đó họ đã là “lãnh đạo” của mọi người.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được những vai trò quan trọng của truyền thông nội bộ, đặc biệt là các quản lý cấp trung, những người luôn chịu áp lực về kinh doanh và có xu hướng ưu tiên doanh số hơn những công việc khác. Chia sẻ điều này cùng doanh nghiệp, Blue C cung cấp khóa đào tạo nhận thức truyền thông nội bộ cho quản lý cấp trung, giúp cho công tác truyền thông nội bộ của doanh nghiệp thông suốt hơn, hiệu quả hơn. Các khách hàng điển hình đã huấn luyện nhân viên với khóa đào tạo này của Blue C có thể kể đến như VinGroup, Viettel, VNPT và nhiều doanh nghiệp khác.

Kim Oanh

Bài viết liên quan

Blue C đồng hành cùng VNPT nâng cao năng lực truyền thông nội bộ

PVOil học cách biến nhân viên thành Đại sứ Thương hiệu

Làm thế nào để giá trị cốt lõi “sống” cùng doanh nghiệp?

Ra mắt cuốn sách đầu tiên về Truyền thông Nội bộ

Bài Viết Liên Quan