5 câu hỏi để chuẩn bị cho sự phục hồi sau đại dịch
Từng bước phục hồi sau đại dịch, các doanh nghiệp đã nắm được 5 câu hỏi để chuẩn bị cho sự trở lại đầy nội lực hay chưa? Dựa trên chiến lược “5 chữ P” của nhà lý thuyết quản lý nổi tiếng Henry Mintzberg, Blue C sẽ cung cấp 5 câu hỏi hướng dẫn doanh nghiệp bạn có sự chuẩn bị chắc chắn hơn trong tương lai.
1. Định vị doanh nghiệp như thế nào trong và sau đại dịch?
Một chiến lược thông minh chỉ có thể được đề ra khi doanh nghiệp hiểu được vị trí hiện tại của mình. Doanh nghiệp đang đứng ở đâu trong lĩnh vực kinh doanh của họ? Doanh nghiệp là ai và có vị thế như thế nào trong thị trường? Ai là đối thủ cạnh tranh chính của doanh nghiệp?
Doanh nghiệp cũng phải hiểu họ đang đi đến đâu. Liệu doanh nghiệp có thể ngừng hoạt động và mở lại mà không có sự thay đổi nào sau đại dịch? Hoặc có thể chiếm lại thị phần? Doanh nghiệp sẽ phá sản hay có thể nổi lên dẫn đầu thị trường nhờ những ý tưởng phát triển trong quá trình đóng cửa?
Nhiều doanh nghiệp đã đặt câu hỏi về khả năng của mình sau đại dịch, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng như du lịch, giải trí, sự kiện. Một số khác thì suy nghĩ về việc chuyển đổi mặt hàng kinh doanh của họ để phù hợp với nhu cầu thị trường, chẳng hạn như đổi hướng sang sản xuất các thiết bị văn phòng tại nhà, các công cụ phối hợp làm việc và giao tiếp online hay các dịch vụ giao hàng tận nhà.
Nên nhớ, khả năng phục hồi của mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Hãy bắt đầu bằng việc xác định vị trí của mình ngay bây giờ để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo cho quá trình phục hồi.
2. Kế hoạch cho sự phục hồi là gì?
Sau khi trả lời câu hỏi trên, xác định được vị trí mà doanh nghiệp muốn đạt được thì một kế hoạch chi tiết là điều tiếp theo bạn cần thực hiện. Kế hoạch này phải thật cụ thể, bao gồm các hành động bạn cần làm ngay để đáp ứng tốt hơn mục tiêu trong tương lai đề ra. Trong bối cảnh hiện tại, câu hỏi cần trả lời là bạn phải làm gì để vượt qua khủng hoảng và quay trở lại kinh doanh khi đại dịch kết thúc.
Việc thiếu một kế hoạch sẽ làm cho sự mất phương hướng trở nên trầm trọng hơn trong tình hình có quá nhiều thứ không chắc chắn. Khi xây dựng kế hoạch, hãy cố gắng nghĩ rộng, sâu và có một cái nhìn dài hạn.
3. Văn hoá và bản sắc doanh nghiệp sẽ thay đổi ra sao?
Văn hóa và bản sắc ở đây được hiểu là quan điểm của tổ chức khi nhìn nhận thế giới và chính mình trong bối cảnh hậu Covid-19. Văn hóa và bản sắc của doanh nghiệp có khả năng sẽ thay đổi sau cuộc khủng hoảng này.
Một cuộc khủng hoảng có thể mang mọi người lại gần nhau, nâng cao tinh thần đoàn kết nhưng nó cũng có thể đẩy mọi người ra xa nhau, với những cá nhân không tin tưởng lẫn nhau và chỉ nghĩ đến bản thân mình.
Văn hóa doanh nghiệp của bạn đã được thể hiện như thế nào trong đại dịch, nó có còn phù hợp với tình hình hiện tại hay không? Nhân viên đang gắn kết hơn hay lạc lõng hơn với tập thể? Họ phải làm thế nào để thể hiện được các giá trị cốt lõi? Câu trả lời của doanh nghiệp sẽ phần nào dự báo những gì họ có thể đạt được sau đại dịch.
4. Những dự án mới nào cần triển khai, ưu tiên và phối hợp?
Đã đến lúc doanh nghiệp bắt tay vào những dự án mới để mở màn cho sự trở lại của mình. Thách thức lúc này chính là phải biết ưu tiên cho điều gì và phối hợp như thế nào để khởi động việc kinh doanh một cách trơn tru.
Hãy thận trọng với việc bắt đầu nhiều dự án mà tất cả phụ thuộc vào cùng một nguồn lực quan trọng, có thể là các cá nhân cụ thể, chẳng hạn như người quản lý hàng đầu hoặc một bộ phận cụ thể. Có quá nhiều sáng kiến mới mà không thể chọn lọc hay kết hợp chúng lại để tối ưu hóa nguồn lực cũng sẽ rất dễ làm hỏng chiến lược của doanh nghiệp.
5. Chuẩn bị như thế nào để thực hiện các kế hoạch và dự án?
Cuối cùng, doanh nghiệp cần đánh giá sự chuẩn bị của mình. Liệu doanh nghiệp đã sẵn sàng và có thể hoàn thành các dự án mà mình vạch ra, đặc biệt nếu đa số mọi người trong tổ chức đã chuyển sang làm việc từ xa hay chưa? Có sự khác biệt lớn trong khâu chuẩn bị ở cấp độ cá nhân, nhóm, tổ chức hay không? Các nguồn lực trong tay, cùng với tốc độ và chất lượng của các quá trình ra quyết định là khác nhau. Và sự khác biệt này sẽ quyết định thành, bại đối với sự trở lại của doanh nghiệp.
Virus corona đã có những tác động chưa từng có trên thế giới nhưng điều tồi tệ nhất dường như vẫn chưa xảy ra. Các công ty phải hành động ngay hôm nay nếu họ muốn phục hồi trong tương lai. Làm như vậy, doanh nghiệp sẽ giúp toàn bộ thế giới phục hồi – và hy vọng là nhờ thế, doanh nghiệp sẽ trở nên kiên cường hơn trong quá trình này.
Thảo Trang
(Theo HBR)