7 ý tưởng để doanh nghiệp “trao đi”

7 ý tưởng để doanh nghiệp “trao đi”

Trách nhiệm xã hội (CSR) từng được coi là một cách để tạo nên sự khác biệt của tổ chức, là thứ được coi là “tốt khi có” nhưng không hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, CSR giờ đây trở thành một phần không thể thiếu của hầu hết các công ty, trở thành yếu tố để ứng viên cân nhắc liệu giá trị của công ty có phù hợp với họ.

Tận dụng những thứ bạn có

Ngoài hình thức trao tặng hiện kim, một số doanh nghiệp sử dụng những sản phẩm, dịch vụ của chính công ty cung cấp cho các chiến dịch trách nhiệm xã hội. Chẳng hạn trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nhiều khách sạn sẵn sàng hỗ trợ nơi ăn, ở miễn phí cho các bác sĩ hoặc trở thành điểm cách ly để điều trị bệnh nhân. Một số bệnh viện cung cấp chương trình khám tư vấn và phát thuốc miễn phí hậu COVID-19 cho người dân. 

Linh hoạt thời gian 

Nhiều công ty cung cấp chính sách cho phép nhân viên nghỉ có lương để tham gia hoạt động thiện nguyện ngoài tổ chức. Hoặc trong nội bộ có thể triển khai theo các nhóm nhỏ và để nhân viên linh hoạt đăng ký hoạt động họ ưa thích, như trồng cây hay tự tay chuẩn bị suất cơm cho bệnh nhân nghèo.

Công ty luật Orrick ở Mỹ cung cấp chương trình nghiên cứu sinh, cho phép các luật sư có thể dành toàn thời gian để nghiên cứu các vấn đề dân quyền, cải cách tư pháp hình sự, công bằng xã hội, công bằng kinh tế trong vòng một năm và họ vẫn được trả nguyên lương.

Hãy xây dựng các chính sách linh hoạt cho phép nhân viên có thời gian rảnh để tham gia các hoạt động thiện nguyện.

Nhân viên và tổ chức cùng chung tay

Chiến lược CSR của tổ chức phải được thiết kế phù hợp với khả năng cống hiến, đóng góp của nhân viên. Đó không chỉ là những hỗ trợ về tài chính, kinh tế mà nhân viên có thể dành thời gian, công sức của họ để đóng góp cho xã hội.

Tại công ty bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ tư nhân của Mỹ – American Fidelity Assurance, nhân viên sẽ nhận được 10 đô la mỗi giờ khi dành thời gian tham gia tình nguyện. Và khi một người gia nhập một tổ chức phi lợi nhuận bất kỳ, công ty sẽ đóng góp 1.000 đô la mỗi năm cho tổ chức đó. Mobifone tỉnh Thừa Thiên Huế từng tổ chức giải chạy cho cán bộ nhân viên và mỗi km hoàn thành hợp lệ VĐV sẽ quyên góp được 1.000đ để thực hiện công trình vườn hoa thanh niên tại 01 địa phương trên địa bàn thành phố Huế.

Đưa khách hàng cùng tham gia

Kêu gọi khách hàng cùng tham gia vừa nâng cao nhận thức cho cộng đồng, vừa là cách xây dựng hình ảnh thương hiệu tốt, tạo niềm tin cho khách hàng về giá trị tổ chức hướng đến.

Các khách hàng của Marriott International có thể sử dụng điểm thưởng khách hàng thân thiết của họ để đóng góp cho các hoạt động cứu trợ Covid-19 hoặc liên quan đến bình đẳng chủng tộc. Sau đó, Marriott chuyển đổi các điểm này thành các khoản đóng góp bằng tiền.

Phát triển cơ hội cố vấn, thực tập

Hợp tác với các trường học tại địa phương hay các nhóm, câu lạc bộ trẻ để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng là một sáng kiến cho các hoạt động CSR tại doanh nghiệp. Chính những nhân viên tham gia dưới vai trò cố vấn, hướng dẫn đó cũng sẽ cảm thấy tự hào khi mang lại giá trị cho cộng đồng, còn những người học sẽ đạt được những kỹ năng mà công ty cần và có thể trở thành nhân sự tiềm năng trong tương lai.

Salesforce cung cấp chương trình cố vấn 1:1, nâng cao các kỹ năng như kế toán, vận hành, marketing cho các chủ doanh nghiệp nhỏ. Hay IBM đã ra mắt mô hình giáo dục P-TECH mở, cung cấp miễn phí các kỹ năng số cần thiết cho môi trường làm việc tương lai của học sinh, sinh viên.

Các chương trình cố vấn cũng là một hình thức để doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với xã hội.

Các sáng kiến phủ xanh

Một doanh nghiệp hướng đến sự bền vững, có trách nhiệm với môi trường không chỉ bảo vệ nơi mình sinh sống mà còn gia tăng sự gắn kết với nhân viên, là nơi thu hút nhân tài.

Các sáng kiến phủ xanh có thể kết hợp với các chiến dịch, sự kiện khác trong nội bộ. Chẳng hạn như Atlassian đã kết hợp cuộc thi thể thao với hoạt động vì môi trường bằng cách họ sẽ trồng một cây xanh cho mỗi 300 bước chạy.

Nhân viên của L3Harris Technologies ở Texas, đã kết hợp Ngày Trái đất với hoạt động cứu trợ COVID-19 bằng cách tái chế vật liệu thừa để sản xuất khẩu trang bằng vải cho cộng đồng.

Đừng quên dành tặng những món quà

Khi một cá nhân hay một nhóm chủ động tham gia các hoạt động thiện nguyện, đừng quên dành cho họ một món quà. Đó có thể là một lời khen, một chiếc cúp, một món quà lưu niệm hoặc thậm chí một khoản quyên góp cho tổ chức xã hội dưới danh nghĩa nhân viên đó. Điều này sẽ thể hiện sự tôn trọng, ghi nhận hành động đẹp của nhân viên và là cách để lan tỏa hình ảnh đến những người khác.

 

Một món quà nhỏ sẽ như sự khuyến khích nhân viên tiếp tục hành động đẹp.

Vân Anh (theo Great place to work)

Bài Viết Liên Quan