Đi tìm ý nghĩa công việc từ trong tư duy
Tại sao có những người có mức lương cao, làm việc trong môi trường tiện nghi nhưng lại cảm thấy trống rỗng, trong khi một số khác cho dù thiếu thốn hay lao động nặng vẫn cảm thấy thỏa mãn? Câu trả lời nằm ở mục đích, ý nghĩa công việc. Mục đích công việc không phải là những thứ vạch ra từ trước, có sẵn trên bản mô tả công việc.
Kết nối công việc với dịch vụ
Tại Medtronic, một trong những tập đoàn cung cấp thiết bị y tế lớn nhất nước Mỹ, CEO Bill George đã làm nổi bật giá trị công việc của nhân viên bằng cách mời những bệnh nhân đã được cứu sống bởi máy khử rung tim của Medtronic đến buổi họp thường niên. Tại đây, các bệnh nhân sẽ trò chuyện với nhân viên của công ty, chia sẻ niềm hứng khởi khi những thiết bị, máy móc của Medtronic đã cứu sống họ. Ngoài ra, Bill George cũng ghi nhận những cống hiến của bộ phận kiểm soát chất lượng bởi họ góp phần cứu chữa hàng ngàn bệnh nhân chính nhờ sự nghiêm ngặt, khắt khe trong công việc. Bằng cách đó, mỗi nhân viên đều cảm thấy kết nối công việc của mình đến với những người họ phục vụ.
Không phải công việc nào cũng đều liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người nhưng mỗi người đều đang tạo ảnh hưởng đến người khác từ chính những việc họ đang làm. Những chỉ dạy mỗi ngày của các giáo viên chính là cách họ định hình cho phẩm chất và lối sống của mỗi đứa trẻ. Nhân viên kế toán có thể kết nối với công việc lớn lao hơn của tổ chức và tự hào rằng những gì họ làm cũng đang giúp đỡ khách hàng. Hình dung một cách cụ thể và rõ ràng về đối tượng mà bạn đang phục vụ khiến mỗi giờ làm việc trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều.
Chế tạo và coi công việc như một nghề thủ công
Giáo sư Amy Wrzesniewski của Đại học Yale đã từng thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về các điều dưỡng viên bệnh viện để xác định xem điều gì đã giúp một số nhân viên trong nhóm nổi trội hơn. Và từ kết quả thu được, giáo sư phát hiện ra một phương pháp mới, được gọi là “chế tạo công việc”
Những điều dưỡng có hiệu suất cao đặt trọn tâm huyết để phục vụ bệnh nhân và “chế tạo” ra những việc mà họ thấy có ý nghĩa và muốn làm ngoài những nhiệm vụ được giao. Ví dụ như sắp xếp những tác phẩm nghệ thuật trong phòng bệnh để kích thích não người hôn mê, tìm hiểu những hóa chất có thể làm sạch phòng bệnh mà ít gây kích ứng nhất cho bệnh nhân. Họ theo đuổi sự hoàn hảo trong việc phục vụ người khác và nỗ lực điều chỉnh công việc để phù hợp với mục đích đó. Họ tự đặt trách nhiệm cao hơn trong công việc được giao để chúng có ý nghĩa hơn với bản thân và những người mà họ phục vụ. Điều này giống như cách mà các thợ thủ công làm với các tác phẩm của mình.
Nói cách khác, “chế tạo” công việc được hiểu là coi công việc như một nghề thủ công – tập trung vào các kỹ năng cần thiết để hoàn thiện công việc và cống hiến hết mình để hoàn thiện những kỹ năng đó. Khi bạn chủ động điều chỉnh công việc sao cho phù hợp với bản thân thì tự khắc bạn sẽ nhận ra mục đích công việc rõ ràng hơn.
Đầu tư vào các mối quan hệ tích cực
Những người bạn làm việc cùng cũng quan trọng như những gì bạn làm. Các mối quan hệ cần thiết trong và ngoài công ty có thể rất khác nhau nhưng chúng đều quan trọng. Có rất nhiều cách để phát triển các mối quan hệ tích cực tại nơi bạn làm việc. Chẳng hạn như việc đề nghị giúp đỡ và trao quyền cho một nhân viên mới, trẻ hơn trong việc đưa ra một số quyết định quan trọng. Chủ động lên lịch cho một sự kiện để kết nối nhiều hơn giữa bạn và đồng nghiệp của bạn. Hay đơn giản hơn, bạn có thể chỉ cần dành thời gian để quan sát, thấu hiểu một đồng nghiệp bất kỳ mỗi ngày và tìm ra lý do bạn cảm thấy biết ơn khi được làm việc cùng họ. Bất kể là cách nào, những nỗ lực của bạn trong việc tăng cường mối quan hệ tích cực với những người khác tại nơi làm việc cũng sẽ giúp công việc của bạn trở nên ý nghĩa hơn.
Hãy ghi nhớ lý do bạn làm việc
Hầu hết không phải ai cũng làm việc chỉ để giải trí, cho vui. Một người có thể cảm thấy hài lòng, tận hưởng với công việc của mình nhưng họ vẫn cần kiếm tiền và thanh toán hàng loạt các hóa đơn chi phí sinh hoạt. Bởi vậy, chính bản thân công việc đó đã mang ý nghĩa nhất định. Cha mẹ thường chăm chỉ làm việc để đầu tư cho con cái, hoặc có người làm việc để chăm lo cho cha mẹ già, người thân, cũng có những người dùng nguồn lực của họ để hỗ trợ các tổ chức cộng đồng hay bạn bè lúc cần thiết. Rất ít ai làm việc chỉ với suy nghĩ cho bản thân, nhu cầu cá nhân.
Hãy xác định người hoặc nhóm người bạn quan tâm trong tâm thức. Khi công việc của bạn quá khó khăn hoặc cảm thấy những nhiệm vụ được giao nhàm chán, hãy ghi nhớ rằng công việc của bạn cũng phục vụ cho những người mà bạn quan tâm trong cuộc sống. Luôn giữ điều này trong tâm trí sẽ giúp bạn gắn kết hơn với mục đích công việc ngay cả khi phải thực hiện những nhiệm vụ tẻ nhạt nhất.
Thu Hoài
(Theo HBR)
Bạn mong muốn được xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc, tạo động lực làm việc cho nhân viên? Liên hệ ngay với BLUE C để được tư vấn các giải pháp trải nghiệm nhân viên, văn hóa doanh nghiệp, truyền thông nội bộ nhằm nâng cao nội lực cho doanh nghiệp bạn.
Bài đọc thêm:
Doanh nghiệp làm thế nào để tìm mục đích công việc cho nhân viên?
Tạo động lực cho nhân viên từ giấc mơ lớn của Facebook đằng sau câu chuyện đổi tên thành Meta