Sức mạnh từ những chiến thắng nhỏ
Sự tiến bộ là động lực cơ bản của con người, tuy nhiên, một số nhà quản lý không biết cách tận dụng điều đó để khơi dậy tinh thần làm việc của nhân viên. Việc hiểu rõ những yếu tố tác động đến sự tiến bộ và yếu tố ức chế nó sẽ là chìa khóa để quản lý con người và tổ chức hiệu quả.
Nghiên cứu hơn 12.000 người của HBR trong nhiều tháng liên tục cho thấy yếu tố phổ biến tạo nên ngày tươi đẹp là có sự tiến bộ trong công việc cá nhân hoặc của đội nhóm. Ngược lại, điều khiến một ngày của họ trở nên tồi tệ là khi có bước thụt lùi. Những bước tiến xuất hiện đến 76% những ngày mọi người có tâm trạng tốt, trong khi thất bại chỉ xảy ra 13% số ngày đó. Trái lại, trong những ngày tồi tệ, sự thất bại xuất hiện đến 67% trong khi sự tiến bộ chỉ có 25%.
Từ đó có thể thấy rõ nguyên tắc của sự tiến bộ: Nếu một người kết thúc ngày làm việc tràn đầy động lực và hạnh phúc, chắc chắn họ đã đạt được sự tiến bộ nào đó. Còn nếu họ rời khỏi văn phòng trong tình trạng chán nản, không vui vẻ, có thể do họ đã gặp thất bại.
Khi nhân viên tiến bộ hơn, họ không chỉ vui vẻ, lạc quan mà còn cảm thấy được tiếp thêm năng lượng, hứng thú hơn với công việc và nhìn nhận tích cực hơn trước các thử thách.
Cột mốc nhỏ
Khi nhắc đến sự tiến bộ, đa số sẽ nghĩ đến cảm giác tuyệt vời khi đạt được mục tiêu dài hạn hoặc trải qua bước đột phá lớn. Những trận thắng lớn là điều tuyệt vời nhưng xảy ra khá hiếm. Trong khi, những chiến thắng nhỏ cũng góp phần thúc đẩy đời sống nội tâm của người đi làm. Những bước tiến nhỏ có thể mang lại phản ứng tích cực vượt trội. Chẳng hạn việc phát hiện một lỗi sai nhỏ của hệ thống cũng khiến một lập trình viên thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc, trở thành cột mốc nhỏ đối với họ.
Thậm chí những tiến bộ thông thường giúp tăng mức độ gắn kết công việc của một người và khiến họ hạnh phúc hơn trong ngày làm việc. Theo khảo sát của HBR, 28% các sự cố tác động nhỏ đến dự án có ảnh hưởng tương đối lớn đến cảm nhận của các thành viên tham gia. Nội tâm của người đi làm ảnh hưởng lớn đến khả năng sáng tạo và năng suất, đồng thời tích lũy những bước tiến nhỏ sẽ mang đến kết quả xuất sắc. Vậy nên những tiến bộ thường không được chú ý cũng rất quan trọng với hiệu suất chung của tổ chức.
Trái lại, những thất bại, bước lùi nhỏ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nhân viên. Và thực tế, sự kiện tiêu cực tác động mạnh mẽ hơn những sự kiện tích cực. Do đó, các nhà quản lý cần đặc biệt chú tâm giảm thiểu những rắc rối.
Tiến bộ trong công việc ý nghĩa
Chìa khóa để thúc đẩy hiệu suất là hỗ trợ tiến bộ trong công việc có ý nghĩa. Sự tiến bộ sẽ cải thiện đời sống nội tâm nhưng chỉ khi công việc đó quan trọng với họ.
Khi nhắc đến công việc nhàm chán nhất từng trải qua, nhiều người thường chọn công việc đầu tiên ở độ tuổi thanh thiếu niên chẳng hạn như rửa dọn trong bếp hay bưng bê đồ. Rất khó để nắm bắt sự tiến bộ trong những công việc như vậy cho dù làm việc chăm chỉ đến nhường nào. Chỉ khi kết thúc ngày làm việc hay khi nhận lương vào cuối tháng mới mang đến cảm giác hoàn thành đối với họ.
Với những công việc có nhiều thách thức và sáng tạo hơn, sự tiến bộ đơn giản là hoàn thành công việc sẽ không đủ đảm bảo họ hài lòng. Một người chăm chỉ và hoàn thành công việc nhưng vẫn có khả năng cảm thấy thất vọng, tồi tệ về một nhiệm vụ nào đó. Bởi vậy để đạt tiến bộ, điều quan trọng là công việc phải có ý nghĩa với người đi làm.
Vào năm 1983, Steve Jobs cố gắng lôi kéo John Sculley rời bỏ sự nghiệp thành công tại PepsiCo để trở thành CEO mới của Apple. Jobs đã hỏi anh ta rằng: “Bạn muốn dành phần đời còn lại của mình để bán nước ngọt hay bạn muốn nắm lấy cơ hội thay đổi thế giới?”. Khi đưa ra lời mời đó, Jobs đã đánh mạnh vào mong muốn sâu thẳm của con người là được làm công việc có ý nghĩa.
Một công việc có ý nghĩa không nhất thiết phải là những đóng góp to lớn cho xã hội như giúp người nghèo, cứu chữa bệnh nhân ung thư. “Ý nghĩa” có thể đơn giản như tạo ra một sản phẩm hữu ích và chất lượng cao cho khách hàng hoặc cung cấp dịch vụ tốt cho cộng đồng. Hoặc là hỗ trợ một đồng nghiệp hay thúc đẩy lợi nhuận của tổ chức nhờ tăng hiệu quả cho quy trình sản xuất. Cho dù đó là mục tiêu cao cả hay khiêm tốn, miễn là chúng có ý nghĩa với nhân viên và thể hiện rõ nỗ lực hướng đến mục tiêu thì sẽ sự tiến bộ chắc chắn cải thiện tinh thần làm việc của họ.
Người quản lý sẽ cần giúp nhân viên nhận ra những đóng góp của họ và tránh những hành động làm mất đi giá trị đó.
Thúc đẩy sự tiến bộ bằng chất xúc tác và chất nuôi dưỡng
Để truyền động lực và giúp nhân viên cam kết, vui vẻ, người quản lý sẽ cần chất xúc tác và nuôi dưỡng.
Chất xúc tác là những hành động hỗ trợ công việc, bao gồm thiết lập mục tiêu rõ ràng, trao quyền tự chủ, cung cấp đủ nguồn lực và thời gian, hỗ trợ trong công việc, cởi mở học hỏi từ các vấn đề, thành công, và cho phép trao đổi ý tưởng tự do. Trái lại, chất ức chế bao gồm việc không hỗ trợ hay can thiệp quá sâu vào công việc. Khi nhân viên nhận ra họ có mục tiêu rõ ràng, có ý nghĩa và đủ nguồn lực, đồng nghiệp hỗ trợ, họ sẽ cải thiện tâm trạng, có động lực để hoàn thành công việc hiệu quả, nâng cao nhận thức về công việc và tổ chức.
Chất nuôi dưỡng là những hành động hỗ trợ liên cá nhân, chẳng hạn như tôn trọng, ghi nhận, khuyến khích, tạo bầu không khí thoải mái và cơ hội để liên kết. Còn chất độc hại là thái độ thiếu tôn trọng, phản đối, coi thường và xung đột. Các chất nuôi dưỡng và và độc hại ảnh hưởng đến nội tâm trực tiếp và ngay tức thì.
Chất xúc tác, chất nuôi dưỡng và những chất gây ức chế đó đều có thể tác động đến ý nghĩa công việc của một người, làm thay đổi cách nhìn về công việc hay chính bản thân họ. Chẳng hạn việc người quản lý cung cấp đủ nguồn lực cho nhân viên hoàn thành công việc chính là cách cho thấy việc đó quan trọng và có giá trị. Hay khi quản lý ghi nhận việc nhân viên làm chứng tỏ họ là nhân tố quan trọng trong tổ chức.
Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo thường bỏ quên những yếu tố này. Những chiến lược dài hạn, các sáng kiến mới dường như nghe có vẻ hấp dẫn và được đánh giá quan trọng hơn so với việc đảm bảo cấp dưới đạt được tiến bộ ổn định. Nhưng chiến lược tốt cũng sẽ gặp thất bại nếu các nhà quản lý phớt lờ những người thực hiện chiến lược đó.
Vân Anh (Lược dịch theo HBR)
Bài viết tham khảo:
Đi tìm ý nghĩa công việc từ trong tư duy
Doanh nghiệp làm thế nào để tìm mục đích công việc cho nhân viên?