Để nhân viên “yêu” công ty hơn
Bí quyết để các thương hiệu lớn luôn đạt top đầu trên thị trường không chỉ nằm ở các chiến lược hướng đến khách hàng, sản phẩm mà còn nhờ việc đẩy mạnh hoạt động chú trọng vào nhân viên nhằm khơi dậy niềm tự hào của họ. Khi nhân viên hãnh diện với công việc và tổ chức của mình, doanh nghiệp sẽ tự tin khẳng định vị thế, vững vàng bước tiếp đến thành công.
Biến nhân viên thành “Người hùng”
Không điều gì có thể thúc đẩy con người từ chính động lực nội tại của họ. Khi tổ chức đánh giá, nhấn mạnh vai trò công việc của nhân viên, họ sẽ cảm thấy hứng khởi hơn, được tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Minh chứng rõ nhất là trong sự kiện di chuyển và đặt tên cho con tàu chiến lớn nhất của Quân đội Hoàng gia Anh “The Queen Elizabeth” do Aircraft Carrier Alliance (ACA) – Liên minh Hàng không Mẫu hạm Anh đảm nhận.
Để có thể tạo nên được con tàu vĩ đại như “The Queen Elizabeth”, không thể không kể đến công sức của những cán bộ công nhân viên ngày đêm vất vả góp công sức xây dựng. Không để họ “núp” sau bóng tối, ACA đặt ra mục tiêu thứ hai đó là để tất cả mọi người đều biết về họ cũng như những đóng góp thầm lặng họ đang cống hiến.
Để nhắc nhở, thu hút nhân viên về sự kiện hoành tráng này, ACA thiết kế đồng hồ cơ học đặt tại các điểm “hút mắt” của trụ sở và những chiếc đồng hồ “ảo” trên trang nội bộ nhằm đếm ngược tới ngày diễn ra sự kiện. Bên cạnh đó, để tôn vinh công sức của những cán bộ làm nên con tàu, ACA đã đăng tải tấm poster và các đoạn phim ngắn trong quá trình sản xuất và những mẩu chuyện, những chia sẻ của nhân viên lên các kênh truyền thông như một món quà dành cho họ.
Chính nhờ lựa chọn những mục tiêu rõ ràng và có cách làm sáng tạo, đội ngũ truyền thông của ACA đã thành công trong việc giúp nhân viên hiểu hơn về con người, sản phẩm của tổ chức và gắn kết dài lâu hơn.
Để nhân viên mạnh mẽ thực thi các sáng kiến của tập đoàn
Một trong những cách khơi dậy niềm tự hào cho nhân viên mà được nhiều doanh nghiệp áp dụng phổ biến là trao quyền cho những sáng kiến cho họ. Arby’s – chuỗi nhà hàng bán đồ ăn nhanh của Mỹ với hơn 3.300 hệ thống nhà hàng đã thành công trong việc thực thi chiến lược đó.
Vào năm 2012, khi Arby’s giảm sút lợi nhuận, cùng với sự gia tăng về tỷ lệ nhân viên rời đi, vị CEO mới của doanh nghiệp lúc bấy giờ là Paul Brown đã cố gắng xoay chuyển tình thế bằng cách tập trung vào sự gắn kết và cải thiện trải nghiệm cho nhân viên. Paul đã ghé thăm hơn 50 cửa hàng và đặt chung một câu hỏi cho nhân viên cũng như quản lý chi nhánh là: “Bạn sẽ làm gì nếu đứng trên vị trí của tôi”. Chính những câu trả lời mà ông nhận lại đã giúp công ty vực dậy lại sau khủng hoảng chỉ trong 1 năm.
Kể từ đó đến nay, doanh nghiệp này luôn chủ động thiết kế các chính sách để nhân viên tự do đưa ra, phát triển các sáng kiến, hoạt động nội bộ. Động lực có được từ ý thức “làm chủ” là thứ mà Arby’s hướng đến, đã chìa khoá chính giúp thúc đẩy sự gắn kết của nhân viên đối với “ngôi nhà” công việc của mình.
“Wow Stories” – Chuỗi câu chuyện thành công của nhân viên
Đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp, thành quả của nhân viên cũng là ý tưởng hữu hiệu nhằm khơi dậy động lực, niềm tự hào của họ. Điển hình nhất là sáng kiến “Wow Stories” của The Cheesecake Factory, hướng đến chia sẻ những câu chuyện thành công của các nhân viên trong tổ chức.
Việc truyền bá những bài học xuất sắc như vậy nhằm tôn vinh những nhân vật chính trong câu chuyện là các cá nhân nổi bật. Đồng thời, hoạt động này còn nhằm lưu truyền các bài học, phương pháp xuất sắc, khơi nguồn cảm hứng cho nhân viên để cùng nhau xây dựng văn hóa doanh nghiệp hoàn chỉnh hơn.
Nhân viên là đối tác, quản lý là người định hướng văn hoá
Ngày nay, Starbucks đã trở thành chuỗi cà phê lớn nhất thế giới với gần 27.000 cửa hàng, 238.000 nhân viên và doanh thu lên đến 22,39 tỷ USD mỗi năm. Văn hóa của Starbucks trở nên đặc biệt do nó gắn liền với chiến lược kinh doanh của công ty. Cảm giác thoải mái khi bước vào một cửa hàng Starbucks không chỉ đơn thuần dựa vào thiết kế nội thất mà còn phụ thuộc vào cách nhân viên bán hàng hiểu rõ tầm quan trọng của mình, nắm được việc đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng sẽ giúp cả tập đoàn phát triển.
Starbucks đã thiết kế các trải nghiệm nhân viên trên nền tảng cốt lõi: Nhân viên hài lòng sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời hơn cho khách hàng.
Nhân viên là đối tác – Starbucks thường gọi các nhân viên của mình là những “đối tác” và khuyến khích họ nêu lên ý kiến và ảnh hưởng nhiều hơn tới công ty. Tất cả các đóng góp của nhân viên sẽ được thu nhận để cải thiện sản phẩm và mô hình kinh doanh của Starbucks.
Quản lý là người dẫn đầu – Những quản lý tại Starbucks hoàn toàn chịu trách nhiệm “truyền bá” văn hóa đến từng nhân viên của mình.
Các “đối tác” của công ty luôn nhận được đầy đủ kiến thức và kỹ năng, từ sản phẩm của Starbucks cho đến quy tắc phục vụ, đặc biệt là cách chào hỏi khách hàng và tạo nên một môi trường Starbucks đặc biệt. Starbucks tự hào là công ty đầu tư vào huấn luyện kỹ năng nhân viên hơn cả đầu tư vào truyền thông, và điều đó đã mang lại một văn hóa làm việc đậm chất Starbucks và đem lại cho khách hàng một trải nghiệm Starbucks hoàn hảo.
Vân Anh
(Tổng hợp)