Gắn kết nhân viên với nhiệm vụ quốc gia theo cách của Aircraft Carrier Alliance

Gắn kết nhân viên với nhiệm vụ quốc gia theo cách của Aircraft Carrier Alliance

Sự kiện di chuyển và đặt tên cho con tàu chiến lớn nhất của Quân đội Hoàng gia Anh “The Queen Elizabeth” là dấu mốc tầm cỡ quốc gia. Aircraft Carrier Alliance (ACA) – Liên minh Hàng không Mẫu hạm Anh đã làm gì để gắn kết nhân viên và vun đắp niềm tự hào của họ trong chiến dịch này?

Với hàng nghìn nhân viên đóng quân tại 6 trụ sở trên toàn nước Anh, ACA nhận thức được một bài toán truyền thông đang đặt ra cho họ đó là làm sao để sáng tạo nên các cách thức mới mẻ kêu gọi nhân viên hào hứng tham gia. Với ba mục tiêu giúp nhân viên biết đến sự kiện, khích lệ tinh thần các “chiến binh” thầm lặng và lan tỏa tinh thần “one team”, ACA đã sáng tạo nên những ý tưởng đáng để chúng ta cùng tham khảo.

Khơi gợi sự tò mò của nhân viên

Mục tiêu đầu tiên ACA đặt ra đó là giúp tất cả nhân viên đều biết đến sự kiện và trông đợi vào ngày trọng đại đó. Để thu hút sự chú ý của nhân viên cho sự kiện này, ACA thiết kế hai loại đồng hồ đếm ngược tới ngày diễn ra sự kiện. Đầu tiên là một chiếc đồng hồ cơ học được đặt tại những địa điểm “hút mắt” ở các trụ sở. Thêm vào đó, những chiếc đồng hồ số trực tuyến cũng được công bố trên các trang mạng nội bộ, hệ thống TV – những “không gian mạng” mà đa số nhân viên đều theo dõi mỗi ngày để bất kỳ ai nhìn vào cũng có thể cập nhật được thời gian tổ chức.

Đồng hồ đếm ngược được đặt tại các trụ sở của ACA trên khắp nước Anh.

Biến nhân viên thành những “người hùng”

Để có thể tạo nên được con tàu vĩ đại như “The Queen Elizabeth”, không thể không kể đến công sức của những cán bộ công nhân viên ngày đêm vất vả góp công sức xây dựng. Không để họ “núp” sau bóng tối, ACA đặt ra mục tiêu thứ hai đó là để tất cả mọi người đều biết về họ cũng như những đóng góp thầm lặng họ đang cống hiến.

Để làm điều đó, ACA lựa chọn những tấm poster và các đoạn phim ngắn đăng tải mỗi tuần trước thềm sự kiện. Với những tấm poster, ACA thiết kế hình ảnh kèm thông tin nhấn mạnh vào các kỹ năng của họ không chỉ trong việc xây dựng con tàu mà còn cả trong quá trình vận chuyển tàu cho sự kiện đặt tên sắp diễn ra. Những đoạn phim ngắn đăng tải trên Youtube của ACA là những mẩu chuyện, những chia sẻ của nhân viên về quá trình làm nên “The Queen Elizabeth”. Nhân viên đã được truyền cảm hứng từ câu chuyện của kỹ sư điện Jim McEwan cho đến quản lý tài chính Alison Adams.

Để câu chuyện được lan tỏa, ACA tạo một hashtag #QECarriers trên Twitter để chia sẻ những câu chuyện về những “người hùng” thầm lặng.

Những câu chuyện nhân vật được kể qua các đoạn phim ngắn trên Youtube của ACA.

Lan tỏa tinh thần “one team”

Mục tiêu cuối cùng của ACA đó là để nhân viên cảm thận được tinh thần xuyên suốt – “one team”- tinh thần mà ở đó tất cả đều là một nhà, cùng kết nối và hiểu hơn về tổ chức.

ACA tổ chức những cuộc thi cho nhân viên để họ có cơ hội nhận những phần thưởng hấp dẫn liên quan đến sự kiện. Đó là một tấm vé VIP cho sự kiện và cơ hội cho hai con em của cán bộ nhân viên được tặng hoa cho nữ hoàng Elizabeth. Đây là những cơ hội quý giá và thực sự hấp dẫn các cán bộ nhân viên của ACA bởi không phải ai cũng có vinh dự để được thực hiện cho một sự kiện tầm cỡ quốc gia như vậy.

Tinh thần “one team” là tinh thần xuyên suốt sự kiện.

Cùng với đó, ACA tổ chức hàng loạt các chương trình giải trí để nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên về sự kiện. Những chương trình biểu diễn nhạc sống, chiếu phim công cộng, hội chợ ăn uống được diễn ra tại 15 điểm quanh nước Anh. ACA cũng bố trí đặt tại Rosyth – một thị trấn của Scotland để tường thuật trực tiếp sự kiện cho những ai không có cơ hội tham gia.

Gắn kết để thành công

Hơn 1.000 người tham gia vào các cuộc thi do ACA tổ chức, hơn 3.000 cán bộ nhân viên cùng gia đình xem truyền hình trực tiếp tại Rosyth, những phản hồi tích cực về sự kiện… là những con số “biết nói” để chứng minh cho thành công mà chiến dịch truyền thông ACA đã thực hiện. Nhờ những hoạt động này, hơn 75% nhân viên cảm thấy gắn kết hơn với sự kiện, hơn 68% cho rằng chiến dịch này đã giúp họ được lan tỏa tinh thần “one-team” và từ con số 30%, đã có hơn 70% nhân viên có thêm động lực làm việc (theo Báo cáo năm của ACA).

Chính nhờ lựa chọn những mục tiêu rõ ràng và có cách làm sáng tạo, đội ngũ truyền thông của ACA đã thành công trong việc giúp nhân viên hiểu hơn về con người, sản phẩm của tổ chức và gắn kết dài lâu hơn.

Kim Oanh

(Theo CIPR)

Bài viết liên quan:

Tổ chức thành công khóa học “Truyền thông nội bộ: Gắn kết cá nhân – Nâng cao hiệu suất”

Sử dụng Video trong truyền thông nội bộ – Câu chuyện từ Clark

Truyền thông nội bộ: Lan toả thông tin hay hỗ trợ chiến lược?

Cách SNCF giữ thông tin thông suốt trên những chuyến tàu không ngừng nghỉ

 

 

Bài Viết Liên Quan