Tại sao doanh nghiệp cần để văn hóa là tâm điểm cho chương trình hội nhập nhân viên mới?
Khả năng hòa nhập văn hóa của nhân viên là nhân tố quyết định mức độ thành công của cả quy trình tuyển dụng, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng thấy được rằng cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa văn hóa và chương trình hội nhập nhân viên. Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao yếu tố văn hóa cần được coi trọng tới vậy.
1. Giai đoạn hội nhập là “thời điểm vàng” để tìm kiếm người phù hợp văn hóa
Văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng mạnh nhất tới nhân viên ngay thời điểm đầu tiên họ đặt chân tới văn phòng. Bằng việc chú trọng truyền thông, đào tạo về văn hóa ngay trong giai đoạn hội nhập, doanh nghiệp sẽ tận dụng được “thời điểm vàng” để tiến hành sàng lọc những nhân tố phù hợp để “điền vào chỗ trống”.
Zappos là một doanh nghiệp rất chú trọng vào “thời điểm vàng” này. Trong vòng một tháng đầu, các gương mặt mới của công ty sẽ tìm hiểu về lịch sử của công ty và 10 giá trị cốt lõi, hiểu hơn tầm quan trọng của việc đem lại dịch vụ khiến khách hàng phải “WOW” qua việc trở thành một nhân viên telesales trong hai tuần để trực tiếp trả lời điện thoại với khách hàng thật. Thậm chí, Zappos còn kiểm tra mức độ phù hợp văn hóa và sự trung thành của ứng viên bằng một “bài kiểm tra” khá liều lĩnh. Doanh nghiệp này đã đưa ra lời đề nghị trả cho ứng viên 3.000 USD (con số đến nay đã tăng lên tỉ lệ thuận theo số lượng nhân viên) để họ rời khỏi đây, hoặc tiếp tục ở lại mà không nhận khoản “thưởng nóng” đó nữa. Bài kiểm tra này đem lại hiệu quả bất ngờ khi đa số ứng viên khẳng định họ không chọn công việc vì tiền, điều thực sự đúng với một “nhân viên lý tưởng” Zappos đang mong muốn.
2. Cơ hội để tân binh trải nghiệm văn hóa doanh nghiệp từ sớm
Với hơn 110.000 nhân viên tại trên 1.250 nhà hàng tại Anh, McDonald’s là doanh nghiệp có “dân số” khá trẻ khi hơn 50% nhân viên mới dưới 21 tuổi. Rất nhiều bạn trẻ chưa bao giờ có một công việc thực tế trước đây, điều này khiến cho việc truyền thông văn hóa doanh nghiệp tới tân binh trong giai đoạn hội nhập càng cấp thiết hơn.
Chính bởi thực tế trên, ngay trong buổi chào đón nhân viên mới, một trò chơi boardgame đơn giản đã được thiết kế để giúp họ có thêm kiến thức về cách phản ứng tình huống với khách hàng và sự nhiệt tình để ở lại với McDonald’s làm việc hiệu quả hơn. Trò chơi đã giúp tân binh hiểu hơn về “đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng” – giá trị cốt lõi hàng đầu của công ty cũng như công việc của mình. “Một trải nghiệm đáng yêu tạo nên không khí làm việc tại McDonald’s” là một trong nhiều nhân xét của nhân viên mới khi tham gia trò chơi này.
Ví dụ trên cho thấy, khi chú trọng văn hóa trong giai đoạn hội nhập, doanh nghiệp có thể đem đến một cơ hội để giúp nhân viên trải nghiệm những điều họ vốn thấy trên website hay trên các ấn phẩm treo trong văn phòng. Bằng cách này, nhân viên sẽ cảm nhận những giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh sẽ không phải điều sáo rỗng, mà thực sự là những điều mọi người trong tổ chức đang thực hành mỗi ngày.
3. Tạo động lực để nhân viên gắn bó dài lâu hơn
Việc “giải mã” văn hóa doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu là cách hiệu quả để giúp nhân viên mới hiểu hơn về sự phù hợp giữa giá trị của họ với giá trị công ty cũng như biết được vai trò của họ trong việc đóng góp vào quá trình thực hiện sứ mệnh, mục đích lớn của tổ chức. Nhờ sự thấu hiểu, tân binh sẽ được tiếp thêm động lực để đồng hành lâu dài cũng như cống hiến nhiệt tình hơn cho tổ chức.
Tại Facebook, nhờ chương trình huấn luyện hội nhập Bootcamp mà các kỹ sư công nghệ sẽ thấy đam mê hơn với công việc cũng như môi trường làm việc chỉ sau vài tuần gắn bó. Theo đó, khi Bootcamp bắt đầu, mỗi người sẽ được chỉ định một kĩ sư cấp cao để làm cố vấn và được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau trong quá trình lập trình, sửa lỗi phần mềm. Nói cách khác, họ được trải nghiệm văn hóa làm việc tại Facebook ngay ngày từ đầu, nhờ đó có cái nhìn chuyên sâu hơn về nơi họ lựa chọn cũng như nhanh chóng xây dựng mạng lưới mối quan hệ cho mình. Họ cũng biết được khả năng đóng góp nào của mình sẽ phù hợp với tổ chức và có thêm động lực để gắn bó dài lâu với “điểm đến” này.
Có thể thấy, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng như vậy, sẽ là một sự lãng phí nếu doanh nghiệp không biết cách để xây dựng và phát triển văn hóa một cách bài bản, được ứng viên và nhân viên yêu thích. Để sự lãng phí đó không diễn ra, hãy tìm kiếm những giải pháp và đơn vị tư vấn phù hợp, có thế mạnh và kinh nghiệm. Blue C tin rằng, với cơ hội được đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp lớn trong việc đo lường, đào tạo, định hình và truyền thông văn hóa doanh nghiệp, chúng tôi sẽ là đối tác mà bạn đang tìm kiếm.
Tìm hiểu thêm về dịch vụ tư vấn và phát triển văn hóa doanh nghiệp tại đây.
Tham khảo cẩm nang “Sống cùng Giá trị cốt lõi” tại đây.
Hoàng Duy
(Theo Actimo)