DEI – Xu hướng xây dựng văn hóa doanh nghiệp đa dạng, bình đẳng và hòa nhập
DEI không chỉ là một khái niệm mà còn là một phương pháp tiếp cận toàn diện trong việc xây dựng văn hóa tổ chức đa dạng, bình đẳng và hòa nhập.
DEI là viết tắt cho đa dạng (diversity), bình đẳng (equity) và hòa nhập (inclusion) được nhiều doanh nghiệp áp dụng vào chiến lược nhân sự. Tuy nhiên, DEI không chỉ đơn thuần là tuyển dụng một đội ngũ đa dạng, mà còn quan trọng là tất cả nhân viên có quyền tiếp cận công bằng về lương bổng và phúc lợi, nguồn lực và cơ hội thăng tiến, có tiếng nói trong nhóm và tổ chức của họ.
Contents
D – DIVERSITY – ĐA DẠNG
Đa dạng là công nhận sự kết hợp của một tập thể có nhiều cá nhân mang các đặc điểm khác biệt, bao gồm các đặc điểm bên trong (như giới tính, độ tuổi, tư duy và thể chất,…), đặc điểm bên ngoài (về vị trí địa lý, quê quán, văn hóa, tôn giáo,…) và đặc điểm tổ chức (như các hình thức hợp đồng lao động khác nhau).
E – EQUITY – BÌNH ĐẲNG
Là xây dựng một môi trường nơi mỗi cá nhân, tập thể được đảm bảo được đối xử công bằng (không phân biệt đối xử dựa trên bất kỳ đặc điểm cá nhân nào như giới tính, sắc tộc hay tình trạng kinh tế) và được trao những cơ hội như nhau để mọi người có thể phát triển và thành công theo tiềm năng của họ.
I – INCLUSION – HÒA NHẬP
Là tạo nên môi trường làm việc, nơi mà mọi người được đánh giá cao về năng lực, cảm thấy an toàn và được tôn trọng; nơi mà mỗi đóng góp, ý kiến của mỗi cá nhân đều được coi trọng và cho phép người lao động phát huy tối đa tiềm năng của mình, bất kể trình độ, danh tính hay hoàn cảnh của họ như thế nào.
DEI kết nối với văn hóa doanh nghiệp như thế nào?
DEI đang dần trở thành một yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng và định hình văn hóa doanh nghiệp. Đa dạng đem đến sự khác biệt và phong phú, không chỉ về đặc điểm cá nhân mà còn về quan điểm, kinh nghiệm và nền văn hóa. Bình đẳng đảm bảo rằng mọi cá nhân đều có cơ hội công bằng để thể hiện tiềm năng của mình và được đối xử tương đương. Hòa nhập xây dựng một môi trường làm việc mà mọi người cảm thấy chào đón, kết nối và gắn kết với nhau.
DEI đã thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về vai trò quan trọng của sự đa dạng trong một tổ chức. Đa dạng không chỉ giới hạn ở khía cạnh về giới tính, sắc tộc hay tuổi tác, mà còn bao gồm cả quốc tịch, khả năng về sức khỏe và quan điểm. Doanh nghiệp nhận ra rằng sự đa dạng là một lợi thế cạnh tranh, mang lại sự đổi mới và khả năng thích ứng trong một thị trường luôn luôn biến động.
Đồng thời, DEI cũng có thể góp phần vào xây dựng giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp, đó là giá trị bình đẳng. Điều này đòi hỏi sự công bằng và tôn trọng đối xử với tất cả các thành viên trong tổ chức, không phân biệt về giới tính, sắc tộc hay bất kỳ yếu tố nào khác. Bình đẳng trở thành một nguyên tắc căn bản được áp dụng từ quy trình tuyển dụng, phát triển, thăng tiến và đánh giá nhân viên. Điều này tạo ra một môi trường làm việc công bằng và chuyên nghiệp, khuyến khích sự phát triển và thể hiện tiềm năng của mọi cá nhân trong tổ chức.
Một doanh nghiệp thể hiện cam kết DEI thông qua các chính sách và hành động cụ thể sẽ tạo dựng được niềm tin và đánh giá cao từ phía khách hàng và cộng đồng. Khách hàng, công chúng ngày càng quan tâm đến giá trị và tầm ảnh hưởng xã hội của các doanh nghiệp. Khi họ cảm thấy rằng doanh nghiệp xây dựng một văn hóa bình đẳng và tôn trọng sự đa dạng, họ sẽ có xu hướng ủng hộ và tin tưởng hơn. Điều này có lợi ích rất lớn trong việc tăng cường lòng tin và sự ủng hộ từ cộng đồng, khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị trường và tạo ra lợi ích tài chính dài hạn.
Như vậy, có thể thấy, việc đưa DEI vào tầm nhìn chiến lược và mục tiêu của doanh nghiệp không chỉ tạo ra lợi ích xã hội mà còn mang lại lợi ích kinh doanh. Các doanh nghiệp hiểu rằng việc xây dựng một văn hóa DEI sẽ tạo điều kiện thu hút nhân tài, tăng cường sự sáng tạo và cải thiện hiệu suất cho tổ chức.
Lợi ích của DEI đối với doanh nghiệp
Thu hút nhân tài
DEI tạo ra một môi trường hấp dẫn ứng viên, nơi mà mọi người từ các nhóm đa dạng đều được chào đón, cảm thấy thoải mái và được đánh giá công bằng. Bên cạnh đó, DEI đảm bảo rằng mọi người có cơ hội phát triển và thăng tiến bình đẳng dựa trên năng lực và thành tựu của mình, không bị hạn chế bởi các yếu tố đa dạng. Điều này thu hút nhân tài ưu tú, vì họ muốn làm việc trong một môi trường nơi sự công bằng và công nhận được đảm bảo.
Thúc đẩy sáng tạo và đổi mới
Công ty có đội ngũ đa dạng có thể tận dụng nhiều góc nhìn, kinh nghiệm và ý tưởng khác nhau. Điều này cải thiện quyết định, tăng cường đổi mới và khuyến khích việc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo. Sự đa dạng giúp mang đến các góc nhìn đa chiều, đồng thời khuyến khích sự hợp tác và đóng góp ý kiến từ nhiều phía khác nhau. Từ đó giúp cho doanh nghiệp có được những giải pháp tốt hơn cho các sản phẩm và chiến lược kinh doanh.
Tăng cường sự gắn kết của nhân viên
DEI khuyến khích sự tham gia của tất cả nhân viên, đảm bảo những quan điểm và ý kiến đa dạng đều được lắng nghe; tạo ra một không gian, nơi mà mọi người có thể chia sẻ ý kiến, thảo luận và học hỏi lẫn nhau một cách tôn trọng và đồng cảm. Điều này gia tăng sự gắn kết giữa các nhân viên với nhau và sự cam kết của nhân viên với mục tiêu chung của tổ chức. Từ đó tạo ra một môi trường làm việc thúc đẩy tinh thần hợp tác và đồng lòng.
Nâng cao danh tiếng công ty
Khi có một chiến lược DEI rõ ràng và hiệu quả, doanh nghiệp có thể khẳng định được vai trò xã hội của mình, góp phần vào sự phát triển bền vững trên thị trường và với cộng đồng. Điều này giúp doanh nghiệp thu hút được sự quan tâm và tin tưởng của các bên liên quan như khách hàng, nhà đầu tư, đối tác và cơ quan chính phủ. Theo nghiên cứu của Edelman Trust Barometer, 76% người tiêu dùng cho biết họ sẽ mua hàng hoặc tẩy chay một công ty dựa trên vị trí xã hội của công ty đó.
Các doanh nghiệp cam kết thúc đẩy DEI ra sao?
General Motors
General Motors là một trong những công ty tiên phong trong việc thúc đẩy DEI trong doanh nghiệp. Công ty đã cam kết trở thành một trong những công ty đa dạng nhất thế giới, với mục tiêu có 50% nhân viên là phụ nữ và 30% là người da màu vào năm 2025. Công ty cũng đã tạo ra các chương trình hỗ trợ cho các nhóm thiểu số, như chương trình học bổng cho phụ nữ kỹ sư, chương trình thực tập cho sinh viên da màu, và chương trình đối tác với các tổ chức phi lợi nhuận về DEI.
Ngoài ra, General Motors cũng đã thành lập một Ban Tư vấn về Hòa nhập (Inclusion Advisory Board) để lãnh đạo các hoạt động và chính sách về DEI. Ban Tư vấn gồm có các thành viên từ bên trong và bên ngoài tổ chức, có kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực DEI. Ban Tư vấn cũng quản lý Quỹ Hòa nhập (Inclusion Fund) của công ty, với cam kết hỗ trợ 10 triệu đô la cho các tổ chức thúc đẩy DEI cho cộng đồng da đen, châu Á và Thái Bình Dương, Mỹ La tinh, người bản địa và cộng đồng LGBTQ+.
Johnson & Johnson
Johnson & Johnson đã xây dựng một nền văn hóa đa dạng, bình đẳng và hòa nhập với tầm nhìn và sứ mệnh chuyên biệt về DEI là “Be yourself, change the world” và “Make diversity and inclusion how we work every day”. Johnson & Johnson tin rằng mỗi cá nhân đều có những quan điểm, kinh nghiệm và khả năng độc đáo, và khi kết hợp chúng lại với nhau sẽ tạo ra những giải pháp mang lại một thế giới tốt đẹp và khỏe mạnh hơn.
Bên cạnh đó, Johnson & Johnson cam kết thúc đẩy DEI trong tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh doanh, từ tuyển dụng, đào tạo, thăng tiến, cho đến sản phẩm, dịch vụ và khách hàng. Công ty cũng đã thực hiện các khảo sát về DEI để thu thập ý kiến nhân viên, giúp cải thiện hoạt động; và khuyến khích nhân viên tham gia vào các nhóm đa dạng như cộng đồng LGBTQ+, nhóm người da màu và nhóm người khuyết tật.
Phương Thảo