Gắn kết hay là hết?

Gắn kết hay là hết?

Năm 1961, trong một lần đến thăm trụ sở của Cục Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Tổng thống John F. Kennedy nói chuyện với một người đang lau sàn nhà. Tổng thống hỏi thăm anh về công việc, hỏi ông làm gì ở NASA. Câu trả lời của người lao công làm Kennedy sững người: “Thưa Tổng thống, tôi ở đây để giúp đưa con người lên mặt trăng!” 

NASA khi đó đang nhận sứ mệnh biến nước Mỹ trở thành một cường quốc về hàng không vũ trụ. Mục tiêu đầu tiên là chinh phục mặt trăng. Tất cả nhân viên NASA đều hướng đến mục tiêu này, bao gồm cả người lao công bình dị. Câu trả lời của anh sau này trở thành một ví dụ kinh điển của việc khi gắn cùng một sứ mệnh lớn, sẽ không có công việc nào là tầm thường nữa.

Tất cả nhân viên NASA đều hướng đến mục tiêu chinh phục mặt trăng, bao gồm cả người lao công bình dị.

Một câu chuyện khác về Christopher Wren, kiến ​​trúc sư người Anh thế kỷ 17, người đã bí mật trò chuyện với các thợ xây ở Thánh đường St. Paul, công trình do chính ông thiết kế.

“Anh đang làm gì vậy?” Wren hỏi một trong những người thợ. Người đàn ông trả lời: “Tôi đang cắt một mảnh đá.” Wren lại tiếp tục đặt câu hỏi cho một người thợ khác và nhận được câu trả lời: “Đang kiếm 5 đồng một ngày.” 

Đến người đàn ông thứ ba, Wren hỏi câu hỏi tương tự, và người này đáp, “Tôi đang giúp Ngài Christopher Wren xây một thánh đường tuyệt đẹp.” Công việc của ba người là như nhau, tiền công như nhau, nhưng ý nghĩa công việc của ba người là rất khác nhau. Và hiển nhiên là người xây thánh đường sẽ là người làm với nỗ lực cao nhất. Vì anh ấy nhìn thấy ngoài việc cắt đá, ngoài việc kiếm tiền lương hàng ngày, anh đang kiến tạo nên một tác phẩm nghệ thuật. 

Cùng là công việc thợ xây nhưng xây tường hoặc xây Thánh đường sẽ tạo nên những động lực hoàn toàn khác nhau.

Gắn kết nhân viên trong thời đại ngày nay

Trong quá khứ, với một môi trường thiên về kiểm soát, trọng tâm là các quy tắc và luật lệ, không có nhiều chỗ cho các sáng kiến cá nhân nảy nở. Cách thức này không còn hiệu quả trong thế giới mà mọi thứ đều biến đổi nhanh hơn, trở nên mơ hồ, phức tạp hơn, và khó dự đoán hơn. Các doanh nghiệp thành công ngày nay hầu hết đều là những tổ chức năng động, hành động nhanh, linh hoạt, không ngừng học hỏi, và luôn có một tầm nhìn rõ ràng, một sứ mệnh lớn để định hướng. 

Và để nhân viên có thể thành công trong tổ chức như thế, cách tốt nhất chính là chia sẻ Big Picture – bức tranh lớn. 

Vậy bức tranh lớn là gì? 

Cách tốt nhất để nhân viên có thể thành công trong tổ chức đó là chia sẻ Big Picture.

Đầu tiên, hãy suy nghĩ về mục đích tồn tại của tổ chức. 

Tại sao tổ chức của bạn tồn tại? Tại sao công việc bạn làm quan trọng? Những giá trị lớn lao mà doanh nghiệp mang đến cho xã hội là gì?

Các doanh nghiệp tồn tại vì lợi nhuận nhưng doanh nghiệp cũng tồn tại để tạo nên các giá trị. Thông qua công việc, các cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt theo cách mà họ không thể làm một mình, và họ là một phần ý nghĩa trong di sản mà doanh nghiệp tạo nên.

Sự gắn kết của nhân viên với tổ chức thể hiện sâu sắc nhất ở việc họ có được kết nối với mục đích tồn tại của tổ chức hay không. Công việc có ý nghĩa chiếm được trái tim con người. Khi một nhiệm vụ có ý nghĩa đối với một cá nhân, nó sẽ tiếp thêm năng lượng cho những cảm xúc để thúc đẩy thành công. 

Để đạt được ý thức sâu sắc nhất đó, hãy chắc chắn các thành viên hiểu và cảm nhận một cam kết cá nhân về sứ mệnh của tổ chức. Họ phải hiểu làm thế nào các hoạt động hàng ngày của họ giúp đạt được nó. Các cá nhân phải cảm thấy như họ là một phần không thể thiếu của một hành trình quan trọng, một cuộc phiêu lưu hấp dẫn.

Khi xác định được bức tranh lớn, hãy nói về nó thường xuyên để đảm bảo rằng mọi người đang “sống” trong bức tranh ấy. Bạn có đang tuyển dụng những người thực sự quan tâm đến sứ mệnh? Những hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp có đóng góp cho mục đích đó hay không? 

Tiếp đến, để nhìn thấy bức tranh lớn của tổ chức, nhân viên cũng cần biết đến các nguyên tắc định hướng hành vi. 

Các giá trị cốt lõi của tổ chức là gì? Con người trong tổ chức có tư duy thái độ như thế nào để dẫn dắt hành vi và từ đó làm nên đặc trưng riêng ra sao. Khi nhân viên hiểu điều gì là quan trọng đối với tổ chức, họ sẽ ra quyết định và hành động theo sự dẫn dắt của hệ giá trị này.

Cuối cùng, để làm rõ bức tranh lớn, doanh nghiệp cần truyền đạt một cách rõ ràng về Tầm nhìn và Mục tiêu. 

Khi nhân viên tìm thấy ý nghĩa trong Sứ mệnh – sự tồn tại của tổ chức và khi họ cảm thấy thoải mái khi sống theo các nguyên tắc, giá trị của tổ chức, họ phải chắc chắn rằng hành động của mình hướng đến việc hoàn thành Tầm nhìn và Mục tiêu của tổ chức. 

Liệu tất cả nhân viên có được chia sẻ về Tầm nhìn – một bức tranh tương lai rõ ràng, ngắn gọn, đáng tin cậy, một đoạn đường dài nhưng không quá viển vông? Mọi người có thể hình dung về đích đến, họ sẽ hiểu khi nào thì đạt được nó.

Tầm nhìn sẽ thúc đẩy hành động để đạt được kết quả. Còn mục tiêu chính là cách doanh nghiệp định vị thành công, giúp nhân viên hiểu được các hành động sẽ mang lại kết quả mong muốn như thế nào. 

Một nhân viên gắn kết là người đánh giá cao Sứ mệnh, Giá trị Cốt lõi của tổ chức, họ tập trung và nỗ lực để hoàn thành Tầm nhìn – Mục tiêu. Họ hiểu được mình là ai và mình ở đâu trong bức tranh lớn của tổ chức.

Đã qua rồi thời kỳ chỉ lãnh đạo mới cần biết đến bức tranh lớn. Gắn kết hay là hết? Doanh nghiệp không thể tối ưu về lợi thế cạnh tranh nếu nhân viên không gắn kết. Và gắn kết trong bức tranh lớn là gắn kết sâu sắc nhất, gắn kết để nỗ lực vượt bậc và mang đến sự thịnh vượng với những ý nghĩa lớn lao cho tổ chức ngày nay. 

Mai Phương

Bài viết liên quan:

5 thách thức lớn về gắn kết trong tổ chức

Nhân viên thiếu gắn kết trong tổ chức – Sai lầm từ đâu?

Tổ chức thành công khóa học “Truyền thông nội bộ: Gắn kết cá nhân – Nâng cao hiệu suất”

“Nơi nào cũng như ở nhà” – Bài học gắn kết nhân viên từ Airbnb

 

Bài Viết Liên Quan