4 lợi ích từ việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp
Theo một kết quả nghiên cứu của Deloitte, có tới 82% trong số các CEO và giám đốc nhân sự của các công ty tham gia khảo sát tin rằng “văn hóa doanh nghiệp là một lợi thế cạnh tranh quan trọng của doanh nghiệp”, tuy nhiên chỉ có 28% cho rằng họ hiểu rõ về văn hóa doanh nghiệp của mình và chỉ 19% tin rằng đang có một văn hóa doanh nghiệp đúng đắn.
Nếu doanh nghiệp còn đang chần chừ có nên bắt đầu định hình và phát triển văn hóa, hãy tham khảo các lợi ích mà VHDN mang đến như sau.
Văn hóa giúp thống nhất cách nghĩ, cách làm
“Tỉ phú bán giày” Tony Hsieh, CEO Zappos là nhà lãnh đạo bằng văn hóa. Câu nói nổi tiếng của ông là “Ngay cả khi là ngôi sao trong công việc tại Zappos, nếu bạn kém về ứng xử văn hóa, chúng tôi sẽ sa thải bạn!”
Zappos là công ty kinh doanh giày online với vốn đầu tư ban đầu khá nhỏ nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã được tập đoàn Amazon mua lại với giá 1,2 tỷ USD vào năm 2009. Thành công của Zappos được đúc kết là từ các giá trị mà văn hóa doanh nghiệp đã mang lại từ ngày đầu khởi nghiệp. Tony Hsieh khẳng định: “Ưu tiên số một của chúng tôi là văn hóa doanh nghiệp. Niềm tin tuyệt đối của chúng tôi là nếu có được văn hóa đúng đắn, tất cả những thứ khác như dịch vụ khách hàng tuyệt vời hay một thương hiệu bền vững sẽ tự nhiên đến sau đó!” Mọi nhân viên của Zappos đều được tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện và làm việc theo 10 giá trị cốt lõi.
Văn hóa doanh nghiệp là tổng hợp các giá trị, nhận thức, thể hiện tư duy và thái độ của con người trong doanh nghiệp, biểu hiện qua các hành vi cụ thể và trở thành những biểu tượng. Khi văn hóa được định hình, nhân viên sẽ hiểu được sứ mệnh của họ là gì, điều gì là quan trọng nhất, giá trị nào cần được tôn trọng và bảo vệ. Việc thống nhất được cách nghĩ, cách hành động sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao nội lực, phát triển bền vững, đồng thời hạn chế và phòng ngừa được các rủi ro từ sự khác biệt trong tổ chức.
Văn hóa giúp gắn kết và giữ chân nhân tài
Những công ty có văn hóa đặc sắc luôn là những tên tuổi hấp dẫn hàng đầu trên thị trường tuyển dụng. Khi lương thưởng và thu nhập của các doanh nghiệp không có nhiều khác biệt, người lao động sẽ cân nhắc các chính sách phúc lợi, cơ hội phát triển… và đặc biệt là văn hóa doanh nghiệp. Các ứng viên quan tâm đến các yếu tố như sự chuyên nghiệp trong môi trường làm việc, yếu tố công bằng và tôn trọng, ghi nhận và tưởng thưởng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong việc gắn kết và hấp dẫn nhân tài.
Mekong Capital là một ví dụ điển hình. Không chỉ truyền thông tích cực và sáng tạo các giá trị cốt lõi, doanh nghiệp này còn chú trọng đào tạo để mỗi nhân viên đều hiểu và thực hành văn hóa doanh nghiệp. Việc phát triển văn hóa doanh nghiệp đặc sắc là một trong những lý do khiến doanh nghiệp này có chỉ số gắn kết của nhân viên lên tới 88%!
Văn hóa giúp định hướng cho nhân viên mới
Nhân viên mới khi lựa chọn công ty cũng sẽ quan tâm đến văn hóa tổ chức. George Bradt – một chuyên gia về Chiến lược lãnh đạo nhận định trên trang Forbes rằng: “Nhân viên có xu hướng thất bại trong công việc bởi không hòa hợp tốt hoặc không điều chỉnh để phù hợp với công ty”. Do vậy, thể hiện rõ văn hóa doanh nghiệp ngay thời gian đầu sẽ là “cánh buồm” dẫn lối để mỗi tân binh khi bước chân lên “thuyền” được định hướng đúng đắn.
Trở lại với ví dụ về Mekong Capital, một trong tám giá trị cốt lõi của doanh nghiệp này là Inquisity, có nghĩa là tìm hiểu vấn đề cặn kẽ, đặt câu hỏi càng nhiều càng tốt. Trong kỳ đào tạo, các tân binh được yêu cầu trong vòng 2 tuần phải đặt 100 câu hỏi cho CEO, các lãnh đạo và nhân viên, sau đó ghi lại các câu trả lời. Đây là cách để các tân binh thực hành và nhớ về giá trị cốt lõi này.
Ở FPT, qua chương trình đào tạo kết hợp trải nghiệm văn hóa “72h Trải nghiệm”, tân binh được hiểu thêm lịch sử, con người, văn hóa của doanh nghiệp và thực sự cảm thấy mình đang và sẽ là một phần của tổ chức. Việc đặt văn hóa làm cốt lõi của đào tạo hội nhập sẽ giúp nhân viên thấu hiểu về tổ chức, từ đó tạo môi trường để những nguyện vọng của nhân viên được lắng nghe và đáp ứng, góp phần giúp họ điều chỉnh và hòa hợp hơn với tổ chức.
Văn hóa doanh nghiệp đem lại sự hài lòng và hạnh phúc cho nhân viên
Trên tất cả, mục đích sau cùng của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững đều nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho nhân viên. Bằng việc xây dựng văn hóa theo hướng quan tâm tới cảm nhận và sự hài lòng của nhân viên, doanh nghiệp sẽ đạt được những lợi ích không tưởng từ chính những gì nhân viên đem lại.
3M – một doanh nghiệp đa quốc gia tại Mỹ về công nghiệp đã tiến hành một chương trình mang tên “15% thời gian công việc” để cho phép nhân viên nghỉ ngơi 15% thời gian làm việc của mình để sáng tạo hoặc nghiên cứu những hạng mục công việc mà hằng ngày họ không có đủ thời gian để theo dõi. Nhờ đó, Art Fry – một nhà nghiên cứu của doanh nghiệp này, đã thành công sáng chế ra giấy note – một trong những văn phòng phẩm được sử dụng rộng rãi sau này.
Google cũng thực hiện một chiến dịch tương tự 3M với tên gọi “20% thời gian công việc” và từ đây, những phát minh nổi tiếng như Gmai, Google Earth, Google Talk cũng đã ra đời. Điều này cho thấy, văn hóa doanh nghiệp đã đem lại cho nhân viên của tổ chức sự hài lòng và hạnh phúc với những gì mình đang được trải nghiệm để nhờ đó mà hiệu suất làm việc của họ cũng cao hơn, đem lại thành công cho doanh nghiệp.
Kim Oanh
Bài viết liên quan:
Văn hóa doanh nghiệp hướng tới hiệu suất cao
Làm thế nào để giá trị cốt lõi “sống” cùng doanh nghiệp?