Tạo dựng văn hóa về lòng biết ơn từ CEO

Tạo dựng văn hóa về lòng biết ơn từ CEO

Những lời cảm ơn hoặc chúc mừng trực tiếp từ lãnh đạo cao nhất luôn tạo được động lực mạnh mẽ cho nhân viên, khiến họ gắn kết hơn với công ty. IC Zone chia sẻ 4 câu chuyện nhỏ từ những nhà quản trị hàng đầu trong việc thu phục nhân tâm và cách họ tạo nên văn hóa về lòng biết ơn trong doanh nghiệp.

CEO Campbell Soup: Xây dựng văn hóa về lòng biết ơn

Trong cuốn “Nhật ký lòng biết ơn”, nhà báo Janice Kaplan đã tìm hiểu về những tác động của lòng biết ơn và kể nhiều câu chuyện thực tế, trong đó có câu chuyện của Doug Conant, CEO Campbell Soup như một ví dụ về sức mạnh của nhà lãnh đạo biết khích lệ nhân viên.

Trong suốt “nhiệm kỳ” tại công ty, Conant đã gửi hơn 30.000 lời cảm ơn viết tay dành cho nhân viên và khách hàng. Trong một bài báo năm 2011 của Harvard Business Review, Conant giải thích, ông gửi thiệp viết tay bởi hơn một nửa cộng sự Campbell Soup không sử dụng máy tính.

Thư cảm ơn không phải lý do duy nhất giúp hiệu suất công việc của Campbell Soup được cải thiện dưới sự lãnh đạo của Conant, nhưng nó góp phần tạo ra một nền văn hóa về lòng biết ơn cho toàn bộ công ty.

Năm 2009, Doug Conant đã gặp một tai nạn xe hơi nghiêm trọng. Khi đang được điều trị phục hồi trong bệnh viện, ông nhận được lời nhắn nhủ từ nhân viên, vợ ông ngồi cạnh đã đọc thật to cho ông nghe. Những lá thư được viết tỉ mỉ bằng tay, phần lớn từ những người đền đáp sự quan tâm và lòng tốt của Conant đã khích lệ, động viên họ những năm trước đó.

CEO PepsiCo: Cảm ơn bố mẹ của nhân viên

Trong một chuyến trở về Ấn Độ thăm gia đình, một chi tiết khiến Indra Nooyi, cựu CEO của PepsiCo phải suy nghĩ, đó là việc những vị khách đến chơi nhà bà nhưng lại không nói chuyện với bà. Họ đến để nói với mẹ của Nooyi: “Cô đã nuôi dạy con gái thật tốt. Chúc mừng cô, con gái cô đã trở thành một CEO”.

Nooyi nhận ra rằng, chính cha mẹ là người đã giúp bà có được những thành công như hiện tại, họ xứng đáng nhận được sự tôn vinh và biết ơn.

Sau chuyến đi, Nooyi đã quyết định viết thư đến các bậc phụ huynh của nhân viên tại chi nhánh nơi bà phụ trách, để thể hiện lòng biết ơn trước công lao dạy dỗ và định hướng của các bậc phụ huynh. Bà cũng khẳng định những đóng góp họ đã mang đến cho PepsiCo.

Nooyi nói những lá thư đã mở ra vô vàn cảm xúc. Nhiều bậc phụ huynh đã viết thư trả lời và nói rằng họ đã chia sẻ lá thư đó với bạn bè và gia đình. Nhiều nhân viên kể lại: “Lá thư là điều tuyệt vời nhất mà cha mẹ tôi nhận được. Và điều đó cũng vô cùng tuyệt vời đối với tôi”.

Lá thư ngắn ngủi nhưng cho thấy sự trân trọng và động viên mà nữ CEO dành cho các nhân viên của bà. Nó khiến họ cảm nhận được sự trân trọng của người lãnh đạo và niềm tự hào của gia đình khi họ làm việc tại tập đoàn này.

CEO Facebook: Mỗi ngày một lời cảm ơn

Mỗi năm, CEO Facebook Mark Zuckerberg đặt một mục tiêu cho riêng mình. Năm 2010, Mark đặt mục tiêu học tiếng Trung, năm 2011 trở thành người ăn chay, năm 2012 lập trình hàng ngày, năm 2013 mỗi ngày gặp một người mới bên ngoài Facebook. Và năm 2014, viết một đoạn cảm ơn mỗi ngày là điều Mark chọn làm mục tiêu cá nhân.

“Điều này quan trọng với tôi, bởi vì tôi là người thường hay phê bình. Tôi luôn nhìn thấy ở mọi thứ làm thế nào để tốt hơn và tôi thường không hài lòng với những thứ hiện tại, hoặc chất lượng dịch vụ mà chúng tôi cung cấp hoặc chất lượng đội ngũ mà chúng tôi xây dựng. Nhưng nếu bạn nhìn mọi thứ khách quan hơn, chúng tôi đang làm tốt trên rất nhiều vấn đề. Tôi cho rằng cảm thấy biết ơn về điều đó là rất quan trọng.” Mark chia sẻ trên trang cá nhân.

CEO Belfor: Mỗi năm hơn 7.000 tấm thiệp

Sheldon Yellen, CEO của Belfor Holdings, hàng năm vẫn tự viết tay hơn 7.000 tấm thiệp chúc mừng sinh nhật đến từng nhân viên. “Người ta luôn nói khách hàng là ưu tiên số một. Nhưng với tôi, xin lỗi nhé, nhân viên của tôi mới là nhất. Và tôi thực sự tin vậy”, Yellen cho biết trên CNBC. Belfor là một công ty chuyên sửa chữa nhà cửa tại Michigan (Mỹ) với trị giá 1,5 tỷ USD.

Yellen luôn để sẵn những tấm thiệp trắng trên bàn làm việc, trong cặp hoặc trên máy bay. Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại dành thời gian viết những lời chúc, thêm vào đó những kỷ niệm đáng nhớ giữa mình và các nhân viên. Với mỗi người, ông luôn cố gắng để có những lời chúc không ai giống ai. Ông thường gợi nhớ lại những kỷ niệm mà ông và nhân viên đã có, hoặc nhớ về cuộc trò chuyện gần đây giữa họ. Sau đó, trợ lý của ông sẽ gửi thiệp tới người nhận.

“Việc viết thiệp mất khá nhiều thời gian, nhưng vị trí của tôi là để phục vụ cho nhân viên của mình. Họ là những người đã hy sinh cho công ty và giấc mơ của tôi”. Sheldon Yellen chia sẻ.

Tự tay viết thiệp chúc mừng sinh nhật hoặc thiệp cảm ơn là cách để Yellen có thể nhớ được từng nhân viên. “Nếu tôi hết lòng với nhân viên của mình, ngược lại, họ cũng sẽ hết lòng với khách hàng và đối tác”, ông cho biết.

“Công việc” này được Yellen khởi động từ năm 1985, lúc ông bắt đầu làm việc ở Belfor. Là anh rể của một trong số những chủ sở hữu công ty, đôi khi ông cảm thấy nhân viên vẫn chưa thực sự nể phục mình. “Tôi bắt đầu tự tay viết thiệp, ít nhất thì họ cũng sẽ tìm tôi để nói lời cảm ơn. Sau đó, chúng tôi nói chuyện thường xuyên hơn”, Yellen nhớ lại.

Belfor ngày càng phát triển, đồng nghĩa với việc số thiệp Yellen phải viết cũng tăng lên theo. Nhưng ông không có ý định dừng công việc này lại. “Nó đã trở thành văn hóa của công ty. Ai cũng có sinh nhật, và họ xứng đáng được người khác nhớ đến”, ông khẳng định.

Bí quyết viết những lời cảm ơn hay nhất

–     Viết tay: Trong thời đại CNTT, một lời nhắn viết tay sẽ trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Nó sẽ khiến mọi người lưu giữ lại, dán lên tường hoặc lưu vào album ảnh.

–       Chạm đến trái tim: Hãy thử viết giống như bạn nói. Đừng ngần ngại chia sẻ cảm xúc của mình. Quan trọng nhất là sự chân thật. Nó sẽ không làm bạn mất đi sự chuyên nghiệp.

–       Cá nhân: Hãy tạo nên sợi dây kết nối với người nhận bằng những thứ thuộc về cá nhân.

–       Cụ thể: Chỉ ngắn gọn với ba câu vẫn ổn, miễn là bạn giải thích cụ thể lý do tại sao bạn biết ơn và bao gồm một lời nhắn gửi tích cực hướng tới tương lai (“Tôi mong được thấy những nỗ lực tuyệt vời đó trong dự án tiếp theo!”).

–       Kịp thời: Không cần phải tiết kiệm lời cảm ơn bằng cách chờ một dịp đặc biệt. Lời cảm ơn có giá trị nhất là ngay tức thì.

–       Đích thân gửi: Nếu có thể, hãy gửi lời cảm ơn bằng một cái bắt tay, nụ cười hài lòng và lời cảm ơn của chính bạn.

Mai Phương

Bài Viết Liên Quan