Văn hóa doanh nghiệp trong kỷ nguyên vươn mình

Văn hóa doanh nghiệp trong kỷ nguyên vươn mình

Trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu và sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam, văn hóa doanh nghiệp đang trở thành yếu tố then chốt giúp các tổ chức không chỉ vượt qua thách thức mà còn vươn xa trên trường quốc tế. Không chỉ dừng lại ở các tuyên bố trên giấy hay các hoạt động phong trào, văn hóa doanh nghiệp đã trở thành công cụ quản trị, là tài sản chiến lược, đồng thời là nền tảng bền vững để các doanh nghiệp Việt khẳng định vị thế trong kỷ nguyên mới.

Sức mạnh mềm giúp doanh nghiệp thích nghi và phát triển

Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên đầy biến động nhưng cũng rất nhiều cơ hội. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và áp lực từ hội nhập quốc tế đã tạo ra những thách thức chưa từng có đối với các doanh nghiệp Việt. Không còn là câu chuyện cạnh tranh dựa trên giá thành hay quy mô, doanh nghiệp giờ đây phải chứng minh giá trị vượt trội qua năng lực đổi mới, khả năng thích nghi và văn hóa cũng trở thành một lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Chuyển đổi số và hội nhập quốc tế cũng không đơn thuần là những thuật ngữ thời thượng mà đã trở thành thực tế sống động trong cách vận hành kinh doanh.

Doanh nghiệp Việt cần một tâm thế mới, một tâm thế sẵn sàng cho chuyển đổi và văn hóa chính là bệ đỡ, đồng thời là bệ phóng cho doanh nghiệp bứt tốc. Sự chuyển đổi không chỉ dừng lại ở việc đổi mới công nghệ, mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy từ người lãnh đạo đến từng nhân viên trong tổ chức. Thực tế từ khủng hoảng của đại dịch Covid – 19 và những khó khăn của thị trường trong những năm vừa qua cũng cho thấy, những doanh nghiệp có văn hóa đề cao sự linh hoạt, sáng tạo và khả năng thích nghi đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình hoạt động, duy trì sự ổn định. Văn hóa doanh nghiệp trong những tình huống đó không chỉ là yếu tố bảo vệ tổ chức mà còn trở thành động lực để vươn lên.

Hãy thử hình dung một doanh nghiệp không định hình cho mình một bản sắc văn hóa rõ ràng và phù hợp với thời cuộc. Khi đối mặt với thay đổi, nhân viên sẽ hoang mang, lãnh đạo không có định hướng cụ thể, và tổ chức dễ dàng bị lung lay trước áp lực bên ngoài. Ngược lại, một doanh nghiệp có nền tảng văn hóa vững sẽ giúp mọi thành viên có chung một “kim chỉ nam” từ đó đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn và hướng đến mục tiêu chung.

Trước những bước ngoặt lớn, “sức mạnh mềm” của văn hóa càng phát huy tác dụng. Thậm chí, lúc này văn hóa trở thành một công cụ quản trị tổ chức hiệu quả hơn bất cứ hệ thống quy trình, quy định nào. Đặc biệt với các tổ chức có quy mô nhân sự lớn, lên đến hàng chục nghìn người, quản trị bằng văn hóa là sự bổ sung cần thiết để doanh nghiệp có thể tạo ra những nhân sự làm việc chủ động, tự giác hơn và hiệu quả sẽ cao.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh mới

Nói về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra 7 định hướng chiến lược, trong đó, chuyển đổi số được nhắc đến như một trong những chiến lược quan trọng giúp xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại – phương thức sản xuất số. Tổng bí thư cũng nhấn mạnh việc thực hiện chuyển đổi số với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi do Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, đưa đất nước đi tắt đón đầu phát triển vượt bậc.

Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành chiến lược trọng yếu của đất nước và doanh nghiệp, việc xây dựng văn hóa số nhằm hỗ trợ cho chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự thành công của quá trình này. Đó cũng chính là lý do mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm đến việc xây dựng văn hóa số nhằm hỗ trợ cho chuyển đổi số. Một khảo sát được thực hiện vào tháng 11/2024 bởi Blue C – đơn vị tư vấn Văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam, cho biết: Có 36.59% doanh nghiệp (trong tổng số 206 doanh nghiệp tham gia khảo sát) lựa chọn văn hóa số là mục tiêu ưu tiên trong phát triển văn hóa doanh nghiệp năm 2025.

Văn hóa số trở thành yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp gỡ bỏ những rào cản trong chuyển đổi và tạo động lực để tiến xa hơn. Bởi chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ mới, mà còn là sự thay đổi mang tính toàn diện về tư duy, hành vi của con người và cách thức vận hành của cả tổ chức. Theo khảo sát của Capgemini (đơn vị tư vấn chuyển đổi số toàn cầu), “62% các nhà lãnh đạo cho rằng các vấn đề liên quan đến văn hóa là rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số”.

Thực tế cũng cho thấy, một trong những thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số chính là sự “kháng cự” từ con người trong tổ chức. Dù công nghệ có hiện đại đến đâu, nếu đội ngũ lãnh đạo và nhân viên không sẵn sàng học hỏi, thích nghi và sử dụng, thì quá trình chuyển đổi sẽ khó thành công. Lúc này, văn hóa số đóng vai trò như một “chất xúc tác” thúc đẩy sự thay đổi từ bên trong, khuyến khích tinh thần đổi mới và tạo ra môi trường thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ vào mọi hoạt động của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có văn hóa số mạnh không chỉ nâng cao hiệu quả công việc mà còn giúp tổ chức linh hoạt thích ứng với sự thay đổi liên tục của thị trường.

Với văn hóa số, doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn nhân lực với những giá trị nổi bật như tư duy đột phá tạo ra nhiều ý tưởng mới, có khả năng tự thích ứng với thay đổi của tổ chức, sẵn sàng tiếp thu các phản hồi để biến thành cơ hội mới, chia sẻ hợp tác với nội bộ và khách hàng… giúp doanh nghiệp luôn tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong dài hạn.

Cuối cùng, xây dựng văn hóa số không chỉ mang lại lợi ích cho nội bộ doanh nghiệp mà còn tác động bền vững đến các bên liên quan, tạo ra giá trị lớn đối với khách hàng, đối tác, cộng đồng, đất nước. Một doanh nghiệp có văn hóa số mạnh mẽ sẽ dễ dàng mở rộng quy mô, tiếp cận thị trường mới và nâng cao năng lực cạnh tranh trên toàn cầu. Đồng thời, sự đổi mới này cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Văn hóa doanh nghiệp đã trở thành công cụ quản trị, là tài sản chiến lược, đồng thời là nền tảng bền vững để các doanh nghiệp Việt khẳng định vị thế trong kỷ nguyên mới.

Doanh nghiệp và sứ mệnh mang bản sắc Việt ra thế giới

Trong hành trình phát triển của doanh nghiệp, văn hóa không chỉ là yếu tố nội tại mà còn là nền tảng tạo nên sự bền vững và khác biệt dài hạn. Đầu tư cho văn hóa doanh nghiệp chính là đầu tư cho tương lai, bởi văn hóa không chỉ định hình cách doanh nghiệp vận hành, mà còn là động lực thúc đẩy sự sáng tạo, gắn kết và phát triển bền vững cho tổ chức, cộng đồng và đất nước.

Ở một cấp độ cao hơn, bản sắc của một doanh nghiệp có thể góp phần làm nên bản sắc của một đất nước. Khi doanh nghiệp Việt mang khát vọng ghi tên mình trên bản đồ thế giới, văn hóa của doanh nghiệp phải đại diện cho cả mình lẫn cho tinh thần của Việt Nam. Trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam, bản sắc văn hóa sẽ đưa doanh nghiệp đi nhanh hơn, xa hơn, hội nhập với thế giới mà vẫn là chính mình.

Bản sắc văn hóa Việt Nam gắn liền với những thuộc tính như sự linh hoạt, sáng tạo, tính nhân văn, bền bỉ, tinh thần cộng đồng… Những giá trị này khi được chuyển hóa vào văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo ra sức mạnh, giúp thương hiệu Việt nổi bật trên thị trường toàn cầu. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp biết cách kể “câu chuyện Việt Nam” thông qua sản phẩm và dịch vụ đã thành công trong việc thu hút sự quan tâm của thế giới. Điển hình là VinFast với khát vọng chinh phục thị trường quốc tế, hay Viettel với tinh thần bền bỉ, sáng tạo, khi không chỉ phát triển mạnh mẽ trong nước mà còn mở rộng hoạt động viễn thông tại hơn 10 quốc gia, đưa thương hiệu Việt chạm đến những thị trường quốc tế khó tính. Tương tự, FPT với tinh thần tiên phong công nghệ, đã trở thành đối tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, mang đến giải pháp công nghệ tiên tiến, khẳng định sự sáng tạo và linh hoạt của doanh nghiệp Việt. Không chỉ là sản phẩm, các doanh nghiệp này đã mang theo tinh thần Việt Nam, biến nó thành “thương hiệu” để kết nối và truyền cảm hứng.

Tuy nhiên, để mang bản sắc văn hóa kinh doanh Việt Nam ra bên ngoài, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược bài bản và dài hạn. Thứ nhất, cần giữ vững giá trị cốt lõi và bản sắc văn hóa của mình, không vì áp lực hội nhập mà đánh mất tính độc đáo. Thứ hai, doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, bởi văn hóa chỉ có thể lan tỏa khi được gắn liền với sự uy tín và chất lượng thực sự. Cuối cùng, việc đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu thông qua các câu chuyện văn hóa, kết hợp với công nghệ truyền thông hiện đại, sẽ giúp hình ảnh doanh nghiệp Việt trở nên hấp dẫn và dễ dàng tiếp cận với thị trường quốc tế.

Bản sắc văn hóa kinh doanh Việt Nam, khi được định vị đúng đắn, sẽ không chỉ là lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Đây không chỉ là hành trình của từng doanh nghiệp, mà còn là sứ mệnh chung trong kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.

Lê Quang Vũ – CEO Blue C
Chuyên gia tư vấn Văn hóa doanh nghiệp
(Bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)

Bài Viết Liên Quan