Hẹn hò và Hôn nhân: Câu chuyện từ góc nhìn truyền thông

Hẹn hò và Hôn nhân: Câu chuyện từ góc nhìn truyền thông

Hẹn hò và hôn nhân là hai phạm trù đối lập nhau. Sự lãng mạn, tính cam kết hay phương thức giao tiếp sẽ thay đổi kể từ khi chiếc nhẫn cưới được cặp đôi trao nhau trước lễ đường. Nếu so sánh hai giai đoạn này với truyền thông nội bộ và truyền thông ra bên ngoài, câu chuyện sẽ có điểm gì tương đồng?

  1. Lãng mạn và Thực tế

Khi đang yêu nhau, các cặp đôi thường dùng mọi cách thức để tán tỉnh đối phương. Một buổi xem phim, một món quà hay một bữa ăn tối ở khách sạn 5 sao là những cách để lấy được cảm tình của người bạn đang thầm thương trộm nhớ. Với truyền thông bên ngoài, những chiến dịch marketing cũng “lãng mạn” không kém bởi nhiệm vụ cần làm đó là dùng mọi chiêu trò để lôi kéo, thu hút khách hàng, đối tác.

Nhưng khi đã kết hôn, đôi khi những sự lãng mạn sẽ dần được thế chỗ bởi những điều thực tế hơn. Với một cặp vợ chồng, những chia sẻ thật lòng và hàng ngày như chuyện đi làm, chuyện con cái lại là điều được ưu tiên hơn là câu chuyện bàn về những chuyến du lịch, trăng mật. Cũng giống như truyền thông nội bộ, những điều nhân viên quan tâm sẽ là những câu chuyện thật từ đồng nghiệp, những thông điệp mang tính chia sẻ về các giá trị cốt lõi, hoạt động nội bộ thay vì những điều hoa mỹ, bay bổng.

Bạn thích sự lãng mạn hay thích những điều thực tế?

  1. Ngắt quãng và Thường xuyên

Với một đôi tình nhân, nhiều khi bận việc một tuần gọi điện với nhau 2 – 3 lần cũng không sao. Truyền thông ra bên ngoài cũng vậy, tần suất phủ sóng và tương tác với khách hàng đôi lúc có thể không cần thiết thường xuyên, liên tục bởi còn phụ thuộc vào chiến dịch, sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp muốn quảng bá.

Nhưng với việc kết hôn hay truyền thông nội bộ lại khác. Nếu một cuộc hôn nhân bền vững đòi hỏi vợ chồng giao tiếp mỗi ngày thì một doanh nghiệp muốn hoạt động lâu dài cũng cần công tác truyền thông nội bộ không ngừng vận động. Truyền thông nội bộ sẽ luôn cần giữ được sự thông suốt thông điệp thường xuyên trong đội ngũ cán bộ nhân viên bởi phạm vi thông tin cần truyền tải là rất rộng, từ những tin tức hằng ngày của các phòng ban cho đến các hoạt động lớn khác của công ty.

Một khi kết hôn, việc giao tiếp thường xuyên là điều cần thiết. TTNB cũng vậy!

  1. Tự do và Cam kết

Giai đoạn hẹn hò là giai đoạn mà cặp đôi tìm hiểu, khám phá về sở thích, tính cách, mối quan hệ của đối phương. Nếu thích và thấy nhiều điểm tương đồng, họ có thể đến với nhau. Nếu thấy không hợp, họ có thể dừng lại mà không có gì ràng buộc. PR/Marketing cũng vậy. Việc truyền thông với những người ngoài không phải lúc nào cũng cố định vào một đối tượng duy nhất mà có thể tự do lựa chọn khách hàng, đối tác phù hợp.

Tuy nhiên, câu chuyện kết hôn lại chỉ của hai người. Bạn chỉ nên có một người để yêu thương và gắn bó nếu muốn có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, thủy chung. Trong bối cảnh doanh nghiệp, truyền thông nội bộ là công việc nhắm tới đối tượng là những người trong tổ chức, việc bạn quan tâm, hỗ trợ nhân viên cũng như làm mọi cách để giữ chân họ là điều cần làm để tổ chức bền vững và lớn mạnh.

PR/Marketing không đòi hỏi tính cam kết cao, nhưng TTNB thì có!

  1. Phong phú và Đơn giản

Nếu như khi hẹn hò, các đôi tình nhân có thể lựa chọn nhiều địa điểm vui chơi, trò chuyện tâm tình để cuộc hẹn trở nên bớt nhàm chán thì hoạt động PR/Marketing cũng vậy. Doanh nghiệp càng sử dụng nhiều kênh truyền thông để tiếp cận thì khả năng thu hút được khách hàng tiềm năng càng cao. Nếu không sáng tạo những cách thức tiếp cận mới, chắc chắn sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bạn sẽ không dễ dàng “lọt vào mắt xanh” của khách hàng bởi họ có rất nhiều lựa chọn và doanh nghiệp của bạn không phải là duy nhất.

Với việc kết hôn, đôi khi chỉ một tối ở nhà ngồi ghế sofa cùng xem phim cũng đã đủ cho một cuộc hẹn và hâm nóng tình cảm. Hoạt động truyền thông nội bộ cũng vậy. Trong doanh nghiệp, cầu nối duy nhất giữa tổ chức và nhân viên là đội ngũ truyền thông nội bộ. Bạn có thể sử dụng nhiều kênh như trang nội bộ, enewsletter, bảng tin, tạp chí… để hỗ trợ việc truyền thông, nhưng nếu chỉ có một kênh nhưng hoạt động hiệu quả thì vẫn có thể đem lại mục đích truyển tải thông tin tới nhân viên.

Muốn thu hút đối phương, mỗi giai đoạn sẽ đòi hỏi những “kênh” tiếp cận khác nhau.

Nhìn chung, hẹn hò – kết hôn hay truyền thông nội bộ – truyền thông bên ngoài luôn là trải nghiệm thú vị của người trong cuộc cho dù những trải nghiệm đó có là “màu hồng” hay không. Dù có những sự đối lập, hẹn hò và kết hôn vẫn có một điểm chung đó là đều vì mục đích đem lại sự hài lòng, hạnh phúc của đôi bên. Truyền thông nội bộ hay truyền thông bên ngoài, dù là phục vụ cho khách hàng, đối tác hay cho nhân viên, điểm chung vẫn là nhằm giúp đem lại sự phát triển, thịnh vượng cho tổ chức và hơn hết là sự hài lòng, yêu thích từ phía khách hàng và nhân viên.

Dù làm TTNB hay PR-Marketing, mục đích sau cùng vẫn là sự phát triển của tổ chức và niềm hài lòng của khách hàng, nhân viên! Hãy yêu lấy công việc của mình nhé!

Kim Oanh

Bài viết liên quan:

8 cuốn sách cần có cho người làm truyền thông nội bộ

Truyền thông nội bộ: Lan toả thông tin hay hỗ trợ chiến lược?

BELIEVE – Công thức 7 chữ “vàng” cho vai trò của truyền thông nội bộ

Quy trình truyền thông nội bộ – Có thể bạn chưa biết?

 

Bài Viết Liên Quan