Tại sao giá trị cốt lõi là điều sống còn của doanh nghiệp?
Ngày nay, một trong những điều được chú trọng nhất khi triển khai văn hóa doanh nghiệp chính là việc thực hành các giá trị cốt lõi. Vì sao các giá trị cốt lõi lại quan trọng và được ưu tiên như vậy?
Trong 9 năm liền, Apple là doanh nghiệp luôn đứng đầu bảng xếp hảng các thương hiệu có giá trị nhất thế giới. Theo thống kê và ước tính của Forbes, giá trị thương hiệu Apple đạt tới 205,5 tỷ USD trong năm 2019. Tạp chí Think Marketing đã phân tích và chỉ ra rằng thành công trong việc xây dựng thương hiệu của Apple đó là nhờ việc luôn gắn 7 giá trị cốt lõi vào các chiến lược marketing của họ. Từ khâu phát triển sản phẩm, quảng cáo, phân phối cho tới chăm sóc khách hàng, các giá trị cốt lõi của Apple đều được thể hiện một cách sâu sắc.
Ngày nay, một trong những điều được chú trọng nhất khi triển khai văn hóa doanh nghiệp chính là việc thực hành các giá trị cốt lõi. Vì sao các giá trị cốt lõi lại quan trọng và được ưu tiên như vậy?
1. “Kim chỉ nam” cho mọi quyết định của doanh nghiệp
Bộ giá trị cốt lõi giống như một chiếc la bàn, định hướng mọi hành vi của nhân viên. Với bộ giá trị cốt lõi, nhân viên hiểu được rằng, doanh nghiệp đang hướng tới và vun đắp cho những giá trị nào.
LEGO – hãng đồ chơi lớn nhất thế giới với bộ giá trị cốt lõi là Vui vẻ, Sáng tạo, Tưởng tượng, Học hỏi và Quan tâm. Tất cả các giá trị đều gắn chặt với một mục tiêu đó là sự vui chơi (Play). Với tiêu chí “play from the first day”, LEGO luôn đem lại những trải nghiệm vui chơi cho nhân viên ngay từ những ngày đầu. LEGO thường sẽ yêu cầu ứng viên lắp ráp một vật bất kỳ ngay trong buổi phỏng vấn, hay tổ chức những cuộc thi lắp ráp trong quá trình nhân viên hội nhập như một cách để nhân viên hiểu rõ về những giá trị mà công ty hướng đến.
2. Tạo động lực và gắn kết nhân viên
Các nhân viên phù hợp với văn hóa doanh nghiệp sẽ có xu hướng gắn kết cao hơn, có động lực làm việc tốt hơn. Một khi đã có định hướng rõ ràng và giá trị cốt lõi được truyền tải tới nhân viên một cách thích hợp, nhân viên sẽ có động lực để luôn nỗ lực trong công việc của mình nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức.
Một ví dụ tiêu biểu phải kể đến Stone Brewing – một trong số các hãng bia lớn nhất tại Mỹ với sự thay đổi lớn trong chỉ số gắn kết nhân viên khi có giá trị cốt lõi rõ ràng. Sau khi chú trọng xây dựng giá trị cốt lõi với 4 yếu tố then chốt: Không ngại thử thách, Không ngừng thay đổi, Dũng cảm đi đầu và Ưu tiên nhân viên, chỉ số gắn kết nhân viên của hãng đồ uống này từ 60% vào năm 2015 đã lên đến 86% chỉ sau hai năm.
3. Thu hút ứng viên
Một vai trò quan trọng khác của giá trị cốt lõi với doanh nghiệp đó là thu hút ứng viên phù hợp với giá trị của công ty. Bằng việc lồng ghép các câu hỏi định hướng trong các buổi phỏng vấn để kiểm tra mức độ tương thích giữa các giá trị nhân viên mong muốn với giá trị công ty đem lại, doanh nghiệp sẽ chọn lọc những ứng viên phù hợp với giá trị họ đề ra. Bên cạnh đó, với những ứng viên giỏi, họ sẽ chú trọng hơn vào các giá trị doanh nghiệp luôn tin và duy trì thay vì các phúc lợi để lựa chọn có cống hiến cho tổ chức đó hay không.
Zappos là một trong số các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng ứng viên phù hợp với giá trị cốt lõi của công ty. Tại Zappos, một trong những giá trị cốt lõi đó là Khiêm tốn (Be Humble), do vậy, doanh nghiệp này khi lựa chọn ứng viên cũng sẽ chọn lọc để phù hợp với tiêu chí đó. Nếu họ tìm được ứng viên thông minh, tài năng nhưng lại quá tự cao, Zappos sẵn sàng loại bỏ bởi những người đó không tương thích với giá trị mà Zappos đang muốn nhân viên duy trì.
4. Thu hút các khách hàng có chung giá trị
Không chỉ với ứng viên, các khách hàng mới, tiềm năng cũng quan tâm tới giá trị mà doanh nghiệp đem lại. Một khi công ty tìm ra được những giá trị tương thích với các khách hàng, đối tác của mình, họ sẽ được tăng cơ hội lựa chọn bởi những những người có chung giá trị.
Một trong ba giá trị cốt lõi của Volvo – một hãng xe hơi nổi tiếng tại Thụy Điển đó là An toàn (Safety). Đối với Volvo, yếu tố này là không thể thiếu và được ưu tiên hàng đầu cho bất kỳ một quy trình sản xuất, vận hành sản phẩm cũng như cho trải nghiệm của khách hàng. Chính nhờ sự duy trì vào giá trị này, Volvo đã thu hút được lượng lớn khách hàng – những người luôn chú trọng đến sự an toàn phía sau tay lái. Điều đó lý giải vì sao Volvo luôn đứng đầu bảng xếp hạng trong các bài kiểm tra an toàn trong nhiều năm qua.
5. Đồng nhất trong thông điệp truyền thông nội bộ, marketing
Ngoài ra, để cho việc truyền thông, marketing trở nên thông suốt và đồng bộ từ trong ra ngoài, việc hiểu rõ về giá trị cốt lõi của công ty là điều cần thiết.
Nếu không hiểu giá trị nào doanh nghiệp muốn nhân viên hướng tới và thực hiện, công tác truyền thông nội bộ tới từng nhân viên sẽ trở nên thiếu nhất quán. Việc có nhiều luồng thông tin và thiếu thống nhất trong thông điệp được đưa ra sẽ làm nhân viên trở nên mơ hồ và dần thiếu gắn kết.
Tương tự, nếu những nhân viên marketing biết được doanh nghiệp đặt niềm tin và mong muốn duy trì những giá trị gì thì sẽ dễ dàng tiếp cận những khách hàng tiềm năng, xây dựng những chiến dịch quảng bá thương hiệu, sản phẩm đúng đối tượng. Giống như cách mà Airbnb đã áp dụng 4 giá trị cốt lõi mà Airbnb luôn hướng tới và đặt niềm tin cho chiến dịch marketing offline của mình. Doanh nghiệp này đã tạo những poster sáng tạo về 12 thành phố trên thế giới với những điểm nhấn văn hóa tại mỗi nơi nhằm giới thiệu cho khách hàng biết được quy mô của Airbnb, khuyến khích họ khám phá những địa điểm này, đồng thời truyền tải một trong 4 giá trị cốt lõi đó là Champion the Mission – Kết nối với cộng đồng để tạo nên một thế giới mà đến nơi đâu họ cũng thuộc về.
Kim Oanh
(Nguồn tham khảo: Fast Company)
Bài viết liên quan:
Truyền thông giá trị cốt lõi: Một kế hoạch hành động xuất sắc
Làm thế nào để giá trị cốt lõi “sống” cùng doanh nghiệp?