“Sếp” – Những vai trò đặc biệt trong tổ chức

“Sếp” – Những vai trò đặc biệt trong tổ chức

Người truyền cảm hứng, người định hình văn hóa tổ chức, người ra quyết định chiến lược kinh doanh, huấn luyện viên tiềm năng hay đại diện thương hiệu doanh nghiệp là những vai trò cơ bản nhất của lãnh đạo dù ở bất cứ mô hình nào.

Trong cuộc khảo sát Hudson 2015 dành cho hơn 100 chuyên gia nhân sự trên khắp Australia và New Zealand, 92% số người được hỏi đồng ý rằng lãnh đạo là quan trọng hoặc rất quan trọng đối với thành công của doanh nghiệp.

Các cuộc khảo sát của Partnership Public Service và Deloitte tại các cơ quan chính phủ Mỹ về hiệu quả giao tiếp giữa lãnh đạo và nhân viên chỉ ra rằng: 45% nhân viên hài lòng với cách các lãnh đạo cho họ biết về tình hình hoạt động công ty, 58% đồng ý rằng các nhà quản lý tích cực truyền thông về các mục tiêu ưu tiên của tổ chức. Tỷ lệ tham gia trả lời của các nhân viên cũng giảm dần qua từng lần khảo sát vì họ cho rằng kết quả góp ý này cũng không đến được cấp lãnh đạo.

Còn trong một cuộc nghiên cứu gần đây đối với 20.000 nhân viên tại nhiều công ty trên toàn thế giới do Trường quản lý Vanderbilt, Mỹ tiến hành thì nguyên nhân khiến nhân viên quyết định chấm dứt hợp đồng là “Hành vi và thái độ của lãnh đạo không tốt”.

Thực trạng này có thể gặp bất kỳ đâu và có thể ngay tại chính tổ chức bạn.Điều này cho thấy lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn tới thành bại của doanh nghiệp cũng như sự gắn bó hoặc cống hiến của nhân viên trong tổ chức. Hãy cùng IC Zone tìm hiểu về những vai trò của lãnh đạo trong tổ chức.

Người truyền cảm hứng

Đã có nhiều câu chuyện mà tính cách và năng lực của lãnh đạo tạo dựng niềm tin cho đội ngũ nhân viên trong doanh nghiệp. Lãnh đạo là người làm gương, khi họ truyền được cảm hứng tới nhân viên, ắt hẳn chính nhân viên sẽ làm việc tận tụy và cam kết hiệu quả tốt hơn trong công việc.

Lãnh đạo doanh nghiệp phải là người tiên phong, tận tâm và đam mê với công việc của mình đề từ đó động lực cho nhân viên phấn đấu hơn trong công việc.

Quan điểm sống “nói ít làm nhiều” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng truyền cảm hứng cho đội ngũ Vingroup. Hầu hết các hoạt động nội bộ dành cho người nhà Vin không mấy khi được “show” ra bên ngoài nhưng chương trình nào cũng rất đặc biệt, mang lại bất ngờ cho nhân viên (Ảnh: Tuổi trẻ)

Vingroup gắn liền với cái tên tỷ phú Phạm Nhật Vượng, với mục tiêu kinh doanh “vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt”. Câu chuyện thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng luôn truyền cảm hứng không chỉ cho khách hàng, cho đối tác mà còn cho đông đảo nhân viên trong doanh nghiệp.

Hiện nay, nhân sự tập đoàn Vingroup đã tăng lên khoảng 50.000 người, số lượng nhân sự tăng lên gấp hai đến ba lần trong ba năm trở lại đây. Ông Phạm Nhật Vượng đã từng chia sẻ: “Ở Vingroup, tiêu chuẩn kỉ luật rất rõ ràng, nếu nhân viên không làm đúng tiêu chuẩn, yêu cầu công việc đương nhiên là bị phạt theo quy chế. Lao động ở bất kì tuyến nào nếu không đảm bảo được yêu cầu đều bị phạt. Mỗi cán bộ nhân viên là một đại sứ của Vingroup, luôn phải thể hiện bản thân ở mọi lúc mọi nơi, nhân viên đang làm việc cho cả một hệ thống và là đại diện cho cả một hệ thống, là hình ảnh của cả hệ thống. Khi lãnh đạo truyền cho họ tinh thần đó, họ phải nhận biết được điều đó và thực hiện tốt trong công việc hằng ngày”.

Người định hình văn hóa doanh nghiệp

Trao đổi trên báo diễn đàn Doanh nghiệp tháng 10/2018, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa doanh nghiệp cũng như vai trò của lãnh đạo trong việc định hình văn hóa doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI so sánh: “Nếu coi doanh nghiệp là một cỗ xe thì động cơ chắc chắn là tinh thần doanh nghiệp, tay lái là văn hóa doanh nghiệp và bánh xe là công nghệ 4.0. Nếu văn hóa là ngọn đuốc soi đường thì không ai khác chính là các lãnh đạo doanh nghiệp phải là người thắp lửa.”

Cá tính hay bộ gen của mỗi tổ chức sẽ do chính người lãnh đạo đặt những viên gạch đầu tiên để định hình. Họ hiểu rõ nhất về tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp và có tầm ảnh hưởng quan trọng khi xây dựng các giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp – nền tảng ban đầu cho văn hóa của doanh nghiệp đó.

Ông Kazuo Inamor – CEO của Japan Airlines là người thay đổi văn hóa của Japan Airline sang nền văn hóa vì nhân viên. Ông từng đưa ra quan điểm làm nhân viên hạnh phúc:“Nếu bạn muốn có trứng, hãy chăm sóc những con gà mái. Nếu bạn đối xử tệ với con gà mái, nó sẽ không làm việc cho bạn nữa”. Chính quan điểm này đã góp phần lớn vào thành công cho Japan Airline, sau một năm bên bờ vực phá sản đã quay trở lại sàn chứng khoán Tokyo, góp phần giúp nhân viên luôn cảm thấy tự hào về nơi họ làm việc, sẵn sàng lao động chăm chỉ hơn vì thành công của doanh nghiệp.

Năm 2012, trong một lần chia sẻ với Time, Tim Cook cho biết ông thức dậy khá sớm, thường vào lúc 3h45 sáng. Sau khi thức dậy, CEO Apple bắt đầu đọc một số trong khoảng 700 – 800 email nhận được mỗi ngày. Ông từng chia sẻ với tờ ABC rằng ông là người nghiện công việc và hầu như đọc hết các email nhận được.

Những thói quen của lãnh đạo dù tốt hay xấu đều gây ảnh hưởng đến nhân viên. Điển hình như việc Tim Cook, CEO của hãng công nghệ Apple, luôn có thói quen dậy sớm vào lúc 3h45 sáng để xử lý email. Và tất nhiên dàn nhân viên dưới trướng của ông cũng không thể ngủ ngon vì iPhone của họ thường hay rung lên vào lúc 4h sáng. Một số nhân viên cấp dưới có thể đủ “can đảm” phớt lờ mà ngủ tiếp, nhưng nhiều người sẽ cố gắng mở mắt, xua tan cơn buồn ngủ để trả lời email của vị CEO quyền lực này. Thói quen dậy sớm của Cook rõ ràng gây không ít “sức ép” lên nhân viên cấp dưới, ảnh hưởng phần nào tới văn hóa làm việc của người Apple.

Người ra quyết định chiến lược kinh doanh

Ngoài hiểu rõ về tầm nhìn, sứ mệnh hay giá trị cốt lõi, lãnh đạo là người ra quyết định cho các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Và để giúp nhân viên hiểu đúng và làm theo để đạt được những mục tiêu kinh doanh đó, lãnh đạo phải truyền đạt rõ ràng, giao những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể tới nhân viên của chính mình. Điều này sẽ đem đến cho họ ý thức về bổn phận và trách nhiệm với doanh nghiệp, về những đóng góp của họ cho thành công của công ty.

Nói ví von, nhiệm vụ của lãnh đạo doanh nghiệp là vẽ ra các “dấu chấm” và sau đó giúp đỡ mọi người kết nối chúng lại với nhau thành một “bức tranh” như họ mong muốn.

Khi nhân viên hiểu rõ vai trò của họ trong quá trình đạt đến tầm nhìn của doanh nghiệp, họ sẽ có cảm giác tự hào và sự kết nối rõ ràng để cùng nhau phấn đấu vì một mục tiêu chung.

 “Huấn luyện viên” tiềm năng

Khi các đơn vị trong doanh nghiệp xung đột, ai sẽ là người đứng ra giải quyết các vấn đề? Khi các nhân viên thiếu và yếu về kỹ năng chuyên môn cũng như về tinh thần làm việc, ai sẽ giúp họ vượt qua khủng hoảng? Khi nhân viên mong muốn phát triển sự nghiệp, nâng cao hiệu quả, ai sẽ là người đáp ứng lại nguyện vọng đó của họ?

Câu trả lời chính là lãnh đạo của doanh nghiệp. Họ là một “huấn luyện viên” tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn để nảy sinh trong nội bộ, đào tạo nội bộ và giúp nhân viên có lộ trình phát triển sự nghiệp tốt nhất. Mặc dù 100% nhiệm vụ không thuộc về lãnh đạo nhưng họ là người là người định hướng hoặc đưa ra các quyết định cuối cùng.

Jack Ma cho rằng có thể đào tạo để nhân viên giỏi, không nhất thiết phải tuyển người giỏi ngay từ đầu.

Jack Ma – ông chủ của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc có trong tay hơn 80.000 nhân viên trên toàn cầu nhưng tôn chỉ của ông khi dùng người là “Không bao giờ có người giỏi nhất. Những người giỏi nhất luôn ở trong công ty bạn, chính bạn đào tạo họ thành người giỏi nhất. Tất cả bắt đầu với việc nhận những người sẵn sàng học hỏi và không sợ phạm sai”.

Đại diện thương hiệu của doanh nghiệp

Hình ảnh của lãnh đạo tác động lớn tới niềm tin và thiện cảm của công chúng từ khách hàng, đối tác, báo chí và các bên liên quan. Nếu biết cách xây dựng và giữ gìn thương hiệu cá nhân của lãnh đạo, đồng hành với việc xây dựng thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp, công chúng  sẽ có ấn tượng tốt, thiện cảm và sự gắn kết bền chặt hơn.

Đã từ lâu, nhiều tên thương hiệu gần như gắn liền với hình ảnh người lãnh đạo như Apple với Steve Job, Virgin với Richard Branson, Bill Gate với Microsoft, Michael Dell với Dell. Ở Việt Nam, ngoài Vin Group gắn với tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn có FPT với hình ảnh của ông Trương Gia Bình hay café Trung Nguyên với hình ảnh đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ…

Trong nội bộ của tổ chức, nếu thương hiệu lãnh đạo tốt thì doanh nghiệp sẽ ghi điểm trên thị trường tuyển dụng với ứng viên. Ngoài ra, vai trò của lãnh đạo cũng rất quan trong trong quá trình xử lý khủng hoảng truyền thông. Bởi nếu nhân viên thấu hiểu và tin tưởng vào những người đứng đầu của doanh nghiệp, khi có bất cứ sự cố gì đi ngược lại với những giá trị mà lãnh đạo doanh nghiệp và thương hiệu đó đã gây dựng được, họ sẽ tìm hiểu thực hư vấn đề và lắng nghe thông tin phản hồi từ phía lãnh đạo để cùng nhau giải quyết và vượt qua khó khăn.

Như vậy, để doanh nghiệp thành công, năm vai trò của lãnh đạo được nêu trên đây cần được thể hiện tối đa để tạo dựng niềm tin và thiện cảm của của nhân viên cũng như với công chúng bên ngoài. Hãy xây dựng và định hình hình mẫu thương hiệu lãnh đạo riêng cho doanh nghiệp bạn để truyền cảm hứng và tạo động lực cho chính nhân viên, khuyến khích nhân viên làm việc năng suất hơn và xử lý tốt hơn những thách thức phát sinh trong môi trường làm việc.


Leadership Communication là dịch vụ tư vấn và xây dựng nội dung truyền thông cho lãnh đạo doanh nghiệp. Với 03 gói dịch vụ bao gồm: Tư vấn xây dựng hình mẫu thương hiệu lãnh đạo gắn liền với thương hiệu doanh nghiệp; Đào tạo kỹ năng truyền thông cho lãnh đạo; Xây dựng các nội dung truyền thông cho lãnh đạo trong các sự kiện, chiến dịch hoặc tư vấn trả lời báo chí truyền thông trong các giai đoạn khủng hoảng.

Mai Trinh

Bài Viết Liên Quan