Phân biệt giá trị cốt lõi và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp

Phân biệt giá trị cốt lõi và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp

Giá trị cốt lõi và giá trị thương hiệu thường dễ bị nhầm lẫn với nhau. Dù có mối liên hệ mật thiết nhưng chúng không phải là hai khái niệm đồng nhất. Hiểu rõ sự khác biệt này sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng một chiến lược toàn diện, từ việc thu hút nhân tài đến phát triển lòng trung thành của khách hàng.

Giá trị cốt lõi là gì?

Giá trị cốt lõi là những nguyên tắc cơ bản, mang tính chỉ đạo mà doanh nghiệp sống cùng và áp dụng trong mọi hoạt động. Đây là những giá trị không thay đổi và là nền tảng giúp định hình văn hóa tổ chức, hành vi của nhân viên và quyết định chiến lược phát triển của doanh nghiệp. 

Ví dụ, Google có giá trị cốt lõi là “Focus on the user and all else will follow” (Tập trung vào người dùng và mọi thứ sẽ theo sau). Điều này có nghĩa là mọi quyết định từ thiết kế sản phẩm đến chiến lược kinh doanh đều hướng tới việc nâng cao trải nghiệm người dùng. Sự chú trọng vào người dùng đã giúp Google phát triển những sản phẩm hữu ích, phục vụ hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Một ví dụ khác là Patagonia, thương hiệu thời trang nổi tiếng trong lĩnh vực quần áo tái chế, có giá trị cốt lõi xoay quanh việc bảo vệ môi trường. Từ việc sử dụng nguyên liệu tái chế đến khuyến khích khách hàng sửa đồ thay vì mua mới, Patagonia không chỉ cam kết về mặt sản phẩm mà còn trong triết lý vận hành, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến trái đất.

Giá trị cốt lõi của Patagonia đồng nhất với giá trị thương hiệu

Các sản phẩm của Patagonia thể hiện sự quan tâm sâu sắc của doanh nghiệp tới trái đất

Giá trị thương hiệu là gì?

Giá trị thương hiệu là những cảm xúc, ấn tượng mà doanh nghiệp tạo ra trong tâm trí khách hàng. Đây là hình ảnh và lời hứa mà thương hiệu muốn truyền tải ra ngoài, nhằm kết nối với khách hàng một cách cảm xúc. Giá trị thương hiệu thường được xây dựng qua các chiến dịch tiếp thị, các thông điệp quảng cáo và đặc biệt là qua cách doanh nghiệp giữ lời hứa với người tiêu dùng.

Ví dụ về Apple, thương hiệu này nổi tiếng với giá trị thương hiệu là “Innovation” (Sự đổi mới). Apple không chỉ tạo ra những sản phẩm tiên tiến mà còn xây dựng toàn bộ trải nghiệm khách hàng xoay quanh sự đổi mới. Từ thiết kế sản phẩm đến bao bì tinh tế, Apple luôn tạo cảm giác khác biệt và cao cấp cho người dùng. Giá trị thương hiệu này cũng được thể hiện rõ ràng qua slogan nổi tiếng “Think Different”.

Người ta thường ví giá trị thương hiệu như một ngọn hải đăng, giúp người tiêu dùng nhanh chóng nhận diện được thương hiệu của bạn là gì và quyết định liệu tinh thần đó có phù hợp với họ hay không. Khi có giá trị tốt, nó tạo ra kết nối cảm xúc ngay lập tức với khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp, tạo nền tảng cho lòng trung thành với thương hiệu.

Mối quan hệ giữa giá trị cốt lõi và giá trị thương hiệu

Giá trị cốt lõi và giá trị thương hiệu không tồn tại độc lập, mà có mối liên hệ mật thiết. Một doanh nghiệp chỉ có thể xây dựng được giá trị thương hiệu bền vững khi những gì họ hứa hẹn với khách hàng xuất phát từ chính giá trị cốt lõi. Khi giá trị thương hiệu phù hợp và được thúc đẩy bởi giá trị cốt lõi, doanh nghiệp không chỉ tạo dựng lòng tin từ khách hàng mà còn thu hút nhân viên có cùng tầm nhìn.

Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa giá trị cốt lõi và giá trị thương hiệu, hãy xem xét trường hợp của Tesla.

Giá trị cốt lõi củaGiá trị cốt lõi của Tesla đồng nhất với giá trị thương hiệu

Tesla được xem là doanh nghiệp dẫn đầu “kỷ nguyên xe điện”

Giá trị cốt lõi của Tesla bao gồm “Doing the best” (làm tốt nhất), “Continuous learning” (liên tục học hỏi), “Respect” (tôn trọng), “Taking chances” (Đón nhận cơ hội) và “Environmental responsibility” (có trách nhiệm với môi trường). Những giá trị này thể hiện tinh thần đổi mới và không ngại mạo hiểm của Tesla trong việc tạo ra những công nghệ đột phá, trong khi vẫn giữ gìn môi trường. Đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của công ty, từ phát triển sản phẩm đến quản lý nhân sự.

Trong khi đó, giá trị thương hiệu của Tesla thể hiện qua lời hứa mang lại tương lai bền vững cho người tiêu dùng với phương châm “Accelerating the world’s transition to sustainable energy” (Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của thế giới sang năng lượng bền vững). Giá trị này được thể hiện qua các sản phẩm xe điện tiên tiến, thông điệp vì môi trường và những chiến dịch truyền thông thúc đẩy lối sống bền vững.

Như vậy, giá trị cốt lõi của Tesla là những nguyên tắc vận hành bên trong, trong khi giá trị thương hiệu là cách họ truyền tải những nguyên tắc đó tới công chúng và khách hàng.

Hiểu và phân biệt rõ giữa giá trị cốt lõi và giá trị thương hiệu không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì sự nhất quán trong hoạt động mà còn tạo dựng được niềm tin và sự trung thành từ khách hàng. 

Nếu bạn chưa biết nên xây dựng bộ giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp như thế nào hay đang băn khoăn có nên điều chỉnh giá trị cốt lõi đang có hay không thì hãy liên hệ với Blue C để được tư vấn:

Phone: (+84)24 7303 2388

Email: info@bluec.vn

Bài Viết Liên Quan