Kể câu chuyện văn hoá doanh nghiệp

Kể câu chuyện văn hoá doanh nghiệp

Theo nhà tâm lý học nổi tiếng Jerome Bruner, chúng ta có khả năng nhớ một sự kiện cao gấp 22 lần khi nó được trình bày dưới dạng câu chuyện. Trường Graduate School of Business (GSB) của Đại học Stanford cũng khẳng định rằng khi mọi người nghe các bài thuyết trình, bao gồm các sự kiện và con số hoặc một câu chuyện, chỉ có 5% nhớ tới một số liệu thống kê, nhưng có tới 63% nhớ các câu chuyện. Bởi vậy, rất nhiều doanh nghiệp đang khai thác sức mạnh của các câu chuyện để phát triển văn hóa doanh nghiệp. 

Contents

Câu chuyện văn hóa là gì?

Câu chuyện văn hoá là các câu chuyện truyền tải sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Qua đó, tạo ra kết nối cảm xúc mạnh mẽ với khán giả và truyền tải thông điệp của doanh nghiệp theo cách truyền cảm hứng, động lực cho họ.

Những câu chuyện này có thể có nhiều dạng khác nhau, như câu chuyện về sự ra đời và lịch sử phát triển của doanh nghiệp, câu chuyện trải nghiệm của nhân viên, câu chuyện vượt qua khó khăn, câu chuyện thành công của nhân viên hoặc những câu chuyện về văn hóa của các doanh nghiệp khác có tính định hướng đối với bối cảnh hiện tại của doanh nghiệp…

Vai trò của câu chuyện văn hóa
  • Củng cố các giá trị chung: Câu chuyện văn hoá giúp củng cố các giá trị chung giữa các nhân viên, thúc đẩy tinh thần đoàn kết của tập thể.
  • Truyền cảm hứng cho nhân viên: Những câu chuyện về thành công hoặc thành tựu đáng chú ý của cá nhân, tập thể có thể truyền cảm hứng và tạo động lực cho nhân viên, gia tăng cảm giác tự hào trong công ty.
  • Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng mạnh mẽ: Câu chuyện văn hóa là một công cụ hiệu quả để xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, giúp thu hút và giữ chân những nhân tài hàng đầu.
  • Tăng cường truyền thông nội bộ: Những câu chuyện văn hoá cũng giúp tăng cường giao tiếp nội bộ, gia tăng kết nối, xây dựng môi trường làm việc tích cực.
Sức mạnh của những câu chuyện tích cực

Nhờ có câu chuyện, niềm tin được tạo dựng

Một trong những yếu tố để nhân viên cân nhắc khi lựa chọn doanh nghiệp mình sẽ gắn bó là những câu chuyện người thật việc thật. Khi kể chuyện đang là xu hướng content ngày càng phổ biến, việc doanh nghiệp biến mỗi nhân viên hoặc khách hàng trở thành một người kể chuyện sẽ đem đến niềm tin cho ứng viên khi nhìn vào doanh nghiệp.

Câu chuyện giúp tạo ra ảnh hưởng

Trong bài báo có tựa đề “Kể chuyện thúc đẩy sự thay đổi táo bạo” được đăng trên Harvard Business Review (số T11/2023), 2 tác giả nổi tiếng Frances Frei và Anne Morriss đã viết: “Khi tổ chức của bạn cần thực hiện một thay đổi lớn, các câu chuyện sẽ giúp bạn truyền tải không chỉ lý do tổ chức cần chuyển đổi mà còn truyền tải tương lai sẽ như thế nào bằng những thuật ngữ cụ thể, sống động. Có tới 70% nỗ lực thay đổi tổ chức đều thất bại. Nhưng nếu bạn tạo ra một câu chuyện hấp dẫn, bạn sẽ tăng đáng kể cơ hội vượt qua những khó khăn đó.”

Câu chuyện dẫn dắt quyết định nhờ những sắc thái cảm xúc lồng ghép trong câu chuyện

Người đọc, người nghe sẽ bộc lộ cảm xúc phù hợp với những sắc thái được truyền tải trong câu chuyện của mình.

Câu chuyện tạo ra sự khác biệt

Ai cũng là người kể chuyện và ai cũng có câu chuyện để kể. Và mỗi người sẽ có những cách kể khác nhau. 

Câu chuyện là công cụ hữu hiệu để truyền tải thông điệp

Sau mỗi lần nghe một câu chuyện, bạn sẽ cảm nhận được thông điệp, giá trị mà người kể muốn truyền tải. Nhờ có câu chuyện mà thông điệp trở nên có ý nghĩa hơn và giúp người đọc, người nghe đều dễ dàng hiểu được.

4 dạng câu chuyện văn hoá
bánh xe câu chuyện

Mô hình bánh xe câu chuyện

Gabrielle Dolan, nhà lãnh đạo tư tưởng toàn cầu trong việc kể chuyện, tác giả cuốn sách “Stories for Work: The Essential Guide to Business Storytelling” (Tạm dịch là Hướng dẫn cơ bản về kể chuyện trong kinh doanh) đã đưa ra lý thuyết bánh xe câu chuyện với 4 loại câu chuyện: Câu chuyện về chiến thắng, bi kịch, áp lực và thay đổi.

Câu chuyện về chiến thắng

Đây là những câu chuyện về thành tích – những khoảnh khắc đáng tự hào trong sự nghiệp và cuộc sống cá nhân. Chiến thắng có nhiều hình thức và không chỉ là kết quả cuối cùng mà còn là câu chuyện về lòng dũng cảm, bất kể kết quả ra sao.

Đó có thể là câu chuyện:

  • Chiến thắng của chính bản thân mình: Như câu chuyện về sự trở lại của Steve Jobs tại Apple vào năm 1997, sau khi bị sa thải khỏi công ty mà mình sáng lập 12 năm trước. Thời điểm này,  Apple đang đối mặt với những khó khăn lớn về tài chính và sản phẩm. Với tầm nhìn và sự lãnh đạo của mình, ông đã giúp Apple lật ngược tình thế bằng việc ra mắt các sản phẩm đột phá như iMac, iPod, iPhone và iPad. Câu chuyện cũng cho thấy sự kiên trì và tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo quyết đoán và đổi mới có thể biến đổi một công ty đang gặp khó khăn thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới.
  • Chiến thắng của người khác: Như câu chuyện về sự ra đời của Gmail nhờ chương trình “20% time” của Google, cho phép nhân viên dành 20% thời gian làm việc để theo đuổi các dự án cá nhân. Paul Buchheit, một nhân viên của Google, đã phát triển Gmail trong thời gian 20% của mình. Gmail sau đó trở thành một trong những dịch vụ email phổ biến nhất trên thế giới. Câu chuyện này nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đổi mới, sáng tạo và khuyến khích nhân viên chủ động. 
  • Chiến thắng của cộng đồng: Như câu chuyện của TOMS Shoes và mô hình kinh doanh “One for One,” trong đó công ty cam kết mỗi khi bán được một đôi giày, họ sẽ tặng một đôi giày cho trẻ em nghèo. Kể từ khi thành lập vào năm 2006, TOMS đã tặng hàng triệu đôi giày cho trẻ em trên khắp thế giới. Câu chuyện này thể hiện sự cam kết của TOMS với cộng đồng và trách nhiệm xã hội, minh chứng rằng doanh nghiệp có thể đạt được thành công tài chính đồng thời tạo ra tác động tích cực đến xã hội. 

Câu chuyện về bi kịch

Đó là những câu chuyện buồn đã xảy ra và tạo nên hậu quả không đáng có. 

Đó có thể là câu chuyện: 

  • Bi kịch tạo nên nuối tiếc: Như sự sụp đổ của “đế chế Nokia” do công ty không bắt kịp với xu hướng thị trường, không đổi mới và sáng tạo đủ nhanh để cạnh tranh với điện thoại thông minh của những đối thủ như Apple và Samsung, đặc biệt là khi iPhone ra mắt vào năm 2007. Cuối cùng, Nokia phải bán mảng điện thoại của mình cho Microsoft vào năm 2014, đánh dấu sự kết thúc của một thương hiệu từng thống trị thế giới. Câu chuyện này là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc duy trì sự đổi mới liên tục và tầm nhìn chiến lược để không bị tụt hậu trong một thị trường thay đổi nhanh chóng.
  • Bi kịch khi là nạn nhân: Như câu chuyện General Motors phải tuyên bố phá sản vào năm 2009, do những ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, nhờ vào sự can thiệp của Chính phủ Hoa Kỳ và sự hỗ trợ tài chính từ các gói cứu trợ, General Motors đã vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Một trong những yếu tố quan trọng giúp General Motors phục hồi là văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ và khả năng thích nghi với những thay đổi lớn. Công ty đã tái cấu trúc, tập trung vào các dòng xe hiệu quả hơn và đẩy mạnh phát triển xe điện, từ đó hồi sinh và tiếp tục phát triển.
  • Bi kịch do tự gây ra: Câu chuyện của Uber là một ví dụ điển hình. Uber từng là biểu tượng của sự đổi mới trong ngành công nghiệp gọi xe, nhưng công ty đã gặp phải một loạt các vấn đề về văn hóa doanh nghiệp. Vào năm 2017, Uber phải đối mặt với hàng loạt vụ bê bối, bao gồm các cáo buộc về quấy rối tình dục, quản lý kém và văn hóa làm việc độc hại. Điều này dẫn đến việc CEO Travis Kalanick phải từ chức và công ty phải thực hiện các biện pháp cải tổ mạnh mẽ. Uber đã thay đổi ban lãnh đạo, cải thiện quy trình quản lý nhân sự và xây dựng lại văn hóa doanh nghiệp để tạo ra một môi trường làm việc nhân văn và chuyên nghiệp hơn.

Câu chuyện về áp lực

Áp lực có thể được tạo nên từ nhiều nguyên nhân. 

Đó có thể là:

  • Áp lực vì bổn phận: Như câu chuyện Starbucks đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn Covid-19, khi nhiều cửa hàng phải đóng cửa và doanh thu sụt giảm. Tuy nhiên, CEO Kevin Johnson đã cam kết không sa thải nhân viên và tiếp tục trả lương cho họ trong suốt thời gian này. Điều này tạo ra áp lực lớn lên công ty để đảm bảo tài chính trong khi vẫn duy trì phúc lợi cho nhân viên.
  • Áp lực đến từ lòng trung thành: Ví dụ như Zappos, một công ty bán lẻ giày trực tuyến nổi tiếng với văn hóa công ty độc đáo, luôn cam kết mang lại sự hài lòng tối đa cho khách hàng. Nhân viên tại Zappos chịu áp lực lớn để duy trì lòng trung thành với cam kết này. Họ thường xuyên phải vượt qua khó khăn để đảm bảo rằng mỗi khách hàng đều hài lòng, thậm chí nếu điều đó có nghĩa là phải dành nhiều thời gian hơn để giải quyết từng vấn đề nhỏ của khách hàng.
  • Áp lực do các giá trị được đặt ra: Như chuyện về Patagonia, công ty sản xuất đồ ngoài trời, luôn tự hào về giá trị bền vững và bảo vệ môi trường. Áp lực lớn đặt ra khi công ty phải đối mặt với các quyết định kinh doanh có thể ảnh hưởng đến môi trường. Ví dụ, trong khi các công ty khác có thể chọn vật liệu rẻ hơn nhưng gây hại cho môi trường, Patagonia luôn chọn cách sử dụng các vật liệu bền vững và thân thiện với môi trường. Điều này đôi khi làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến lợi nhuận, nhưng công ty vẫn kiên định với giá trị cốt lõi của mình.

Câu chuyện về thay đổi

Cuộc sống luôn luôn thay đổi, mỗi ngày trôi qua lại có một điều mới xuất hiện. Do vậy, thay đổi cũng là một chủ đề phổ biến thường được khai thác khi kể chuyện.

  • Thay đổi mang tính bắt buộc: Điển hình như Kodak. Từng là một ông lớn trong ngành nhiếp ảnh, tuy nhiên, với sự xuất hiện của máy ảnh kỹ thuật số, Kodak đã không kịp thời thay đổi và bị tụt hậu. Đến khi nhận ra, công ty buộc phải cắt giảm nhân sự và tuyên bố phá sản vào năm 2012. Sau đó, Kodak đã cố gắng tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ hình ảnh và in ấn. Câu chuyện này là một lời cảnh tỉnh về sự cần thiết của việc thích nghi với sự thay đổi và không ngừng đổi mới để tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng. 
  • Thay đổi mang tính chủ động: Dưới sự lãnh đạo của CEO Satya Nadella, Microsoft đã thực hiện một cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ. Công ty đã thay đổi từ một công ty phần mềm truyền thống sang một công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Microsoft Azure đã trở thành một trong những nền tảng đám mây hàng đầu, giúp công ty thích nghi với thời đại công nghệ 4.0 và tăng trưởng mạnh mẽ. Câu chuyện này minh họa tầm quan trọng của sự chủ động trong việc nắm bắt công nghệ và đổi mới.
  • Thay đổi do có sự tác động từ bên ngoài: Câu chuyện về Nike và những áp lực từ công chúng, các tổ chức nhân quyền đối với điều kiện làm việc tại các nhà máy sản xuất của Nike ở nước ngoài. Những cáo buộc về lao động trẻ em, lương thấp và điều kiện làm việc tồi tệ đã gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của Nike. Để đáp lại, Nike đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của mình. Họ đã tăng cường giám sát các nhà cung cấp, cải thiện điều kiện làm việc và đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức mới. Nike cũng đã đầu tư vào các chương trình phát triển cộng đồng và môi trường để xây dựng lại uy tín của mình.

Để đảm bảo tính ý nghĩa và tạo nên sự khác biệt cho mỗi câu chuyện, cần có hai trục, như hai phần chân trục của bánh xe câu chuyện, đó là tính chân thực và tính mục đích. 

  • Tính chân thực: Hãy nhớ rằng, những tình tiết có thật dù có hay không liên quan đến công việc đều sẽ làm câu chuyện được kể trở nên đáng tin cậy hơn, khiến mọi người thích thú, quan tâm và tích cực chia sẻ hơn.
  • Tính mục đích: Trước khi kể một câu chuyện, người kể cần xác định “Vì sao mình kể câu chuyện này?”. Một câu chuyện có mục đích rõ ràng sẽ dễ dàng giúp người đọc, người nghe “thấm” hơn thông điệp mà người kể chuyện muốn truyền tải.
Quy trình triển khai câu chuyện

Bước 1: Lựa chọn nhân vật

Đề xuất nhân vật tham gia dự án

Bước 2: Xây dựng bảng hỏi

Nghiên cứu lịch sử, văn hóa doanh nghiệp, phong cách lãnh đạo. Từ đó, xây dựng bảng hỏi phỏng vấn dựa trên nghiên cứu.

Bước 3: Tìm kiếm câu chuyện (thông qua 4 cách chính sau)

Lắng nghe

Thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân viên, tìm kiếm những câu chuyện về công việc, cuộc sống, sức khỏe và cảm nghĩ của họ khi đương đầu với những thách thức trong thời điểm khó khăn.

Trò chuyện

Trò chuyện cũng là một cách để bạn khai thác những câu chuyện trong tổ chức. Hãy khuyến khích và gợi ý nhân viên kể những câu chuyện về bản thân họ, về đồng nghiệp, về tổ chức. Tạo ra những campaign, hashtag để mọi người tự tạo nội dung, tự chia sẻ theo từng chủ đề cụ thể. Bạn cũng có thể phát triển chương trình Social Employee – biến nhân viên thành đại sứ thương hiệu trên các trang mạng xã hội để tìm kiếm thêm nhiều chủ đề cho câu chuyện.  

Tạo nhóm ảnh hưởng

Một cách khác để tìm kiếm các câu chuyện là tạo nên các nhóm ảnh hưởng. Hãy tìm kiếm các nhân viên thường xuyên tương tác, có mạng lưới người theo dõi lớn, tạo ảnh hưởng tốt trong cộng đồng. Tạo kho nội dung và khuyến khích họ chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân của mình hoặc khuyến khích họ tự kể các câu chuyện có tính lan tỏa cao, tích cực và kêu gọi mọi người cùng tương tác.

Qua Báo chí – Mạng xã hội

Hãy khai thác những câu chuyện, thông tin tích cực về doanh nghiệp, con người… từ báo chí, tin tức, mạng xã hội. Hãy hướng dẫn, lưu ý nhân viên nhận biết, chọn lọc tin tức để tránh chia sẻ tin giả.

Bước 4: Phỏng vấn chuyên sâu

Phỏng vấn 1-1 với các nhân vật liên quan trong các câu chuyện để xây dựng nội dung chi tiết.

Bước 5: Viết lại câu chuyện

Viết theo nguyên tắc kể chuyện, xây dựng nội dung sản phẩm hoàn chỉnh.

Bí quyết kể câu chuyện hấp dẫn

Để kể một câu chuyện hấp dẫn, bên cạnh việc có một cấu trúc rõ ràng, bạn cũng nên nắm được những bí quyết và thủ thuật để có cách diễn đạt câu chuyện của mình thực sự thu hút người đọc. 

Hãy nhớ:

  • Show, don’t tell: Hãy vẽ cho độc giả một bức tranh chứ không chỉ nói. Hãy làm sao để cho họ có thể thấy mình trong câu chuyện đó. Khuyến khích họ tưởng tượng nhiều hơn.
  • Hãy tập trung khai thác chi tiết: Các chi tiết sẽ làm cho câu chuyện thêm sống động. Một câu chuyện không có chi tiết cũng như con cá chỉ có mỗi bộ xương.
  • Truyền cảm xúc vào câu chuyện: Con người có thể bị dẫn dắt bởi logic nhưng lại được thuyết phục bởi những cảm xúc như Vui – Buồn – Giận – Thương.
  • Hãy đơn giản hóa câu chuyện: Đừng nói những điều to tát, hãy nói những điều gần gũi!
  • Hãy tận dụng việc ẩn dụ – metaphor: Sử dụng những câu từ, hình ảnh ẩn dụ gần gũi sẽ giúp người đọc dễ hình dung hơn khi nghe câu chuyện của bạn.
  • Nghĩ đến kết thúc trước khi bắt đầu: Đây là một bí quyết để giúp câu chuyện được kể theo một mạch thông suốt, có liên kết. 
Từ lý thuyết tới thực tế

Tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang kể những câu chuyện của mình theo nhiều cách khác nhau, qua đó, lan toả bản sắc văn hóa của riêng mình. Có thể kể tới như Viettel IDC, MSB, EMS, Vietlott… với tuyển tập các câu chuyện phản ánh giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. 

Kể câu chuyện văn hoá doanh nghiệp

Nếu doanh nghiệp bạn đang tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ trong việc xây dựng câu chuyện văn hóa doanh nghiệp, hãy liên hệ với Blue C để được tư vấn.

Phone: (+84)24 7303 2388
Email: info@bluec.vn

Hằng Nguyễn

 

Bài Viết Liên Quan