Những dự đoán về nơi làm việc 2030

Những dự đoán về nơi làm việc 2030

Năm 2030 được dự đoán là thời điểm bùng nổ của công nghệ với sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị thông minh, hỗ trợ đắc lực cho công việc của người lao động. Khi công nghệ ngày một chiếm ưu thế và Gen Z dần trở thành lực lượng chính, môi trường làm việc của doanh nghiệp sẽ thay đổi như thế nào? Cùng tham khảo các dự đoán về nơi làm việc tương lai 10 năm tới.

  1. Nơi làm việc có cảm xúc

Doanh nghiệp sẽ nỗ lực để trở thành nơi làm việc có ý nghĩa, hạnh phúc, chú trọng phát triển vốn xã hội (social capital) trên nền tảng sự tin cậy.

Trong tương lai, doanh nghiệp sẽ đặc biệt chú trọng cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cá nhân hóa nhiều hơn đến nhân viên bằng việc xây dựng thời gian làm việc linh hoạt, chú trọng sức khỏe và những phúc lợi về tài chính, đời sống của họ. Nhân viên sẽ làm việc ít hơn, thông minh hơn, giảm áp lực hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) hay Internet vạn vật (IoT) – những trợ thủ đắc lực. Nhân viên cần sự thoải mái, chủ động hơn để cải thiện năng suất làm việc. Theo nghiên cứu của Viện McKinsey, chỉ có 39% thời gian của nhân viên được dành cho các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến công việc của họ. 61% còn lại? Họ dành phần lớn thời gian đọc và trả lời email, tìm kiếm thông tin và các việc nhỏ nhặt khác.

Mặt khác, lực lượng lao động cũng có sự chuyển dịch sang nền kinh tế không ràng buộc (Gig Economy): từ nhân viên toàn thời gian sang nhân viên làm việc từ xa, nhân viên theo hợp đồng. Nhân viên sẽ muốn gắn kết hơn với một tổ chức có mục đích rõ ràng, có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội và tiếng nói của họ được lắng nghe. Vì thế, doanh nghiệp cần có chiến lược để biến nơi làm việc giàu ý nghĩa hơn.

Cuộc cách mạng của văn hóa doanh nghiệp.

Trong bối cảnh trên, văn hóa doanh nghiệp càng trở nên quan trọng và cần ưu tiên hơn bao giờ hết. Tầm nhìn của lãnh đạo thống nhất kết hợp việc truyền thông rõ ràng về giá trị cốt lõi và các hành vi biểu hiện sẽ giúp nhân viên hiểu họ đang làm việc vì điều gì. Xây dựng văn hóa minh bạch và gắn kết với xã hội cũng là điều doanh nghiệp cần làm để nhân viên thấy tổ chức đang đem lại những lợi ích gì cho cá nhân họ và cộng đồng.

  1. Nơi làm việc vật lý

Mọi người cùng ngồi bàn tròn thảo luận trong các cuộc họp vốn là cách thức quen thuộc hiện nay được doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhiên trong tương lai, mô hình phòng họp lý tưởng sẽ cần mở hơn, thoáng hơn và thậm chí… càng ảo càng tốt. Đa số thời gian nhân viên làm việc trong nhà, vậy tại sao không đưa họ ra ngoài, thay đổi không gian làm việc? Các nhà nghiên cứu của Stanford đã chỉ ra rằng, việc thường xuyên đi lại có thể kích thích sự sáng tạo và thúc đẩy năng suất lên tới 60% so với việc ngồi một chỗ. Sự trợ giúp của công nghệ thực tế ảo (VR) thậm chí có thể giúp bạn đến bất kỳ không gian nào bạn muốn.

Cùng với đó, trong một thập kỉ tới, nơi làm việc vật lý được dự đoán sẽ ngày càng thông minh với sự góp sức của IoT. Một chiếc ghế phát ra giọng nói nhắc nhở bạn đứng lên đi lại khi ngồi quá lâu, thiết bị lọc tiếng ồn giúp bạn tập trung làm việc mà không còn phải đeo tai nghe, bàn làm việc tự động dọn dẹp hay rèm thông minh với công dụng lọc khí, đổi màu theo tâm trạng là những công cụ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho nhân viên trong quá trình làm việc.

Mô hình tòa nhà cũng sẽ có diện mạo mới trong thời gian tới. Nếu như năm 2020, chúng ta đã thấy nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình campus với nơi làm việc thì trong 10 năm tới, chúng ta có thể thấy những campus này trở thành những “ngôi làng” hiện đại. Điều này đồng nghĩa quy mô không gian sẽ rộng lớn hơn, các phòng ban sẽ thành các khu xóm, nhân viên trở thành dân làng hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống. Quan trọng hơn, không gian này tạo cơ hội để mọi người chia sẻ nhiều hơn, học tập nhiều kỹ năng và kiến thức từ những “người hàng xóm” thân cận.

Doanh nghiệp có xu hướng biến môi trường làm việc thành các ngôi làng hiện đại.

  1. Nơi làm việc thông minh

Sự trợ giúp từ công nghệ trong mọi mặt đòi hỏi nhân viên phải làm việc năng suất hơn và có nhiều cải tiến nổi bật. Doanh nghiệp trong bối cảnh này cần khuyến khích nhận viên tự chủ hơn trong việc đưa ra những ý tưởng cải tiến bằng cách cho phép họ nghĩ gì làm nấy. Không dừng lại ở những cách làm như “20% thời gian công việc” của Google (cho phép nhân viên nghỉ ngơi 20% thời gian làm việc để nghiên cứu hạng mục công việc họ không có đủ thời gian để theo dõi), trong tương lai nhân viên có thể được phép dành 100% thời gian để phát triển ý tưởng đã được duyệt, miễn sao ý tưởng đó có thể thực thi thành công.

Trong giai đoạn 10 năm tới, xây dựng mối liên hệ với nhân viên trên mạng xã hội cũng là yếu tố doanh nghiệp cần quan tâm. Những nhân viên “boomerang” – rời tổ chức một thời gian sau đó quay lại – là một “tài sản” quý giá cho doanh nghiệp. Họ là người học hỏi những điều mới mẻ, hay ho từ doanh nghiệp khác và khi trở về sẽ truyền đạt các kinh nghiệm này cho tổ chức. Trong xu thế lực lượng lao động thường xuyên thay đổi công việc, duy trì việc tạo kết nối với nhân viên trên mạng xã hội sẽ tạo nên chiếc “lò xo” để doanh nghiệp kéo nhân viên “đi để trở về”.

Các hoạt động gắn kết giúp doanh nghiệp thu hút nhiều nhân viên boomerang.

Trợ lý ảo như Alexa, Siri… đang dần cho thấy vai trò của mình trong việc hỗ trợ công việc thông minh hơn, nhanh chóng hơn. Gartner dự đoán đến năm 2025, khoảng 2 triệu công việc mới được tạo ra nhờ ứng dụng AI. Môi trường làm việc trong tương lai cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra những mô hình học tập suốt đời nhờ sự góp sức của các mentor thông minh.

  1. Nơi làm việc có mục đích

Nơi làm việc có mục đích, có ý nghĩa chính là nơi mà doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn tới yếu tố con người. Tushar Mhaske – quản lý bộ phận trải nghiệm số nhân viên của Shell nhận định: “Con người là tài sản tốt nhất của tổ chức dù cho có sự trợ giúp của AI hay robot hay không. Đầu tư vào con người và gắn kết họ sẽ tạo nên sự khác biệt”. Do vậy, trong một thập kỷ tới, chú trọng phát triển con người sẽ là hướng đi chính cho các doanh nghiệp.

Đến năm 2030, Gen Z sẽ trở thành lực lượng lao động chủ đạo. Đây là thế hệ mong muốn làm việc vào các tổ chức có nhiều đóng góp cho xã hội, thực hiện đúng lời hứa với cộng đồng hoặc môi trường mà doanh nghiệp đó tuyên bố. Khi đó, các tổ chức cần xây dựng một môi trường minh bạch, rõ ràng trên mọi phương diện.

Nhân viên sẽ yêu công việc hơn nếu thấy họ đang làm việc cho một tổ chức có ý nghĩa.

Trong bối cảnh môi trường ngày một số hóa, Gen Z cũng yêu thích những trải nghiệm thực tế, mới lạ. Nhiều nhân viên có xu hướng làm việc linh động, không phụ thuộc vào trụ sở công ty, có thể di chuyển mọi nơi nhưng vẫn hoàn thành công việc.  Do đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng hơn đến xây dựng không gian, địa điểm làm việc để đáp ứng nhu cầu nhân viên.

Kim Oanh

(Theo Unily)

Bài Viết Liên Quan