8 đòn bẩy văn hóa giúp lãnh đạo thúc đẩy hiệu suất doanh nghiệp

8 đòn bẩy văn hóa giúp lãnh đạo thúc đẩy hiệu suất doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) có khả năng định hướng, ảnh hưởng tới hành vi ứng xử của toàn bộ nhân sự trong một tổ chức. Chính vì văn hóa có sức ảnh hưởng lớn tới con người nên quá trình xây dựng, phát triển hay chuyển đổi VHDN của một tổ chức cần phải được “đào sâu” tìm hiểu, lên kế hoạch kỹ lưỡng và triển khai một cách hợp lý. Là người đứng đầu và dẫn dắt toàn doanh nghiệp, nhà lãnh đạo có vai trò quyết định trong việc phát triển VHDN đi đúng hướng. Một nền văn hoá vững chắc sẽ là chìa khóa cho sự phát triển, giúp thay đổi, tái tạo nội lực cho toàn bộ lực lượng lao động và mang đến lợi thế cạnh tranh cho tổ chức. Dưới đây là 8 đòn bẩy văn hoá giúp lãnh đạo thúc đẩy hiệu suất, nguồn lực cho doanh nghiệp. 

Contents

Đòn bẩy #1 – Cách lãnh đạo định hướng 

Cách lãnh đạo thiết lập mục tiêu và xây dựng hướng đi cho tổ chức sẽ góp phần rất lớn vào việc định hình thái độ và hành vi của nhân viên.

Một mặt, nhà lãnh đạo có thể thiết lập các mục tiêu cụ thể và đặt ra các mức chỉ tiêu và hiệu suất cần đạt được. Mặt khác, các mục tiêu có thể được xây dựng dựa trên sự linh hoạt để thích ứng với những thay đổi của thị trường/bối cảnh kinh doanh. Tương tự, họ cũng có thể quyết định triển khai những mục tiêu đó một cách tập trung hoặc mở rộng để phù hợp với đặc thù của tổ chức. 

Với bất kể cách thức định hướng nào thì tư duy và thái độ của lãnh đạo chính là yếu tố cốt lõi giúp gia tăng niềm tin của nhân viên với doanh nghiệp. Việc nhìn nhận tương lai với thái độ cởi mở, tích cực sẽ tạo động lực, gắn kết nhân viên nỗ lực và cống hiến vì mục tiêu chung. Ngược lại, một thái độ bi quan, tiêu cực sẽ khiến cho họ nản lòng, mất niềm tin vào tổ chức. 

Đòn bẩy #2 – Cách lãnh đạo mang lại (và khen thưởng cho) kết quả

Đòn bẩy này ảnh hưởng lớn bởi tính chất công việc và cách tiếp cận công việc đó của lãnh đạo.

Robert DeFalco, chủ tịch kiêm nhà sáng lập của Robert DeFalco Realty cho rằng: “Một nhà lãnh đạo phải có sự chuyên nghiệp, chính trực và ý thức đạo đức nghề nghiệp cao. Cần phải biết cách ứng xử, giao tiếp tốt với nhân viên, khen thưởng khi họ có những đóng góp tích cực đối với tổ chức. Đối với khách hàng, phải luôn đặt lợi ích của họ lên hàng đầu. Sự trung thực, tôn trọng và đạo đức trong cách thức phục vụ sẽ để lại dấu ấn tích cực về doanh nghiệp trong lòng khách hàng. Bởi suy cho cùng, những giá trị cá nhân của người đứng đầu sẽ được phản ánh qua cách họ tiếp cận và điều hành tổ chức”. 

Trong một số lĩnh vực, việc tận dụng những cơ hội bất ngờ, đồng thời chấp nhận những kết quả không hoàn hảo là điều quan trọng. Tuỳ thuộc vào bối cảnh và đặc thù ngành nghề của tổ chức, người lãnh đạo phải tìm được sự cân bằng phù hợp để mang lại kết quả mà khách hàng mong muốn.

Đối với nhân viên, lãnh đạo có vai trò hướng dẫn và hỗ trợ thông qua những cách tiếp cận công việc phù hợp. Từ cương vị của mình, họ phải tìm ra cách điều chỉnh cân bằng cho từng cá nhân. Thông qua các hình thức khen thưởng, phản hồi và hỗ trợ hợp lý sẽ giúp khơi dậy tinh thần và tạo động lực cho các thành viên gặt hái thành công, từ đó tạo ra những tác động tích cực đến hiệu suất và mục tiêu chung. 

Đòn bẩy #3 – Cách lãnh đạo dẫn dắt

Một mặt, lãnh đạo là những người có niềm tin mạnh mẽ với đội ngũ của mình, họ trao quyền tự chủ cho mỗi thành viên, nhưng duy trì sự hỗ trợ khi cần thiết. Họ là người đặt ra và thực thi các chuẩn hành vi, là tấm gương cho nhân viên noi theo. Mặt khác, họ có thể là những người hành động thận trọng, duy trì quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các hoạt động thường ngày và xây dựng một hệ thống phân cấp/quyền chặt chẽ để xác định mối quan hệ lãnh đạo/nhân viên. 

Mỗi nhà lãnh đạo sẽ có một phong cách điều hành khác nhau. Sẽ có những tổ chức có hệ thống phân tầng rõ ràng, đề cao sự khác biệt cá nhân. Và ngược lại sẽ có những nơi cởi mở, nêu cao tính bình đẳng giữa cấp trên với các thành viên còn lại. 

Cách lãnh đạo dẫn dắt và vận hành doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới văn hóa của doanh nghiệp đó. 

Đòn bẩy #4 – Cách lãnh đạo tạo nên môi trường làm việc

Lãnh đạo có vai trò xác định cơ chế vận hành của tổ chức. Thúc đẩy sự tương tác giữa các thành viên sẽ làm gia tăng hiệu suất công việc. So với những môi trường có tính cạnh tranh cao, thiếu sự đồng thuận thì những tổ chức khuyến khích hợp tác, tương trợ lẫn nhau đạt mục tiêu chung sẽ giảm thiểu khả năng xuất hiện văn hóa tiêu cực, độc hại giữa nội bộ nhân viên. Đồng thời, nhân viên hạnh phúc và hài lòng với môi trường làm việc thường có hiệu suất làm việc tốt hơn, giúp tổ chức vận hành một cách nhịp nhàng và gặt hái được nhiều thành tựu. 

Đòn bẩy #5 – Cách lãnh đạo giao tiếp 

Yếu tố này đóng vai trò cốt lõi giúp nhân viên tiếp nhận và phối hợp nhịp nhàng với sự điều hành và quản lý của các nhà lãnh đạo.

Một số doanh nghiệp sẽ chọn cách kiểm soát thông tin, định hướng nhận thức của các thành viên trong tổ chức mà không để tâm đến tính nhất quán và minh bạch của thông tin. Điều này sẽ làm lung lay niềm tin của nhân viên đối với tổ chức. 

Vậy nên với vai trò là người đứng đầu, nhà lãnh đạo cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt, biết lắng nghe, linh hoạt và truyền cảm hứng cho nhân viên. Đặc biệt cần đảm bảo tính minh bạch rõ ràng trong việc truyền tải các thông tin nội bộ. Lời nói và hành động của họ cần phải có sự nhất quán, thẳng thắn và không ngần ngại thừa nhận những thiếu sót khi cần thiết.

Tuy nhiên, lãnh đạo cần phải đánh giá được các thông tin nào phù hợp để công bố có chọn lọc và thông tin nào có thể được phổ cập rộng rãi, dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như vị trí công tác, vai trò hay mức độ gắn bó của cá nhân tiếp nhận thông tin với tổ chức. 

Đòn bẩy #6 – Cách doanh nghiệp cạnh tranh

Xu hướng cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ định hình nguồn lực và hướng đi của tổ chức. Đây là yếu tố sẽ ảnh hưởng đến cách một doanh nghiệp để lại dấu ấn cá nhân, màu sắc khác biệt so với các đối thủ khác trên thị trường. 

Chẳng hạn, một tổ chức lấy chất lượng hoặc chi phí dịch vụ làm trọng tâm để chiếm lĩnh thị phần sẽ khác so với một doanh nghiệp đo lường sự thành công dựa trên giá trị mang lại cho khách hàng. Người lãnh đạo cần cân nhắc những điều này để xác định cách doanh nghiệp thu hút và giữ chân khách hàng. 

Tuỳ thuộc vào bối cảnh và mức độ phát triển của tổ chức, lãnh đạo có thể điều chỉnh các chiến lược cạnh tranh sao cho phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng khác nhau. 

Đòn bẩy #7 – Cách doanh nghiệp học hỏi 

Trong quá trình vận hành một tổ chức, các nhà lãnh đạo cần phải tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa thực thi và đo lường. Nhìn lại và phân tích những điểm mạnh và yếu còn tồn tại là chìa khóa để doanh nghiệp đạt được kết quả mong muốn. Đánh giá, thử nghiệm để cải tiến không ngừng, thích ứng và đổi mới là những điều cần thiết tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. 

Điều này cũng ảnh hưởng đến cách tổ chức học hỏi. Có những doanh nghiệp khuyến khích nhân rộng các giải pháp và phương pháp đã được chứng minh, sử dụng những kiến thức được truyền lại và tích lũy qua thời gian. Hoặc nghiêng về hướng thực nghiệm, nơi nhân viên được khuyến khích đặt câu hỏi và tìm hiểu các giải pháp mới. 

Sự cân bằng này phụ thuộc một phần vào nhiệm vụ được giao và khả năng của các cá nhân liên quan. Việc của lãnh đạo là dẫn dắt và định hướng cho nhân viên để tìm ra sự cân bằng đó. 

Đòn bẩy #8 – Đổi mới

Cuối cùng, lãnh đạo cần phải lưu tâm đến cách tổ chức tiếp cận sự đổi mới. Một vài doanh nghiệp coi những vấn đề lớn, chẳng hạn như suy giảm hiệu suất chung, là động lực để thay đổi. Một số khác chuyển đổi để nắm bắt và đón đầu các xu hướng mới trên thị trường, hoặc để cải tổ bộ máy vận hành, nâng cao hiệu quả làm việc.

Khi doanh nghiệp đổi mới, mục tiêu và phạm vi áp dụng có thể khác nhau trong từng trường hợp. Phạm vi có thể là đơn lẻ, tập trung vào một lĩnh vực cụ thể hay trải rộng, bao trùm toàn tổ chức. Đồng thời, cách doanh nghiệp áp dụng các thay đổi sẽ tác động trực tiếp tới kết quả đạt được cuối cùng. Các nhà lãnh đạo có thể tiếp cận việc đổi mới bằng cách xây dựng một cơ chế phản hồi để lần lượt thu thập ý kiến từ nhân viên ở các vị trí khác nhau, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Hoặc đối với những tổ chức khác, các sáng kiến được tiếp cận một cách linh hoạt hơn với tinh thần học hỏi, rút kinh nghiệm và điều chỉnh liên tục trong quá trình triển khai. 

Đòn bẩy để thành công

Trên đây là 8 cách lãnh đạo có thể tận dụng VHDN để thúc đẩy hiệu suất chung. Tuy nhiên cần lưu ý rằng không có một khuôn mẫu chung nào cho cách các tổ chức tiếp cận văn hóa. Mỗi doanh nghiệp sẽ có cách vận hành và văn hóa riêng của mình. Điều cốt yếu là việc lãnh đạo giành thời gian để đánh giá hiện trạng của tổ chức và xem xét kỹ lưỡng VHDN hiện tại có đang hỗ trợ tổ chức phát triển hay đang là rào cản trên hành trình đạt mục tiêu chung. 

Thục Anh

(Theo Forbes)

Bài Viết Liên Quan