Những điều nên và không nên khi xây dựng “content” thu hút ứng viên
Để lôi kéo sự quan tâm của nhiều ứng viên tiềm năng, xây dựng nội dung “chất” trên các kênh truyền thông là công việc quan trọng mà không phải nhà tuyển dụng nào cũng thành công.
Bạn nên:
- Hiểu đối tượng truyền thông và sáng tạo nội dung cho họ: Trước khi bắt đầu viết nội dung, bạn cần hiểu đúng, hiểu chuẩn nhóm đối tượng của mình. Đây là cơ sở ban đầu giúp bạn sáng tạo các nội dung chinh phục họ. Đối tượng của bạn là ai sẽ xác định hình thức, chủ đề, cách thức thể hiện… Những sáng tạo từ nội dung, thông điệp cũng cần bắt nguồn từ chân dung đối tượng bao gồm cả thói quen, sở thích và những mối quan tâm của họ. Bao giờ cũng vậy, hiểu đúng đối tượng mục tiêu sẽ là cơ sở vững chắc để mọi chiến lược, chiến thuật nội dung của bạn thành công hay thất bại.
- Tận dụng nội dung do nhân viên tạo ra: hãy biến chính nhân viên trở thành những đại sứ cho thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp. Chỉ cần một chủ đề và khung nội dung cơ bản, bạn hoàn toàn có thể có được nguồn nội dung phong phú do chính nhân viên tạo ra để share trên các trang mạng xã hội. Các nội dung có thể là trải nghiệm của chính họ tại môi trường làm việc, là câu chuyện thành công của họ. Bằng việc này, doanh nghiệp bạn sẽ đạt được ba lợi ích lớn: Từ phía nhân viên khi được trao quyền sẽ cảm thấy được tôn trọng hơn, tự hào và muốn gắn bó với doanh nghiệp hơn. Đối với các ứng viên tiềm năng, họ được đọc những trải nghiệm thật hơn so với những điều doanh nghiệp tự quảng bá về mình, phần nào tin tưởng hơn khi lựa chọn. Còn đối với doanh nghiệp, lợi ích lớn nhất là tiết kiệm chi phí tuyển dụng rất lớn mà hiệu ứng lan tỏa lại tốt hơn.
- Biến nội dung thành nguồn dữ liệu tham khảo tuyệt vời: Hãy cố gắng mang đến những nội dung thật sự hữu ích và chất lượng với độc giả. Nghĩa là nội dung bạn sản xuất được độc giả yêu thích, tương tác và chia sẻ lại. Nội dung có thể là những lời khuyên dành cho ứng viên, những kiến thức chuyên môn với các ngành nghề tuyển dụng… Đây cũng là cách khiến thương hiệu tuyển dụng của bạn dễ dàng tiếp cận các ứng viên tiềm năng hơn thông qua các công cụ tìm kiếm từ Google Aword, SEO…
- Ngắn và dễ hiểu: Đừng quên quy luật bạn chỉ có 20 giây để thu hút bạn đọc sẽ đọc tiếp hay lướt qua nội dung bạn viết. Hãy cung cấp cho các ứng viên tiềm năng những thông tin ngắn gọn, dễ hiểu. Dù là infographic, video, ảnh, bài viết…hãy đảm bảo dung lượng vừa đủ và ngôn từ dễ hiểu.
- Đo lường mức độ thành công và theo dõi: Khi việc tìm kiếm ứng viên tiềm năng đầy tính cạnh tranh thì việc đo đếm được số lượng tương tác của họ trên các trang tuyển dụng của doanh nghiệp là rất cần thiết. Hãy làm mọi cách để tiếp cận và dõi theo mọi hành vi của họ. Ngoài các nội dung cơ bản, bạn có thể kéo họ tham gia các sự kiện hoặc chat online ngay khi họ cần trợ giúp. Bao nhiêu phần trăm đối tượng của bạn đang theo dõi bạn trên Facebook, Instagram, LinkedIn? Nội dung nào thực sự thu hút với người đọc? Bao nhiêu CV được gửi về? Bao nhiêu ứng viên được lựa chọn?… Mục tiêu chính của việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng là tăng cường nhận thức về doanh nghiệp với tư cách là một nhà tuyển dụng. Hãy thường xuyên theo dõi các số liệu theo tần suất cụ thể: Trước, trong và sau một chiến dịch; định kỳ 6 tháng, 1 năm… Kể cả khi số lượng ứng viên giảm, nhưng chất lượng của mỗi ứng viên đang trở nên tốt hơn cũng là dấu hiệu tốt cho thấy bạn đang làm rất tốt nội dung truyền thông cho thương hiệu nhà tuyển dụng.
Bạn không nên:
- Chỉ nói “chúng tôi cam kết mang đến những điều tuyệt vời”: Việc bạn quảng bá thương hiệu doanh nghiệp là rất cần thiết để thu hút người xem. Song đừng xây dựng những nội dung chung chung, ca ngợi những điều tuyệt vời chung chung mà doanh nghiệp nào cũng có. Hãy cụ thể hóa bằng việc công ty bạn sẽ mang lại những “giá trị hấp dẫn” nào cho ứng viên mà khác với các doanh nghiệp khác. Càng cụ thể, đặc biệt càng tốt.
- Sao chép từ những doanh nghiệp lớn: Tham khảo cách làm từ những doanh nghiệp lớn là điều cần thiết nhưng việc “bê nguyên xi” cách làm hoặc nội dung của Google hay Apple về cho doanh nghiệp mình là điều không nên. Hãy linh hoạt áp dụng phù hợp với doanh nghiệp mình, phù hợp với đặc trưng thương hiệu tuyển dụng của mình.
- Một nội dung áp dụng cho nhiều nền tảng: Một số nội dung sẽ giúp tương tác tốt trên facebook nhưng sẽ không hiệu quả trên các kênh khác. Bạn có thể viết một bài chia sẻ nhiều chữ trên blog/website tuyển dung nhưng lại nên dùng Video Livestream trên Facebook hoặc một bức ảnh kèm caption ngắn trên Instagram cho cùng một nội dung. Bạn cần sáng tạo và áp dụng linh hoạt để thu hút người xem tối đa như mong đợi.
- Quá tin vào kết quả đo lường sớm: Những kết quả ban đầu có thể được đón nhận tốt nếu bắt đúng “trend” hoặc cũng có thể làm bạn thất vọng khi tỉ lệ ứng viên gửi CV về không như mong đợi. Song, bạn cần kiên trì và theo dõi kết quả theo lộ trình nhất định, kết quả ban đầu chưa nói lên tất cả.
Mai Trinh