5 thông điệp lãnh đạo cần truyền đạt cho nhân viên trong giai đoạn bất ổn
Khi tin tức tiêu cực xuất hiện mỗi ngày và khiến nhân viên hoang mang, thứ có thể ổn định tâm lý họ chính là những thông điệp ý nghĩa, kịp thời, giúp họ hình dung rõ hơn về tương lai của mình. Là người đứng đầu một tổ chức, lãnh đạo sẽ cần là những người đầu tiên đưa những thông điệp sau tới nhân viên của mình.
1. Sức khỏe và sự an toàn luôn được ưu tiên
Nhân viên cảm thấy lo lắng về sức khỏe và sự an toàn của họ. Cho dù được làm việc ở nhà hay phải tới chỗ làm, lãnh đạo vẫn cần cho nhân viên biết rằng mình thực sự quan tâm tới sức khỏe và sự an toàn của họ.
Đây là một số thông tin lãnh đạo có thể cung cấp cho nhân viên:
- Những thay đổi trong chính sách y tế
- Các quy định nơi công sở, chẳng hạn như việc đeo khẩu trang
- Thông tin về các cơ sở xét nghiệm tại địa phương
- Nhắc nhở và cập nhật về lợi ích của các biện pháp đảm bảo y tế
- Các biện pháp an toàn để giúp nhân viên bảo vệ bản thân và gia đình.
2. Tình hình kinh doanh của tổ chức và các thay đổi về chính sách
Nhiều nhân viên lo rằng trong tương lai họ có thể sẽ bị cắt lương, thậm chí mất việc. Nếu doanh nghiệp không thể đảm bảo việc làm cho họ thì lãnh đạo nên cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của tổ chức một cách minh bạch. Nếu không, nhân viên sẽ phải suy đoán và đưa ra các giả định, điều này có thể dần hình thành những “đám khói” độc hại len lỏi trong tổ chức.
Mặt khác, lãnh đạo cũng cần liên tục cập nhật tình hình cho các nhân viên về bất kỳ sự thay đổi chính sách. Chẳng hạn như, kể từ sau đợt giãn cách xã hội, những công ty như Twitter đã quyết định cho phép nhân viên làm việc từ xa vĩnh viễn. Nhân viên chắc chắn sẽ có rất nhiều câu hỏi về các điều chỉnh này, việc của lãnh đạo là phải cung cấp thông tin rõ ràng và dễ hiểu về sự thay đổi chính sách này.
3. Trạng thái vận hành bên trong tổ chức
Nhân viên muốn biết doanh nghiệp sẽ vận hành hoạt động nội bộ như thế nào. Công việc, cuộc sống của họ có thể đã, đang ít nhiều bị đảo lộn, bởi vậy họ muốn biết doanh nghiệp đã chuẩn bị thế nào để vừa duy trì công việc của nhân viên, vừa đảm bảo an toàn cho họ.
Trước nhu cầu trên, lãnh đạo sẽ nên là người đầu tiên cập nhật trạng thái làm việc mới cho nhân viên. Có thể nhân viên sẽ phải tiếp tục làm việc tại nhà thêm vài tháng nữa, có thể họ phải luân phiên nhau làm việc cách tuần hoặc có thể họ sẽ phải nghỉ không lương một vài ngày trong tháng, dù là ở trạng thái nào thì mọi thông báo kịp thời đều cần thiết để nhân viên nhanh chóng điều chỉnh, thích nghi với trạng thái đó.
4. Các giá trị cốt lõi và kế hoạch hành động
Chia sẻ các giá trị là điều vô cùng quan trọng trong thời điểm nhân viên muốn hiểu rõ tôn chỉ của doanh nghiệp là gì. Việc nhân viên nhìn nhận doanh nghiệp có thực sự “nói đi đôi với làm” không phụ thuộc vào việc lãnh đạo có đưa các giá trị cốt lõi vào thông điệp truyền thông của mình hay không. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp tuân thủ giá trị “Vì cộng đồng”, lãnh đạo cần nhấn mạnh giá trị này vào những bài phát biểu, thư gửi nhân viên để họ cùng hiểu và thực hành.
Bên cạnh đó, chỉ nhắc thôi là chưa đủ. Lãnh đạo cần cho mọi người thấy một kế hoạch hành động cụ thể về cách doanh nghiệp “sống” cùng giá trị cốt lõi đó. Nếu không làm vậy, mọi lời nói sẽ trở nên sáo rỗng.
5. Tầm nhìn cho tương lai
Thật khó để luôn nghĩ lạc quan khi giai đoạn khó khăn có vẻ như sẽ kéo dài mãi mãi. Vậy nên nếu lãnh đạo có một tầm nhìn về cách mọi thứ thay đổi sau này, hãy chia sẻ cho nhân viên. Họ mong muốn được biết vai trò của mình đối với tổ chức sẽ biến đổi thế nào, liệu có còn phù hợp với tầm nhìn tổ chức đang hướng đến hay không.
Cho dù tầm nhìn của tổ chức là gì, hãy chia sẻ vào một thời điểm thích hợp. Nó sẽ gieo những tia hy vọng dù nhỏ nhoi nhưng ý nghĩa cho nhân viên trong thời điểm bất ổn này.
Hoàng Duy
(Theo Poppulo)