Kỷ yếu Đoàn bay Vietnam Airlines: Câu chuyện của những sứ giả bầu trời
Với bề dày lịch sử 60 năm, Đoàn bay 919 đã và đang là những “sứ giả bầu trời” đồng hành trên mọi cột mốc, con người, lịch sử đất nước. Để tri ân những đóng góp của đơn vị, Vietnam Airlines đã đồng hành cùng Blue C thực hiện dự án kỷ yếu “Đoàn bay 919 – 60 năm xây dựng và phát triển”.
Đúng ngày Quốc tế Lao động 01/5/1959, Trung đoàn Không quân vận tải 919 (Đoàn bay 919) – đơn vị bay vận tải quân sự hàng không – dân dụng đầu tiên của Việt Nam – đã được thành lập. Tại Sân bay Gia Lâm của 60 năm trước, có lẽ không phải ai cũng nghĩ rằng mình sẽ là một phần của một chứng nhân lịch sử đồng hành cùng rất nhiều sự kiện vẻ vang của đất nước. Những đóng góp của Đoàn bay 919 là những điều mà bất kỳ CBNV nào của Vietnam Airlines cũng hết sức tự hào bởi đó là mồ hôi, xương máu, sức lực và trí tuệ của nhiều thế hệ phi công, CBNV đã đổ xuống để gây dựng cho ngày hôm nay. Đó chính là động lực thôi thúc để Vietnam Airlines biên soạn nên cuốn kỷ yếu Đoàn bay 919 này.
Cuốn kỷ yếu hào hùng và chân thực
Cuốn kỷ yếu gồm 256 trang với 2 phần chính. Phần một là dòng chảy lịch sử với những thông tin và hình ảnh sự kiện trong hai giai đoạn: giai đoạn tham gia chiến đấu, vận tải quân sự kết hợp phục vụ dân dụng của Đoàn Bay (từ 1959-1989) và giai đoạn khai thác hàng không dân dụng, làm chủ công nghệ khai thác máy bay thế hệ mới (1990-2019). Điểm nhấn của cuốn kỷ yếu là ở phần hai với những câu chuyện của các nhân vật đã tham gia quá trình hình thành, phát triển của Đoàn Bay cùng những câu chuyện về việc đào tạo, ứng dụng công nghệ mới và câu chuyện của các CBNV ở khắp các bộ phận trực thuộc Đoàn bay.
Trong suốt 3 tháng thu thập, trình bày tư liệu, ban biên tập cuốn kỷ yếu đã tìm đến những “nhân chứng sống” để có những câu chuyện, bài học chân thực nhất. Đó là những người đã đồng hành với Đoàn bay 919 ngay từ những ngày đầu như ông Lê Đức Tứ – nguyên Tổng giám đốc Vietnam Airlines, nguyên Đoàn trưởng Đoàn bay 919, ông Phạm Huy Vận – nguyên Phó Đoàn trưởng Đoàn bay 919, ông Trần Hữu Thọ – nguyên phi công Đoàn bay 919. Nhờ sự góp sức của Ban cố vấn, rất nhiều những điều không được ghi chép lại trong sử sách đã được hiện ra đầy chân thực với những cảm xúc từ người trong cuộc.
Những câu chuyện về những sứ giả bầu trời
Xuyên suốt trong những câu chuyện, điều có thể thấy rõ chính là dấu ấn của Đoàn bay với những sự kiện hào hùng của đất nước, với những vị lãnh tụ và những đóng góp cho ngành hàng không dân dụng. Rất nhiều câu chuyện được miêu tả chi tiết với cảm xúc tự hào bao trùm.
Theo chân dòng chảy lịch sử với những cột mốc hào hùng, vẻ vang của dân tộc
Đó là câu chuyện về chiến thắng đầu tiên của trận không đấu không vào năm 1965 qua lời kể của Đại tá Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Ba, nguyên phi công Trung đoàn 919, câu chuyện đi phục vụ phái đoàn tham gia Hội nghị Paris năm 1970 hay câu chuyện của Lữ đoàn 919 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh xuân 1975. Những nỗi niềm của người trong cuộc được khéo léo lồng ghép vào câu chuyện khiến cuốn kỷ yếu không đơn thuần là một cuốn sách lịch sử mà còn là một tuyển tập truyện ngắn với những nhân vật, tình tiết chân thực, sống động.
Đồng hành cùng những lãnh tụ vĩ đại
Đó là câu chuyện về những lần được gặp gỡ các vị lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ tịch Cuba Fidel Castro, chủ tịch Tôn Đức Thắng… Cảm xúc nhất có lẽ là chuyến bay đón Bác Hồ của Đặng Đình Ninh – nguyên Trưởng ban Cơ vụ vào năm 1967. Những suy nghĩ háo hức và hứng khởi của tổ cơ vụ, việc Bác trầm ngâm đọc câu thơ Kiều khi bay qua vùng biển Hà Tĩnh hay việc Bác gửi tặng anh em trong đoàn những bức ảnh kỷ niệm là những điều không phải ai cũng biết nhưng nhờ cuốn kỷ yếu này, người đọc thấy được tấm lòng của Đoàn bay dành cho Bác cũng như tình cảm của Người dành cho họ.
Tự hào với những đóng góp vẻ vang cho ngành
Bên cạnh những câu chuyện về lịch sử, con người, cuốn kỷ yếu còn lồng ghép những câu chuyện về đóng góp của Đoàn bay cho ngành hàng không trong suốt 60 năm qua. Đó là câu chuyện làm chủ công nghệ khai thác máy bay, huấn luyện phi công điều khiển hơn 30 loại máy bay khác nhau trên thế giới, tham gia phục vụ các sự kiện chính trị nóng bỏng như giải cứu lao động Việt Nam tại Libi, thảm họa hạt nhân, sóng thần tại Nhật Bản…. hay góp phần đào tạo nâng tỷ lệ phi công Việt Nam/phi công nước ngoài. Nhận định trong cuốn kỷ yếu, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, nguyên Đoàn trưởng Đoàn bay 919 bồi hồi chia sẻ: “Chúng tôi có chung một niềm tự hào sâu sắc, đó là trong mỗi bước phát triển, đã luôn giữ vững vị trí như những cánh chim đầu đàn, luôn đi tiên phong trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ khai thác máy bay hiện đại ở Việt Nam.”
Hoàn thành tháng 4/2019, kỷ yếu đã trở thành món quà quý dành tặng các vị khách mời, các cựu phi công, CBNV Đoàn Bay trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Đoàn bay. Các bài viết của cuốn sách đã được sử dụng như nguồn tư liệu quan trọng trong chiến dịch truyền thông ra bên ngoài của Vietnam Airlines, được đăng tải trên báo chí, Fanpage. Quan trọng hơn cả, cùng với nhiều hoạt động nội bộ khác, dự án đã tăng thêm niềm tự hào của CBNV Đoàn bay về lịch sử hào hùng của hãng hàng không quốc gia, góp phần giúp các CBNV gắn bó hơn cùng doanh nghiệp.
Kim Oanh
Bài viết liên quan:
Vietnam Airlines: Khi truyền thông nội bộ chung tay nâng tầm dịch vụ
Trang nội bộ Vietnam Airlines “mở cửa” đón bạn đọc
Blue C đào tạo truyền thông thương hiệu cho gần 100 cán bộ Vietnam Airlines