Thời điểm để lãnh đạo bằng mục đích lớn và sự nhân văn

Thời điểm để lãnh đạo bằng mục đích lớn và sự nhân văn

Một doanh nghiệp cần phải theo đuổi mục đích lớn và đặt nhân viên cũng như mối quan hệ con người ở vị trí trung tâm của việc vận hành.

“Chúng ta đo lường sự thành công bằng cách chúng ta chạm vào cuộc sống của mọi người.”
– Bob Chapman, Giá trị của việc xác định các giá trị , 2012

Chỉ vài tuần trước đây, chúng ta đã bước vào một cuộc khủng hoảng không giống như bất cứ điều gì trước đây. Một cuộc khủng hoảng mà khiến mọi hành động mà chúng ta dự tính trước đó cũng phải tạm dừng hoặc thiết lập lại. Một cuộc khủng hoảng bằng một cách tự nhiên khiến tất cả mọi người cảm thấy thất vọng, khó chịu, choáng ngợp, sợ hãi, lo lắng cho bản thân và người khác, và cảm thấy không biết chắc chắn phải làm gì tiếp theo.

Là cựu CEO của Best Buy và trước đó là Carlson, tôi đã có cơ hội cùng thảo luận với các nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp về việc định hướng trong sự không chắc chắn như hiện tại. Tôi đã quan sát rất kỹ các hoạt động và quyết định của nhiều công ty trong bối cảnh đại dịch toàn cầu này.

Tất cả họ đang cố gắng đối phó với một cuộc khủng hoảng mà mỗi ngày đều mang đến vô vàn thách thức, quyết định mới phát sinh. Có nên duy trì mở các cửa hàng, nhà máy, văn phòng làm việc không? Có thể tiếp tục chi trả lương cho nhân viên đến bao giờ?

Câu hỏi mấu chốt mà các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp đang cố gắng giải quyết là làm thế nào để dẫn dắt trong bối cảnh này. Mặc dù bối cảnh này làm tôi nhớ đến những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc Đại Suy thoái vào thời điểm năm 2012 khi tôi là CEO của Best Buy, nhưng cũng không có gợi ý chi tiết nào để làm theo. Nhưng có lẽ có một vài nguyên tắc giống nhau chúng ta có thể áp dụng ngay bây giờ, đó là theo đuổi mục đích lớn, lãnh đạo với tính nhân văn – ví dụ như là đặt con người và khách hàng lên trên hết, coi lợi nhuận là kết quả hơn là mục tiêu.

Chưa đầy một năm trước, tháng 8 năm 2019, rất nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có người kế nhiệm của tôi tại Best Buy, Corie Barry, đã cùng ký Tuyên bố chung về Mục đích lớn của doanh nghiệp. Trong đó, 181 CEO cam kết sẽ dẫn dắt doanh nghiệp vì lợi ích của tất cả các bên liên quan, bao gồm khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, cộng đồng và các nhà đầu tư. Đó là một cách để đáp trả những gì đang diễn ra đối với chủ nghĩa tư bản và những ảnh hưởng của nó lên xã hội của chúng ta.

Hôm nay chính là thời điểm để kiểm chứng những cam kết đó. Ngay bây giờ, mục đích lớn có ý nghĩa quan trọng nhất. Liệu các nhà lãnh đạo có hành động để chứng tỏ những lời nói của họ vào mùa hè năm ngoái là sự thật?

Tôi đã nhìn thấy có những nhà lãnh đạo đã dẫn dắt doanh nghiệp của họ với mục đích lớn một cách đáng kinh ngạc với sự tập trung rõ ràng vào yếu tố con người. Họ thấy rằng cuộc khủng hoảng này là thời điểm quan trọng để họ giúp đỡ người khác. Họ đã dành thời gian với đội ngũ của mình và cùng nhau để làm những điều đúng đắn. Họ hiểu rằng, đây sẽ là thời điểm lý tưởng mà gọi theo thuật ngữ của Churchill chính là “finest hour”. Họ muốn vươn lên lúc này. Với những gì tôi đã chứng kiến, tôi thực sự ấn tượng trước sự nhân văn của họ.

Khi đại dịch là “chất thử” cho sự nhân văn.

Đây đương nhiên là thời gian vô cùng thử thách. Thế nhưng, trong vài ngày qua chúng ta đã chứng kiến những hình mẫu tuyệt vời của các nhà lãnh đạo, những người đã nỗ lực và hành động vì những điều tốt đẹp, và cho chúng ta tin rằng doanh nghiệp cũng là một lực lượng chiến đấu hiệu quả trong cuộc khủng hoảng này.

Những nỗ lực đó bắt đầu từ việc truyền thông rõ ràng, nhất quán và minh bạch với nhân viên về việc hạn chế đi lại, khuyến khích và tạo điều kiện làm việc tại nhà cũng như hủy tất cả các sự kiện, giải thích cho nhân viên hiểu đây là việc chúng ta làm và tại sao chúng ta phải làm việc đó. Ngoài ra, doanh nghiệp còn trả lương cho nhân viên bị ốm hoặc đang phải trông con do trường học đóng cửa. Việc chi trả như vậy ngày càng phổ biến hơn mặc dù tôi hy vọng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ nên bắt đầu nhìn nhận việc trả lương khi họ bị ốm là một phúc lợi cốt lõi để nhân viên không cảm thấy bị bắt buộc phải làm việc khi họ thấy không khỏe. Best Buy đang cung cấp dịch vụ trông trẻ đối với những người cần dịch vụ này tại nhà hoặc tại các trung tâm. Best Buy cũng cung cấp dịch vụ điều trị tâm lý cho nhân viên gặp những rối loạn lo âu trong đại dịch này.

Không thể phủ nhận một thực tế rằng đại dịch này sẽ làm tổn hại đến lợi nhuận của hầu hết các công ty, vì vậy nhiều công ty đang nghĩ về những cách để bảo tồn tiền mặt. Nhiều công ty sẽ phải sa thải nhân viên. Tôi cho rằng đây là cách làm hơi thiển cận. Khi tôi là CEO của Carlson Wagonlit Travel, doanh nghiệp của chúng tôi đã bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc Đại Suy thoái. Suy thoái kinh tế khiến du lịch tổn thất nặng nề kéo theo những hệ quả đối với dịch vụ của Carlson. Sa thải là giải pháp ở nhiều nơi, nhưng nhờ Luật Lao động tại Đức, nhiều quản lý đã quyết định sẽ chỉ giảm giờ làm việc để mọi nhân viên đều có thể giữ công việc của mình. Dù không biết thị trường sẽ mất bao lâu để phục hồi, nhưng Carlson biết rằng giữ người phải là ưu tiên hàng đầu. Và, khi thị trường hồi phục, họ vẫn có đủ nhân lực để phục vụ mà không lo bị “chảy máu” nhân tài.

Đại dịch này thật khủng khiếp, nhưng bản chất sẽ chỉ là tạm thời. Tôi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo, những người đã nhận ra được điều này và bắt đầu với việc giảm lương, giảm thời gian làm việc thay vì sa thải họ. Tôi hy vọng nhiều nhà lãnh đạo sẽ cố gắng áp dụng điều này.

Các công ty cũng đang thể hiện khả năng lãnh đạo thông qua những nỗ lực chăm sóc khách hàng. Một số nhà bán lẻ, bao gồm các cửa hàng tạp hóa và dược phẩm, vẫn tiếp tục mở cửa để cung cấp các mặt hàng thiết yếu. Nhiều công ty đã công bố các điều chỉnh trong hoạt động của mình, chẳng hạn như tăng cường các dịch vụ vệ sinh tại cửa hàng, giảm thời gian làm việc để dọn dẹp cửa hàng, mở thêm khung giờ đặc biệt để ưu tiên những khách hàng dễ bị tổn thương như người già đến mua sắm để đảm bảo sự an toàn của họ. Các nhà bán lẻ khác như Apple, Nike và Ralph Lauren cũng đã quyết định tạm thời đóng cửa các cửa hàng của họ. Đấy là một quyết định khó khăn nhưng một điều tôi có thể chắc chắn là những việc đó sẽ còn được xem xét khi mọi thứ tiến triển tốt hơn.

Tôi cũng chú ý tới các doanh nghiệp đang hỗ trợ cho các nhà cung cấp cho mình. Một số công ty đã bắt đầu giúp các nhà cung cấp, chẳng hạn như Amazon. Doanh nghiệp này đã thành lập một quỹ cứu trợ 5 triệu USD để giúp các doanh nghiệp nhỏ gần trụ sở chính của mình. Các công ty khác cũng đang xem xét danh sách các nhà cung ứng của họ, theo sát tình hình của họ với quan điểm sẽ can thiệp để giúp họ sống sót thời điểm này.

Ngoài ra, một số công ty còn hỗ trợ tích cực cho cộng đồng. Johnson & Johnson Trung Quốc đã cung cấp vốn, vật tư y tế và thiết bị bảo hộ cho các tổ chức đối phó với dịch bệnh. Zoom đã cung cấp quyền truy cập miễn phí cho tất cả các trường K-12 (từ mẫu giáo đến lớp 12) trên cả nước Mỹ. Các thương hiệu thời trang cao cấp như LVMH cũng sản xuất nước rửa tay miễn phí cung cấp cho các bệnh viện công tại Pháp.

Những ví dụ này cho thấy giá trị của Tuyên bố chung về Mục đích lớn của doanh nghiệp và tầm quan trọng của việc dành sự quan tâm tới các bên liên quan. Kinh nghiệm của tôi trong nhiều thập kỷ qua, bao gồm cả thời gian ở Best Buy càng khiến tôi tin rằng một doanh nghiệp cần phải theo đuổi mục đích lớn và đặt nhân viên cũng như mối quan hệ con người ở vị trí trung tâm của việc vận hành.

Niềm tin này đặc biệt liên quan đến thời kỳ khủng hoảng như những gì hiện tại chúng ta trải qua. Đây là thời điểm một công ty được đánh giá không chỉ bởi giá cổ phiếu hay lợi nhuận đầu tư. Đây là thời điểm mà doanh nghiệp được đánh giá qua cách công ty và lãnh đạo phục vụ mọi người như thế nào để hoàn thành mục đích lớn – cụ thể là cách họ thể hiện và đáp ứng các yêu cầu và mong đợi của các bên liên quan.

Cuộc khủng hoảng này mang lại cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cơ hội để dẫn dắt. Khi họ đối mặt với cuộc khủng hoảng này, các nhà lãnh đạo nên tự hỏi rằng: Mình đã dành đủ thời gian để chăm sóc bản thân để trở thành phiên bản tốt nhất khi dẫn dắt người khác? Mình sẽ hành động như thế nào để giúp đỡ những người xung quanh? Làm thế nào để đo hiệu suất của riêng bản thân mình? Mình muốn người khác sẽ nhớ đến cách lãnh đạo họ trong thời gian này ra sao?

Hubert Joly

(Theo HBR, Lược dịch: Kim Oanh)

Bài Viết Liên Quan