Bắt kịp 10 xu hướng thế giới hậu Covid-19
Thay đổi là điều tất yếu để tồn tại và phát triển. Đừng bỏ qua những dự đoán về Một thế giới hậu Covid-19 với 10 xu hướng sau.
1. Tăng cường chú trọng truyền thông
Truyền thông là chìa khóa để kích hoạt tư duy tích cực và bình ổn tâm lý cho nhân viên. Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp đều chú trọng truyền thông bởi nhu cầu thông tin của người dân và nhân viên đều bức thiết.
Theo báo cáo đặc biệt của Edelman Trust Barometer 2020 về Niềm tin và Covid-19, phần lớn những người được khảo sát muốn được cung cấp thông tin hàng ngày về dịch bệnh và mong muốn tổ chức, doanh nghiệp tăng cường cam kết sự đảm bảo về tài chính và các chăm sóc cần thiết. Ngoài ra, nhu cầu đào tạo về Thực tế ảo (VR), Thực tế tăng cường (AR) và truyền thông trong các tổ chức, doanh nghiệp cũng gia tăng đáng kể.
2. Làm việc từ bất cứ đâu trở thành một tiêu chuẩn
Các tổ chức, doanh nghiệp sẽ chạy đua để tạo ra cơ sở hạ tầng và môi trường làm việc dễ dàng từ bất cứ đâu, không chỉ ở nhà. Đây là thời điểm văn phòng tại nhà sẽ bùng nổ. Các nhà lãnh đạo đã biến làm việc tại nhà trở thành một xu hướng được yêu thích, đánh dấu sự thay đổi trong cách tổ chức, trang bị cho nhân viên, đầu tư nhiều hơn cho đào tạo trực tuyến.
Nghiên cứu của Gartner cho thấy, nhu cầu làm việc từ xa sẽ tăng 30% trong 10 năm tới. 64% chuyên gia tin rằng họ có thể làm việc từ xa ở bất cứ đâu. Nhu cầu về không gian văn phòng sẽ sụt giảm vì áp lực chi phí và chính sách giãn cách xã hội. Khái niệm văn phòng chưa đến 2 m2 đã xuất hiện trong các công trình.
3. Nhà là trung tâm và một thế giới Digital First
Đại dịch này đã thúc đẩy chuyển đổi số sớm hơn. Lượt tải xuống các công cụ giao tiếp trực tuyến và nhu cầu học online đang tăng đột biến. Các trường học, cao đẳng và đại học đang chuyển sang mô hình lớp học online và đặt nhiều kỳ vọng vào giáo viên, học sinh phải nâng cao kỹ năng để đón đầu xu thế tất yếu. Các sinh viên cũng xem xét lại kế hoạch du học vì có thể học online ở bất cứ đâu mà vẫn đạt được hiệu quả và an toàn.
Theo báo cáo của Accoji, nhà sẽ là nơi mà mọi kinh nghiệm sống được hình thành và dẫn đến thành công. Đại dịch này cũng đã dạy chúng ta những bài học về bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Nghĩa vụ và trách nhiệm công dân sẽ được coi trọng hơn bao giờ hết. Giãn cách xã hội cũng sẽ dẫn đến việc mọi người đánh giá lại các mối quan hệ khi “bình thường mới” được thiết lập lại.
4. Trải nghiệm và sự hạnh phúc của nhân viên lên ngôi
Căng thẳng và lo lắng đang tác động đến cách nhân viên đối phó với tình hình suy thoái kinh tế hiện tại. Xu hướng tìm kiếm của Google chỉ ra rằng “sự ổn định tinh thần” là điều được tìm kiếm nhiều nhất trong giai đoạn này. Thể chất, tình cảm, tài chính và xã hội là 4 điều thiết yếu mà nhân viên quan tâm.
Các doanh nghiệp cũng sẽ nghiêng về việc tuyển những người có khả năng thích ứng tốt trong môi trường khắc nghiệt và có thể xử lý khủng hoảng tốt.
5. Phân tích dữ liệu và hành động dựa trên sự thấu hiểu tăng lên
Từ cách các quốc gia chống lại đại dịch đến các tổ chức giám sát năng suất của nhân viên, việc khai thác sức mạnh của công nghệ sẽ ngày càng được quan tâm. Bất chấp những rủi ro liên quan đến quyền riêng tư, thế giới vẫn đánh giá cao lợi ích của công nghệ so với những nhược điểm.
Ví dụ: Dữ liệu từ Google Maps cho biết các hành vi di chuyển của mọi người đang phát triển như thế nào trong thời gian cách ly để giúp các chuyên gia y tế cộng đồng và các quan chức chính phủ đưa ra quyết định tốt hơn.
6. Sự chân thực tác động đến danh tiếng
Khách hàng và nhân viên mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp được dẫn dắt bởi tầm nhìn, sứ mệnh lớn hơn và truyền thông một cách chân thực ở giai đoạn này. Sự điều hành, nơi làm việc và quyền công dân là những yếu tố hàng đầu nâng cao uy tín của các thương hiệu. Nhân viên hy vọng các tổ chức, doanh nghiệp sẽ làm những gì cần thiết để chống lại đại dịch ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận.
7. Lãnh đạo bằng sự đồng cảm
Chắc chắn sẽ có sự thay đổi về cách thức lãnh đạo. Niềm tin vào chuyên gia như các nhà khoa học, bác sĩ và chuyên gia y tế sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự ảnh hưởng của CEO sẽ phải lùi lại trong giai đoạn này. Và đây là lúc để lãnh đạo thể hiện sự đồng cảm của mình. Đơn cử như hình mẫu lãnh đạo lý tưởng, Thủ tướng New Zealand – Jacinda Arden, cách mà bà xử lý những ảnh hưởng của Covid-19 tại đất nước mình được ca ngợi vì hướng đi mẫu mực, thể hiện được sự đồng cảm.
8. Tăng cường hợp tác quốc tế
Đại dịch đã chỉ ra rõ ràng rằng đây không phải là một vấn đề địa phương. Mỗi quốc gia trên thế giới đã bị tác động theo cách này hay cách khác. Lòng tốt đã trở nên nổi bật khi các cá nhân và tổ chức hợp tác để giúp đỡ người dân di dời, phân phối thực phẩm, chạy các chiến dịch và chăm sóc cho những người bị ảnh hưởng. Các hành vi hợp tác, làm việc tập thể sẽ có giá trị trong tương lai.
9. Đánh đổi giữa sự kiểm soát và quyền riêng tư
Sẽ có những lo lắng bị xâm phạm quyền riêng tư như khai báo lịch trình cụ thể khi đi du lịch, sự rà soát tại các sân bay, cách ly bắt buộc khi nhập cảnh, thậm chí những lỗ hổng bảo mật trên các phần mềm học trực tuyến như bị lộ, bị tấn công bởi ảnh, video nhạy cảm. Chính vì vậy, sự kiểm soát, giám sát thực tế sẽ tăng lên, bất chấp sự giận dữ từ người dân và nhân viên. Trong tình hình này, sự đánh đổi là thực sự cần thiết để duy trì mọi hoạt động tập thể và giữ an toàn cho mọi người.
10. “Hồi sinh” doanh nghiệp bằng cách bán những ý tưởng mới
Những ý tưởng kinh doanh mới hơn sẽ nảy nở, coi giãn cách xã hội và làm việc từ xa là cơ hội. Xu hướng tìm về cuộc sống thanh đạm, ít xa xỉ sẽ lên ngôi. Trên toàn cầu, các nhà lãnh đạo đã tham gia vào cuộc chiến chống lại đại dịch bằng cách chia sẻ chuyên môn, đóng góp thời gian, công sức và tiền bạc của họ. Theo đuổi sở thích cá nhân sẽ trở nên thịnh hành qua tạp chí, sách, phim ảnh, trò chơi điện tử, các diễn đàn,… Chia sẻ những điều tích cực và hữu ích trong mùa dịch đi kèm với lòng vị tha, tương thân tương ái, dành nhiều quan tâm cho nhóm người yếu thế, thiệt thòi sẽ trở thành xu hướng mới.
Covid-19 sẽ tạo nên một làn sóng thay đổi mới, ảnh hưởng đến hành vi, chuẩn mực xã hội và mô hình công việc của chúng ta trong nhiều năm tới. Để xây dựng các phương pháp mới hơn nhằm khắc phục thông tin sai lệch, bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư cũng như sức khỏe, tinh thần của nhân viên, Stay Strong là giải pháp nhanh chóng cho doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn sẵn có, củng cố sức mạnh, nhanh chóng nắm bắt cơ hội khi bước vào giai đoạn phục hồi.
Thảo Trang
(Theo Intraskope)