Văn hóa không ngừng học tập tại IBM
Với sự đầu tư và chú trọng vào công tác đào tạo, IBM đã khiến việc học không chỉ đơn thuần nhằm đem lại kiến thức cho nhân viên mà còn là một phần văn hóa không thể thiếu.
“Cống hiến vì thành công của khách hàng”
Một trong những giá trị cốt lõi của IBM là “Cống hiến vì thành công của khách hàng”. Giá trị này được IBM vận dụng theo ba hướng. Một là luôn ưu tiên khách hàng lên trên hết. Hai là lắng nghe nhu cầu của họ và cuối cùng là chia sẻ những kiến thức chuyên môn mà IBM biết cho khách hàng.
Các cách thức vận dụng giá trị cốt lõi này đã tác động tới quá trình đào tạo nhân viên trong nội bộ. Bằng việc đẩy mạnh hoạt động học tập trong tổ chức, IBM mong muốn mỗi nhân viên sẽ là những người đồng hành trong hành trình hỗ trợ khách hàng giải quyết những khúc mắc họ gặp phải, đặc biệt khi khách hàng trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ của IBM.
Bên cạnh đó, khi mà các doanh nghiệp đang không ngừng thay đổi và chuyển mình để đáp ứng với bối cảnh kỷ nguyên số, IBM nhận thấy rằng nhân viên đang thiếu đi những kỹ năng mới mà công ty cần để họ hỗ trợ khách hàng. “5 đến 6 năm trước, một nửa khoảng đầu tư của chúng tôi – khoảng 40 tỷ USD – là vào những lĩnh vực mà chúng tôi không hề có kinh nghiệm hay kỹ năng”, Carrie Alteiri – Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của IBM chia sẻ. Khi tiến hành khảo sát kỹ năng nhân viên vào thời điểm đó, chỉ 3 đến 4 trên 10 người có được những kỹ năng mà công ty đang cần.
Quan trọng hơn, IBM cho rằng việc học tập trong tổ chức còn là chìa khóa đem lại sự gắn kết cho nhân viên. Khi được tiến hành khảo sát, những nhân viên có “sếp” được trải qua các lớp đào tạo phát triển kỹ năng quản lý sẽ có xu hướng ở lại tổ chức lâu hơn bởi những quản lý được đào tạo bài bản sẽ biết cách giao tiếp cũng như phân công công việc với cấp dưới hiệu quả – điều mà mỗi nhân viên đều mong muốn trong quá trình làm việc. Những lý do đó đã thúc đẩy IBM đầu tư hơn vào việc đào tạo để trở thành một tổ chức với văn hóa không ngừng học tập.
Khi học tập là văn hóa, không phải là ép buộc
Việc đầu tư của IBM vào công tác đào tạo không chỉ tập trung vào những khoản tiền cho các khóa học mà còn chú trọng vào chất lượng cũng như cách thức để nhân viên chủ động, yêu thích hơn việc học.
Để việc học tập trở nên thú vị và vui vẻ hơn, IBM sử dụng nền tảng Credly – một ứng dụng cung cấp chứng chỉ số. Theo đó, khi hoàn thành một khóa học hoặc thực hành một kỹ năng nào đó, nhân viên sẽ nhận được một huy hiệu số như một hình thức để ghi nhận việc học của họ.
Không gói gọn trong nội bộ, những thành tựu này của nhân viên còn được cho phép đăng tải trên trang LinkedIn cá nhân của họ. Nhờ vậy, khách hàng sẽ dễ dàng tìm đến những nhân viên có kỹ năng, kiến thức giúp ích được cho họ khi nhìn vào những thành tích này.
Cùng với đó, để việc học trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn với nhận viên, IBM thiết kế hệ thống đào tạo thân thiện với nhiều nền tảng, thiết bị số kết hợp với việc ghi nhận nhận xét từ nhân viên. Việc lắng nghe mong muốn từ nhân viên giúp cho các kênh đào tạo của IBM giống như chương trình Netflix thu nhỏ – nơi mà nhân viên, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể học những gì mình thích cũng như dễ dàng học mọi lúc, mọi nơi.
Với IBM, việc học tập không dành cho các nhân viên mới mà còn được áp dụng cho mọi nhân viên không kể cấp độ, kinh nghiệm. Những bạn trẻ cần học để biết về những kiến thức chuyên môn căn bản. Những quản lý lâu năm cũng cần học để luôn cập nhật được những xu hướng mới, đặc biệt là các kỹ năng liên quan đến công nghệ – điều mà bất kỳ IBM-er nào cũng cần biết trước tiên để phục vụ cho công việc của mình.
Bên cạnh đó, như một hình thức để văn hóa học tập được lan tỏa rộng rãi trong nội bộ, IBM xây dựng chính sách tăng lương dựa trên kỹ năng mà nhân viên có được sau quá trình học tập chứ không chỉ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh như trước đây. Với những kiến thức “hot” và dễ dàng thực hành ngay như thuyết trình, truyền thông… IBM khuyến khích nhân viên tham gia các khóa học chuyên sâu này để ứng dụng tốt hơn vào công việc. Với IBM, nhân viên càng tiếp thu nhiều kiến thức, kỹ năng thì càng đem lại nhiều giá trị, lợi ích tốt cho tổ chức cũng như khách hàng.
Kết quả cho những nỗ lực và khoản đầu tư “khủng”
Những nỗ lực của IBM đã đem đến sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc tiếp nhận kiến thức của nhân viên. Với việc bỏ ra nửa tỷ USD mỗi năm cho việc đào tạo, đến nay mỗi nhân viên tại IBM dành ra trung bình 60 giờ để học tập, thậm chí có những cá nhân còn dành thời lượng gấp đôi con số này. Một nửa số nhân viên tại IBM, tương đương với 370.000 người đã nhận được 720.000 huy hiệu số và con số này vẫn không ngừng tăng lên. Quan trọng hơn, với mục tiêu đặt trải nghiệm khách hàng lên hàng đầu, IBM đã đào tạo để hơn 80% lượng nhân viên có kỹ năng thành thạo, góp phần hỗ trợ khách hàng giải quyết những khúc mắc khi phối hợp với IBM. Với IBM, việc học không còn là điều ép buộc mà đã thực sự trở thành văn hóa mà bất kỳ IBM-er nào cũng sẵn sàng thực hành. “Trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp đó là giúp nhân viên của mình được trang bị những kiến thức, kỹ năng tốt nhất để họ có thể giúp ích cho tổ chức cũng như nhu cầu của khách hàng. Bạn cần xây dựng và đầu tư thời gian, tiền bạc cho những chương trình đào tạo. Những chương trình đó nên được thiết kế sao cho việc học trở nên vui vẻ và thú vị nhất có thể. Đó chính là khi mà bạn xây dựng được một văn hóa đặt việc học tập lên trên hết.” – Altieri tự hào chia sẻ.
Kim Oanh
(Theo Forbes)
Bài viết liên quan:
Học cách Crayola “tô màu” cho bức tranh văn hóa
FPT: Đào tạo Tân binh – Trải nghiệm văn hóa theo cách riêng
6 trò chơi giúp định hình văn hóa doanh nghiệp
4 lợi ích từ việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp