Tư duy phát triển trong tổ chức: Chìa khóa để đổi mới văn hóa?
Trước sức ép của cạnh tranh, doanh nghiệp phải đánh giá lại hiện trạng và điều chỉnh văn hóa của tổ chức để phù hợp với bối cảnh chiến lược mới. Tư duy phát triển chính là cách thức để những doanh nghiệp lớn đối phó lại với sự già cỗi, cũ kỹ và thiếu đổi mới, sáng tạo.
Hiểu thế nào về tư duy phát triển trong tổ chức và lợi ích chúng mang lại?
Một cá nhân có tư duy phát triển khi người đó có “niềm tin rằng các khả năng, kỹ năng đều có thể cải thiện và sự phát triển những khả năng, kỹ năng đó sẽ là mục tiêu của họ”.
Tư duy của con người thường biểu lộ rõ mỗi khi phải đối mặt với tình huống mới hay khi gặp trắc trở. Từ đó sẽ có hai trạng thái xảy ra: Người có “tư duy cố định” sẽ nhìn nhận nó như mối đe dọa, sẽ gây ra tổn thương, lo lắng và thường không có khả năng lắng nghe, học hỏi hay đưa ra quyết định hợp lý.
Trong khi đó, những người có tư duy phát triển có thể nhìn mọi thử thách có lăng kính làm chủ, luôn giữ tinh thần phấn khích, hưng phấn, kiên cường trước mọi tình huống và tràn đầy hy vọng. Nguyên do của hai phản ứng trái ngược nhau như vậy là bắt nguồn từ niềm tin của mỗi cá nhân về khả năng học hỏi, tiến bộ của họ cũng như niềm tin rằng sự phát triển là yếu tố tự nhiên trong cuộc sống.
Áp dụng vào với tổ chức, văn hóa khuyến khích tư duy phát triển là văn hóa mà ở đó mọi nhân viên đều được tin tưởng sẽ mang lại giá trị, được khuyến khích phát triển, được công nhận và khen thưởng cho những tiến bộ của họ.
Theo nghiên cứu “Tại sao việc nuôi dưỡng tư duy phát triển trong các tổ chức lại quan trọng” của tổ chức định hình văn hóa Senn Delaney, văn hóa tư duy phát triển trong tổ chức mang lại nhiều lợi ích đáng kể:
- Mức độ tin tưởng tổ chức của nhân viên tăng hơn 47%
- Tinh thần làm chủ và cam kết trong tương lai của nhân viên tăng hơn 34%
- Nhân viên nhận thấy khả năng chấp nhận rủi ro của công ty tăng hơn 65%
Những lợi ích này sẽ là bước đệm quan trọng nhằm kích hoạt quy trình đổi mới. Những nhân viên có tư duy phát triển sẽ không cảm thấy bị động mà trở thành những “chiến binh” cùng đồng hành trong nỗ lực thay đổi này.
Doanh nghiệp có thể xây dựng tư duy phát triển ở nhân viên qua việc đào tạo và khuyến khích một số hành vi nhất định để họ áp dụng vào công việc, cuộc sống hàng ngày. Thay vì quá coi trọng vào sự hoàn hảo hay kết quả cuối cùng, nhân viên cần tạo thói quen luôn giữ suy nghĩ không ngừng phát triển, tiến bộ, sẵn sàng thử nghiệm và học hỏi.
Cách đơn giản nhất là bắt đầu từ việc thay đổi ngôn ngữ giao tiếp trong các cuộc họp hàng ngày. Các cụm từ “chưa” (“Chúng ta chưa thể làm điều này”) hay “nếu” (“Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta nghĩ về nó theo hướng khác?”) sẽ giúp duy trì tư duy phát triển của nhân viên, đẩy lùi nỗi lo lắng, mối đe dọa khi phải đối mặt với các thử thách mới.
Những tổ chức từng thành công trong việc xây dựng văn hóa tư duy phát triển đã chia sẻ rằng: “Hãy đảm bảo rằng hệ thống của bạn kích hoạt các hành vi phù hợp!”
Việc đào tạo nhân viên về tư duy phát triển chỉ là bước khởi đầu. Sau khi đưa ra các khái niệm cơ bản, nhiều doanh nghiệp đã đưa nó vào năm điểm chạm trong quy trình quản lý nhân sự của mình, bắt đầu từ việc Tuyển dụng cho đến giai đoạn Quản trị Hiệu suất và Phát triển Năng lực.
Những thói quen mới là thứ rất dễ mất đi. Đồng thời môi trường làm việc của tổ chức chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến sự thay đổi hành vi đó hoặc thậm chí làm biến mất nó. Vì vậy, tư duy phát triển cần đặc biệt đưa vào tích hợp trong giai đoạn Học tập, Phát triển Lãnh đạo và Quản lý Hiệu suất của hệ thống quản trị nhân sự.
Mỗi doanh nghiệp có quy trình quản trị nhân sự riêng với phương pháp tiếp cận tư duy phát triển khác nhau. Một số công ty sử dụng bộ câu hỏi phỏng vấn hành vi nhằm xác định sự tò mò và mong muốn học hỏi của các ứng viên ngay giai đoạn tuyển dụng. Hay có những nơi thể hiện văn hóa này ngay trong giai đoạn hội nhập bằng cách làm rõ, cung cấp những ví dụ điển hình về lối tư duy phát triển cho nhân viên mới. Ngoài ra, có công ty sẽ thay đổi quy trình đánh giá nhân sự từ việc chỉ tập trung đánh giá hiệu suất sang việc nhấn mạnh về khả năng nhận thức, học hỏi.
Đảm bảo sự tham gia và cam kết của các nhà lãnh đạo cấp cao
Để việc truyền tải, đào tạo cho nhân viên đạt hiệu quả, chính đội ngũ lãnh đạo cần hỗ trợ và tích cực đóng góp các sáng kiến nhằm xây dựng văn hóa tư duy tích cực cho doanh nghiệp. Những lời nói của các nhân vật “cốt cán” ấy sẽ truyền lửa cho sự đổi mới văn hóa, thu hút lực lượng lao động tham gia. Cụm từ “chúng tôi” sẽ tạo nên tiếng nói chung, cùng hòa nhập cho toàn tổ chức. Khi cảm nhận được sự liên kết với đội ngũ lãnh đạo, nhân viên sẽ dễ dàng tiếp thu các đề xuất, ý tưởng của cấp trên hơn.
Tư duy phát triển là một nền tảng quan trọng trong quá trình đổi mới văn hóa của Microsoft. Vị CEO của công ty – Satya Nadella đã châm ngòi cho sự thay đổi đó bằng việc đưa ra trọng tâm mới là phải liên tục học hỏi. Tức là chuyển hướng từ một tổ chức “biết tất cả” sang tổ chức “học hỏi tất cả”.
Để áp dụng tư duy này cho hơn 131.000 nhân viên trên toàn thế giới, họ đã đưa ra một loạt phương pháp khác nhau. Bắt đầu từ việc thu hút các nhà lãnh đạo nói về vai trò của nó, đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức của nhân viên và liên tục đánh giá cách nhân viên áp dụng tư duy phát triển trong tổ chức.
Microsoft coi việc đo lường liên tục là vô giá đối với sự thay đổi văn hóa của họ. Các cuộc khảo sát hàng ngày sẽ giúp thu thập các số liệu chi tiết liên quan đến trải nghiệm của nhân viên về tư duy phát triển như mức độ ưa ghét, khả năng nhận biết, sẵn sàng học hỏi từ thất bại, đồng thời cũng hỗ trợ phát triển khả năng của nhân viên.
Xây dựng văn hóa tư duy phát triển rõ ràng, có chủ đích
Tư duy phát triển sẽ định hướng chiến lược đổi mới văn hóa đi đến thành công. Đây sẽ là động lực thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh các sáng kiến cải tiến, nâng cao chất lượng, thậm chí giúp doanh nghiệp vượt qua các thách thức khởi nghiệp và hỗ trợ tái tạo bộ máy.
Bởi tư duy phát triển là chất xúc tác cho sự chuyển đổi. Mặc dù việc thay đổi có thể khiến nhân viên rơi vào trạng thái e ngại học hỏi nhưng những người có tư duy phát triển sẽ dễ dàng thích nghi trước tình hình đó, khả năng khôi phục, đứng dậy sau những thất bại cao hơn.
Văn hóa tư duy phát triển có thể mang lại nhiều mặt lợi cho mọi tổ chức ở mọi ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Từ hiệu suất nhân viên được cải thiện, việc tổ chức bộ máy trở nên tinh gọn, thúc đẩy văn hóa đổi mới cho đến hỗ trợ nhân viên nhờ trí tuệ nhân tạo, các công nghệ thông minh và đặc biệt sẽ giúp doanh nghiệp định hướng lại chiến lược, mục tiêu và sứ mệnh của mình.
Điển hình nhất là Coca-Cola trong hành trình trở thành một tổ chức học tập. Thời điểm đó, công ty muốn đẩy mạnh kinh doanh, lấn sân sang các thị trường bên ngoài. Họ tập trung đầu tư vào dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để phát triển các sản phẩm, đưa ra quy trình làm việc nhanh hơn, phù hợp hơn.
Ngay từ ban đầu, vị CEO của Coca-Cola đã coi việc xây dựng văn hóa tư duy phát triển là “mảnh ghép” không thể thiếu trong chiến lược phát triển của nhân viên. Họ đã đưa ra định nghĩa “hành vi tăng trưởng” bao gồm tò mò, trao quyền, linh hoạt và hòa nhập.
Phải làm gì khi nhận thấy các biểu hiện của một tư duy cố định?
Niềm tin vững chắc vào việc không ngừng tiến bộ, phát triển và tinh thần sẵn sàng thử nghiệm sẽ giúp rút ngắn khả năng phục hồi, đẩy mạnh động lực nhân viên trước mỗi vấn để tổ chức gặp phải trong quá trình đổi mới. Tuy nhiên, khi có xuất hiện tư duy cố định trong suy nghĩ của bạn hay một thành viên trong nhóm, bạn phải hành động ngay tức khắc.
Đối mặt với lối tư duy cố định: Không thể loại trừ khả năng rằng bạn và người xung quanh có thể có lối tư duy đó bởi đơn giản chúng ta đều là con người.
Đón nhận những thông tin tích cực: Bạn có quyền lựa chọn về việc suy nghĩ khác biệt và tập trung hơn vào sự phát triển của mình. Tuy nhiên, thói quen đều cần thời gian để thay đổi.
Kiên nhẫn với bản thân và người khác: Việc xây dựng thói quen mới cần sự cố gắng trong thời gian dài, không phải chỉ trong một sớm một chiều.
Thay đổi suy nghĩ của bạn: Luôn nhắc nhở bản thân và mọi người xung quanh rằng “Không phải trở nên tốt mà là để tốt đẹp hơn” hoặc “Một trải nghiệm, một cơ hội để sáng tạo” khi gặp phải thử thách khó khăn.
Vân Anh
(Theo Leadership Insiders)