Học thầy Park gắn kết nội bộ để tạo nên điều kỳ diệu cho bóng đá Việt Nam
Tối 15/12 vừa qua, HLV Park Han Seo đã cùng tuyển Việt Nam nâng cao chiếc cúp vô địch AFF, đánh dấu cột mốc một năm chiến lược gia người Hàn Quốc này đồng hành cùng bóng đá Việt Nam và mang về rất nhiều thành tích ấn tượng. Những thành công này đạt được một phần là do ông đã biết cách duy trì kết nối giữa các thành viên trong đội. Nhìn từ góc độ truyền thông nội bộ, chúng ta có thể học được từ ông cách để tạo sự gắn kết giữa các cá nhân trong một đội, nhóm thông qua bốn câu chuyện dưới đây.
“Thái độ hơn trình độ”
Một trong những triết lý cầm quân của ông là “Thái độ hơn trình độ”. Trước khi bàn đến chiến thắng trên sân cỏ, các cầu thủ cần biết cách giao tiếp và “hiểu” nhau. Ông Park chia sẻ, ngoài mặt chuyên môn, tiêu chí tuyển chọn lên tuyển của ông còn bao gồm cả kĩ năng giao tiếp và khả năng hòa đồng.
Góc nhìn Truyền thông nội bộ: Thái độ của nhân viên là rất quan trọng. Một nhân viên giỏi nhưng không có thái độ đúng mực với đồng nghiệp của mình sẽ không nhận được sự tôn trọng của mọi người. Môi trường làm việc cũng từ đó mà trở nên căng thẳng hơn.
Giao tiếp trực tiếp rất quan trọng
Việc nhấn mạnh giao tiếp và kết nối được ông Park thể hiện trong các hoạt động hằng ngày của đội. Đầu tiên, ông yêu cầu toàn đội tập thể dục cùng nhau trước khi ăn sáng, vừa là để khởi động lại các cơ bắp sau một đêm nghỉ ngơi, vừa tạo ra không khí sôi nổi, gắn kết ngay khi bắt đầu ngày mới. Đến bữa ăn, ông cũng yêu cầu toàn đội không được sử dụng điện thoại và phải nói chuyện với nhau. Quy định của ông chặt chẽ đến mức chính ông cũng đôi khi vô tình mắc phải.
Góc nhìn Truyền thông nội bộ: Không khó để nhân viên dễ sa đà vào các thiết bị công nghệ tại nơi làm việc. Tuy nhiên, càn phải nhớ rằng máy móc chỉ là công cụ hỗ trợ, và chính đồng nghiệp mới là những người trực tiếp làm việc cùng mình.
Càng khác biệt càng phải gần nhau
Theo sắp xếp của nhà cầm quân này, những cầu thủ mang tính cách có phần trái ngược sẽ được xếp ở chung một phòng, ví dụ như Quang Hải là người điềm đạm sẽ ở chung phòng với Đức Chinh có phần “nhí nhảnh” hơn. Ông Park cũng đồng thời không xếp những cầu thủ thuộc cùng biên chế một CLB ở chung phòng nhằm tạo môi trường khuyến khích các cầu thủ dành thời gian tìm hiểu, gắn kết với nhau. Duy chỉ có Văn Toàn và Công Phượng tại giải đấu vừa rồi là trường hợp đặc biệt, tuy nhiên hai người rất ít khi đi cùng nhau bởi chính Công Phượng đã chia sẻ: “Toàn với Phượng chơi cùng nhau suốt rồi, lên tuyển dành thời gian chơi cùng các đồng đội khác.”
Góc nhìn Truyền thông nội bộ: Mỗi người trong tổ chức là một tính cách riêng biệt. Để đạt hiệu quả công việc cao nhất, mọi người cần biết cách “dung hòa” cá tính của nhau, và một trong những cách hiệu quả nhất là tạo môi trường cho những cặp tính cách trái ngược nhất làm việc trực tiếp với nhau.
Vai trò của người lãnh đạo
Vai trò của cá nhân HLV Park trong thành công của đội tuyển cũng không thể bị xem nhẹ. Sau mỗi trận thua của đội tuyển, ông đều động viên, khích lệ tinh thần của cả đội và nhấn mạnh toàn đội đã thi đấu hết mình như một tập thể, đó mới là điều quan trọng. Ông cũng không lên tiếng trước truyền thông về sai lầm của bất cứ cá nhân nào dẫn tới những trận thua ấy, và thay vào đó nhận trách nhiệm về mình. Như trong trận thua Hàn Quốc tại bán kết ASIAD, ông nhận trách nhiệm về những sự thay đổi trong đội hình, đồng thời cho rằng trong tình thế không quá thua kém về thế trận, thất bại trước Hàn Quốc là kết quả chấp nhận được.
Góc nhìn Truyền thông nội bộ: Trước những thử thách đến với công ty, lãnh đạo phải là người luôn biết cách động viên tinh thần, sát cánh cùng nhân viên của mình. Nếu có trục trặc xảy ra, không nên vội vàng quy trách nhiệm cho một cá nhân nào mà nên nhận trách nhiệm về mình, với tư cách là người đưa ra quyết định. Điều này giúp củng cố tinh thần của nhân viên vào lãnh đạo và tổ chức của mình hơn.
Như vậy, việc đi hay ở của nhân viên phụ thuộc rất nhiều vào cách ban lãnh đạo gắn kết và duy trì kết nối với họ, cũng như kết nối giữa nhân viên với nhau. Qua giao tiếp, nhân viên những bộ phận khác nhau sẽ hiểu thêm về công việc và của cuộc sống của nhau, từ đó tạo sự gắn bó về mặt cảm xúc. Duy trì kết nối với lãnh đạo cũng khiến nhân viên cảm thấy mình được tôn trọng và bảo vệ quyền lợi khi có sự cố xảy ra. Đây là một trong những yếu tố chính khiến một người quyết định họ sẽ tiếp tục gắn bó với công ty hiện tại hay mạo hiểm ra đi tìm một công việc mới. Sợi dây gắn kết này cũng giúp hạn chế tình trạng chia bè kết phái, hay chỉ đơn thuần là hiểu lầm không đáng có trong nội bộ công ty.
Với một tổ chức, giữ cho tập thể đoàn kết là điều kiện tiên quyết để duy trì, cải thiện chất lượng công việc, đồng thời tạo ra cho nhân viên một lý do để tiếp tục cống hiến và gắn bó cho tổ chức. Đây chính là chìa khóa của thành công.
Nguyễn Anh Tùng
Bài viết liên quan:
Học cách gắn kết nhân viên dịp giáng sinh từ Viettel
Truyền thông nội bộ trong nhà máy và câu chuyện của Tata Steel
Gắn kết và truyền động lực cho nhân viên khi sáp nhập doanh nghiệp