Điều gì khiến một nhân viên giỏi rời bỏ tổ chức?

Điều gì khiến một nhân viên giỏi rời bỏ tổ chức?

Lý do khiến nhân viên giỏi rời tổ chức thường là sự kết hợp của những thứ đè nặng lên tâm trí, theo thời gian tác động đến quyết định nghỉ việc của họ. Những lãnh đạo và các chuyên gia từ các doanh nghiệp lớn sẽ bật mí cho chúng ta 16 lý do phổ biến cho quyết định đó.

1. Lãnh đạo thiếu niềm tin vào nhân viên

“Những người lãnh đạo thiếu niềm tin vào nhân viên sẽ giám sát trên quy mô lớn, liên tục đặt những thắc mắc về quyết định của nhân viên cũng như yêu cầu nhân viên phải có sự phê duyệt của họ thì mới được làm tiếp. Nhưng thường thì những nhân viên giỏi họ sẽ không cần mức độ giám sát “quá đà” này. Thay vào đó, họ hy vọng được làm việc trong môi trường nơi họ được tin tưởng và trao quyền tự quyết. Lãnh đạo thiếu tin tưởng nhân viên thường tạo ra môi trường làm việc nhiều hạn chế, khiến nhân viên mệt mỏi, căng thẳng và không thể làm tốt nhất khả năng bản thân cho phép […] Nếu bạn muốn thu hút và giữ nhân viên giỏi, hãy tin tưởng, hướng dẫn, hỗ trợ và để họ tỏa sáng.”

– Ashley Cox, Chuyên gia phát triển lãnh đạo, Sáng lập viên của SproutHR

2. Không được đánh giá cao hoặc công nhận

“Với 20 năm kinh nghiệm của tôi trong nghề tuyển dụng, lý do chính khiến người giỏi rời đi là do họ không được đánh giá cao. Điều này được thể hiện dưới nhiều hành vi, chẳng hạn như họ được trả lương thấp, họ không nhận được phản hồi tích cực khi hoàn thành tốt công việc, họ bị thất hứa, đặc biệt là những khoản tiền thưởng cuối năm, họ bị phớt lờ những những khiếu nại hợp lệ và những đề xuất thay đổi hợp lý. Khi lãnh đạo mắc phải những sai lầm này cũng là lúc những môi trường làm việc khác nhận ra được sự tiêu cực và sẽ dần thu hút những nhân viên giỏi về với họ.”

– Rich Franklin, Sáng lập viên và CEO của KBC Staffing

“Nhân viên giỏi sẽ rời khỏi một công ty nếu họ không nhận được sự công nhận cho đóng góp của họ và cảm thấy không được đánh giá cao. Không ai muốn tiếp tục làm việc chăm chỉ và mang lại giá trị cho một công ty nếu những nỗ lực của họ bị bỏ qua. Một lời cảm ơn từ quản lý khi họ hoàn thành tốt công việc, cống hiến trong một quãng thời gian dài sẽ giữ chân được họ. Không nhất thiết phải là tiền thưởng, một cuộc trò chuyện riêng tư hoặc tin nhắn email cũng sẽ giúp bạn thể hiện được sự công nhận, nhân viên sẽ biết rằng họ được đánh giá cao.”

– James Feldstein, Chủ tịch của Audio Den

3. Chưa được tôn trọng

“Khi một nhân viên giỏi rời bỏ tổ chức và nói rằng họ ra đi vì không được trả lương tương xứng, đó được hiểu là công ty đang chưa đủ tôn trọng công việc và khả năng của họ để có thể đưa ra mức lương xứng đáng. […]

[…] Hãy nhớ rằng: Không ai rời đi mà không có lý do. Và lý do thường thấy nhất là khi họ không được ai đó trong công ty tôn trọng hoặc sự thiếu tôn trọng đó không được công ty giải quyết triệt để.”

– Samantha R. Strazanac, Sáng lập viên và CEO của Strazanac Solutions

4. Không có cơ hội phát triển, thăng tiến

Các nhân viên giỏi luôn muốn tiếp tục phấn đấu, tiến về phía trước, kiếm thật nhiều hơn nữa, học hỏi nhiều hơn nữa… Nếu họ không được trao cơ hội liên tục để trau dồi, phát triển và học hỏi những điều mới mà họ quan tâm hay không được tăng lương hoặc và cung cấp những phúc lợi để khiến họ cảm thấy thoải mái, họ sẽ tìm nơi khác để phát triển sự nghiệp, nơi mà có thể cung cấp cho họ những điều này. 

– Stephanie Troiano, The Hire Talent

Nhân viên sẽ rời đi khi họ cảm thấy không có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp tại nơi làm việc hiện tại. Nếu họ không biết cơ hội tiếp theo của họ sẽ đến từ đâu, hoặc thấy đồng nghiệp của mình được thăng chức, họ sẽ cảm thấy trì trệ và tìm kiếm cơ hội ở nơi khác. […] Muốn gắn kết nhân viên giỏi, hãy xác định họ, nuôi dưỡng họ và tạo thách thức để họ “có đất trổ tài”.”

– Richard Pummell, Trưởng phòng Nhân sự của DevelopIntellect

5. Cảm thấy không được tận dụng

“Hầu hết các nhân viên tuyệt vời thường rời khỏi một tổ chức bởì họ thường xuyên cảm thấy mình đang không được tận dụng triệt để cũng như không đủ thách thức trong công việc. Các công ty chỉ hy vọng sẽ tuyển được nhân viên giỏi, có thể tự tạo động lực để hoàn thành công việc. Đôi khi các nhà quản lý không cung cấp cho nhân viên sự hỗ trợ mà họ cần.

Những nhân viên tuyệt vời vẫn cần được cấp trên thách thức. Nếu không, họ sẽ khó có thể trở thành nhân viên giỏi nhất họ có thể đạt được. […] Nhân viên sắp sửa nghỉ việc cần phải xem lại mục đích trong công việc của mình, từ đó gắn với mục đích lớn của công ty. Quản lý giỏi cần giúp đỡ nhiệt tình nhân viên trong hành trình đó để họ tiếp tục đồng hành với công ty trong tương lai.”

– Jacob Dayan, Sáng lập viên và CEO Community Tax

6. Người quản lý tồi

“Thật không may, một người quản lý tồi là một trong những lý do phổ biến nhất khiến nhân viên giỏi nghỉ việc. Nếu người quản lý đang “đầu độc” môi trường làm việc thì việc rời đi của nhân viên chỉ là vấn đề thời gian.

Việc quản lý duy trì sự công bằng và chuyên nghiệp là cực kỳ quan trọng. Cảm xúc có thể chi phối, nhưng việc mắng mỏ nhân viên là sai. Nếu có ai nói với bạn rằng quản lý của họ kém chuyên nghiệp, đó là lúc cần nhìn kĩ vấn đề và nhân ra rằng quản lý đang đánh mất nhân viên của mình bởi chính họ.”

– Roxanne Williams, Giám đốc Tiếp thị của Full Stack Talent

7. Cơ chế quản lý kém

“Nếu một tổ chức có cơ chế quản lý kém, trưởng nhóm không biết cách tạo động lực, không chỉ ra hướng đi thích hợp hoặc không đưa ra những phản hồi liên quan, nhân viên sẽ trở nên “lạc lõng”. Điều kéo theo sau đó là sẽ không có một mục tiêu chung để tất cả cùng tuân theo.

Tại Zety, chúng tôi có một hệ thống OKRT (Nhiệm vụ chính-Mục tiêu-Nhiệm vụ) cho phép mỗi nhân viên đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch cho mình phù hợp với mục tiêu của nhóm và mục tiêu chung của tổ chức. Từ đó, chúng tôi có thể nhìn được chúng tôi đang đi đâu, nhìn xa trông rộng hơn và có thể luôn có động lực để đi theo con đường đã vạch sẵn.”

– Piotr Sosnowski, Đồng sáng lập và Phó Chủ tịch của Zety

8. Giao tiếp chưa đúng cách

“Một người quản lý sắc sảo có thể đọc vị được nhân viên, nhìn thấy dấu hiệu bất mãn của nhân viên. Nhân viên nếu không hài lòng cần trao đổi với quản lý, nếu không mọi vấn đề sẽ bị “tắc cứng” và không thể giải quyết. Việc giao tiếp hai chiều như vậy là lúc để họ tìm ra những cơ hội mới để thoát ra khỏi những tình huống bế tắc.”

Richard Pummell, Trưởng phòng Nhân sự của DevelopIntellect

9. Cảm thấy quá căng thẳng hoặc làm việc quá sức

“Có nhiều nhân viên giỏi, họ hăng say làm phần việc của mình và hoàn thành xuất sắc. Làm việc quá sức sẽ phản tác dụng vì nó có thể dẫn đến công việc không đạt hiệu quả. Nếu bạn muốn tăng khối lượng công việc cho nhân viên giỏi, hãy nghĩ về việc tăng lương, trao thưởng cho công việc tốt họ làm. Nếu có một nhân viên xuất sắc, hãy chắc chắn rằng họ nhận được sự đánh giá cao.”

– Andrew Rawson, Giám đốc Đào tạo của Traliant

10. Thiếu sự hỗ trợ

“Nhân viên giỏi thường muốn hoạt động trong môi trường hiệu suất cao. Khi họ cảm thấy đồng nghiệp đang làm họ trì trệ, hoặc quản lý không hỗ trợ, giúp họ phát triển, họ sẽ thất vọng. Khi không có sự hỗ trợ từ nhiều phía, động lực vươn lên không có, họ sẽ sớm đi tìm bến đỗ mới.”

– Richard Pummell, Trưởng phòng Nhân sự của DevelopIntellect

11. Không cân bằng công việc – cuộc sống

“Một trong số những lý do phổ biến thường được cho là sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống. Nhiều người không nhận thức được điều này vì đây là điều đôi khi họ muốn phủ nhận. Các ứng viên đang xem xét văn hóa doanh nghiệp một cách nghiêm túc hơn để biết được liệu họ có phải dành hơn 50 giờ làm việc hay không, có được đi du lịch thoải mới không hoặc có thể sử dụng ngày phép hay không. Mọi người muốn có nhiều thời gian hơn với gia đình và không muốn bị quá kiệt sức. Nhiều công ty khởi nghiệp nổi tiếng là luôn mong đợi nhân viên làm việc không ngừng nghỉ qua các ngày cuối tuần và không có kỳ nghỉ. Thật vô lý khi hy vọng nhân viên sẽ duy trì nó trong thời gian dài.”

– Debbie Winkelbauer, CEO của Surf Search

12. Môi trường làm việc hoặc văn hóa không phù hợp

“Một môi trường làm việc “độc hại” thực sự có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của nhân viên và triển vọng trong công việc của họ. Nó có thể khiến họ đặt câu hỏi về sự cống hiến, giá trị thực sự của mình trong tổ chức. Họ có thể sẽ cảm thấy mình hạnh phúc hơn nếu làm việc ở công ty khác.[…]

[…] Trách nhiệm của lãnh đạo là truyền sự tin tưởng vào các nhóm của mình, khiến mỗi nhân viên tin tưởng vào tài năng của họ, và chắc chắn điều này sẽ đem lại những kết quả khả quan.”

– Frances Geoghegan, CEO của Healing Holidays

“Tôi tin rằng nhiều nhân viên tuyệt vời sẽ chọn nghỉ việc vì văn hóa của công ty.

Thông thường, sẽ có những dấu hiệu cho thấy văn hóa công ty đang trở nên “độc hại”, chẳng hạn như tỷ lệ thôi việc ngày càng tăng, nhân viên không biết sếp của họ (hoặc thậm chí các đồng nghiệp khác) đang làm tốt thế nào, và mọi năng lượng có trong công ty đều trở nên tiêu cực. Những nhân viên giỏi sẽ biết rằng có những công ty khác ngoài kia họ có thể đến mà những điều này sẽ không là vấn đề và họ sẽ được tôn trọng, ghi nhận cho những ý tưởng đưa ra.”

– Dana Case, CEO của MyCorpination.com

13. Thấy nhân viên tốt rời đi

“Có một thực tế rằng, khi các nhân viên trông thấy những người giỏi khác nghỉ việc, họ sẽ cân nhắc lại những cơ hội của mình tại tổ chức. Nếu nhận thấy những bất cập hoặc những điều không hài lòng, họ sẽ dễ quyết định ra đi. Nó như một hiệu ứng domino.[…]

[…] Gạ gẫm hay tô vẽ tương lai cho những nhân viên giỏi muốn rời đi là điều tuyệt đối không nên. Một giải pháp tốt hơn là xác định những nhân sự nòng cốt, những người đang làm “cây cầu” kết nối trong nội bộ, hãy đối xử tốt với họ để họ có thể trở thành người ủng hộ doanh nghiệp và lan tỏa sự gắn kết trong tổ chức.”

– Tim Toterhi, diễn giả TEDx, Sáng lập viên của Plotline Leadership, tác giả của cuốn “Hướng dẫn nhân sự để có được công việc mơ ước” 

14. “Mất kết nối” với giá trị cốt lõi

“Đối với những nhân viên ở các vị trí quản lý cấp cao khác nhau (bao gồm cả CEO), tôi thường dự đoán chính xác ai sẽ gắn bó lâu dài và ai sẽ nhanh chóng rời đi. Không phải dựa trên hiệu suất công việc mà bằng cách xem họ có bắt chuyện với đồng nghiệp trên hành lang không, có tham dự các hoạt động hay các bữa tiệc do công ty tổ chức hay không hoặc đơn giản nhìn xem họ có đang tận hưởng, hòa nhập hay không. Nếu không có sự gắn bó cảm xúc, “bắt sóng” được với các giá trị cốt lõi, không có một  sức hút nào, kể cả về tài chính có thể níu kéo những người giỏi ở lại với tổ chức. “

– Denise Dudley, Sáng lập viên và cựu CEO của SkillPath Seminars.

15. Cơ hội không phù hợp với mục tiêu dài hạn của của nhân viên 

“Một nhân viên giỏi có thể có các mục tiêu dài hạn để làm việc trong một ngành nhất định, hoặc trong một vai trò nhất định. Chẳng hạn như, tôi từng quản lý một nhân viên phụ trách mạng xã hội rất giỏi trong cách sắp xếp công việc, viết tốt, thái độ tích cực, là thành viên trong nhóm cũng rất ổn, nói chung là tôi rất thích làm việc cùng cô ấy. Chúng tôi cứ nghĩ rằng mình đang xây dựng mối quan hệ tốt với cô ấy và không bao giờ nghĩ đến việc cô ấy sẽ nghỉ việc, nhưng sau cùng cô ấy lại nộp đơn. Lý do đưa ra không phải vì bất kỳ sự không hài lòng nào, mà chỉ vì cô ấy mong đợi nhiều hơn vào công việc, kỳ vọng sẽ được làm một công việc thiên hướng marketing truyền thống hơn. Bạn thấy đấy, đôi khi công việc phù hợp mới là yếu tố quyết định tất cả.”

– Kris Hughes, Giám đốc Tiếp thị Nội dung cao cấp của ProjectManager.com

16. Thay đổi trong cuộc sống cá nhân 

“Một trong những lý do ít được nói đến nhất mà nhân viên giỏi bỏ đi là vì mối quan hệ cá nhân. Khi “người thương” của họ nhận được một công việc tốt hơn ở thành phố khác, kéo theo đó, nhân viên giỏi của bạn cũng sẽ tìm kiếm một công việc khác để chuyển đến cùng thành phố với người kia. 

Ngoài ra, hi hữu là trường hợp những nhân viên giỏi này bị vướng vào các mối quan hệ công sở và chịu những áp lực từ người thân của đồng nghiệp. Một số nơi làm việc có các quy tắc không có những mối quan hệ yêu đương, kết hôn với người làm cùng tổ chức. Vì vậy, nhiều nhân viên giỏi có thể sẽ phải chuyển đổi công việc để có thể công khai mối quan hệ.”  

– Alex Robinson, Quản lý Tuyển dụng của Team Building Hero

Thảo Trang

Bài Viết Liên Quan