Radio nội bộ – Làm sao cho hay?

Radio nội bộ – Làm sao cho hay?

Nhắc đến radio, chúng ta dễ nghĩ về những thứ xưa cũ, không còn hợp thời. Thậm chí, nhiều người còn có ấn tượng không mấy hay về “loa phường”. Nhưng, thực tế là hình thức truyền thông “cổ điển” này vẫn có sức sống riêng, đặc biệt đối với truyền thông nội bộ.

IBM Comunity Radio đã trở thành “món ăn tinh thần” quen thuộc của người IBM

Trên thế giới, các doanh nghiệp như IBM, Siemen đã tận dụng hiệu quả kênh radio để gắn kết đội ngũ và là case study để các tổ chức khác học theo. Ở Việt Nam cũng có rất nhiều doanh nghiệp như VPbank, Mường Thanh, PVcomBank, Nhật Cường Mobile… đang tiên phong tận dụng kênh radio truyền thông nội bộ.

Những ưu điểm của radio

  • Dễ thực hiện: để làm một kênh video nội bộ, bạn sẽ cần đầu tư máy quay cùng nhiều thiết bị chuyên dụng, điều kiện ghi hình, MC phải đạt tiêu chuẩn ăn hình, diễn xuất tốt trước ống kính, trang phục, makeup… Với kênh radio, bạn chỉ cần có Biên tập viên/MC với chất giọng tốt, dựng kịch bản nội dung thông tin hay và một phòng thu cách âm tốt là đã thực hiện được dễ dàng.
  • Tiết kiệm chi phí: rõ ràng chi phí xây dựng kênh radio nội bộ sẽ đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với các kênh TTNB khác.
  • Phạm vi truyền thông linh hoạt: Một bản tin radio sẽ được phát ở bất kỳ đâu từ cầu thang, thang máy, nhà xưởng nơi công nhân đang làm việc hay tại các văn phòng…Vì thế, sử dụng radio sẽ là cách lan truyền thông tin linh hoạt với nhiều nhóm nhân viên làm việc ở các môi trường khác nhau.
  • Dễ tiếp nhận thông tin: Nếu như sử dụng báo nội bộ hay video, nhân viên sẽ phải nhìn vào ấn phẩm hoặc màn hình điện thoại hay máy tính mới cập nhật được tin tức thì với radio, người nghe có thể nghe tin đồng thời với làm việc khác mà không ảnh hưởng gì đến khả năng tiếp nhận.

Bạn cần có gì để radio nội bộ thực sự hấp dẫn?

  1. Kịch bản hay: Nội dung thông tin kịp thời, chính xác, đồng thời đảm bảo kịch bản hấp dẫn và đúng nhu cầu của thính giả – chính là các nhân viên trong công ty, từ đó giúp công ty tăng cường gắn kết giữa lãnh đạo với nhân viên và nhân viên.
  2. MC tốt: Khác với kênh truyền hình, trên sóng radio, thính giả sẽ chỉ nghe và cảm nhận mọi nội dung qua giọng nói của MC. Vì vậy, MC cần có giọng nói bắt mic (ấm, phát âm tròn vành rõ chữ) và truyền cảm. Nếu MC truyền hình có thể lấy sắc để át đi phần nào giọng nói và câu từ – thì MC trên phát thanh chỉ có chất giọng và khả năng truyền đạt làm vũ khí duy nhất. Bởi vậy, chất giọng và phong cách nói của MC radio rất quan trọng.
  3. Hệ thống âm thanh tốt: Yếu tố kỹ thuật cũng luôn cần đảm bảo trong mọi bản tin như: chất lượng phát sóng phải to và rõ ràng, không bị rè, không mất tiếng…

KIMP Radio là kênh phát thanh nội bộ của nhân viên Mailchimp, được ra đời từ năm 2015. Đây được coi là nơi thể hiện giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Các gợi ý để thực hiện một kênh radio nội bộ hàng tuần hiệu quả

  1. Thời lượng và kịch bản: Bản tin tối đa 15 phút với bố cục thường thấy bao gồm: Bài hát yêu thích hay Quà tặng âm nhạc; Điểm tin doanh nghiệp trong tuần, Trò chuyện với khách mời hoặc trò chuyện cùng MC về một chủ đề nhân viên quan tâm
  2. Thời gian phát sóng: Trừ những lúc có thông báo gấp, tin khẩn, bạn nên chọn thời gian vào đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều…Đây là lúc công việc của các bộ phận có thể giãn bớt, mọi người sẽ sẵn sàng đón nhận thông tin, sẵn sàng tham gia tương tác hơn với kênh của bạn.
  3. Nhạc hiệu và tên chương trình: Nhạc hiệu ngắn gọn, giai điệu vui vẻ dễ tạo cảm hứng “lắng nghe” và dần dần sẽ trở thành giai điệu quen thuộc với mọi người trong công ty. Và hãy chọn cho kênh tên thật ấn tượng, nêu bật được cá tính, đặc điểm nổi trội của công ty.
  4. Nick name” cho MC: Có thể đặt nickname, biệt danh cho các MC dẫn chương trình để tạo sức sống riêng cho kênh.
  5. Tận dụng mọi nguồn lực trong cơ quan: Rất có thể anh bảo vệ khó tính thường ngày lại là cây văn nghệ sẵn sàng ôm đàn hát live trên sóng, hoặc chị HR viết kịch bản rất hay. Bản thân việc bạn thu hút, lôi kéo mọi người cùng tham gia vào quá trình xây dựng kênh video này cũng chính là một hoạt động truyền thông nội bộ hiệu quả.
  6. Hãy chọn phòng thu phù hợp: Nếu doanh nghiệp bạn có phòng thu – quá đơn giản, nhưng nếu phải đi thu ngoài thì sao? Nên chọn một phòng thu gần cơ quan – để tiện chạy đi chạy lại mỗi khi cần sửa nội dung, thay bài hát…
  7. Thường xuyên làm mới: Thi thoảng có thể làm một tiểu phẩm nhỏ về nội quy, văn hoá công ty hoặc một cuộc thi online để thu hút mọi người cùng tham gia, làm survey định kỳ để biết mọi người muốn nghe gì và điều chỉnh nội dung. Ngoài ra người đọc thường bị thu hút bởi những phần radio trực tiếp. Trò chơi tương tác, dự đoán trên radio cũng là một idea hay để tăng tương tác nội bộ.

Hãy làm sao để người nghe mong ngóng mỗi số radio sắp tới , đó là bạn đã thành công!

Vân Anh Nguyễn

Bài Viết Liên Quan