Đón đầu những xu hướng mới tại nơi làm việc năm 2021

Đón đầu những xu hướng mới tại nơi làm việc năm 2021

Năm mới 2021 sắp tới, doanh nghiệp bạn đã sẵn sàng cập nhật những xu hướng mới nhất tại nơi làm việc để có một năm mới đầy tươi sáng, hứng khởi chưa? Cùng Blue C khám phá, đón đầu những xu hướng mới tại nơi làm việc và thực hiện các chiến lược để đem lại thay đổi tích cực cho doanh nghiệp nhé!

1. Nhân viên mong muốn nhiều hơn từ doanh nghiệp

Sau một năm 2020 trì trệ, giờ đây, nhân viên tin rằng công ty cần có trách nhiệm hỗ trợ một phần để nhân viên vượt qua thời kỳ khó khăn. 

Nhân viên mong muốn lãnh đạo có hành động thiết thực thay vì lời nói: cung cấp giờ làm việc linh hoạt, nơi làm việc an toàn, dịch vụ chăm sóc con cái, hỗ trợ sức khỏe tâm lý,… Những cuộc khảo sát của Workplace Intelligence và UKG đã chỉ ra rằng: ¾ nhân viên có nhu cầu được công ty cung cấp các khóa đào tạo miễn phí, hơn ½ nhân viên đặt sự quan tâm hàng đầu vào sự sạch sẽ tại nơi làm việc…

Vì vậy, nếu muốn đáp ứng nhu cầu và giữ chân nhân viên tài năng, các công ty cần có những chính sách đãi ngộ đa dạng, phù hợp với nhu cầu của nhân viên trong thời kỳ mới.

2. Ứng viên ưu tiên công ty có chính sách đảm bảo an toàn sức khỏe 

Cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng năm nay đã hướng sự quan tâm của mọi nhân viên và người chuẩn bị đi làm vào chính sách đảm bảo an toàn sức khỏe của doanh nghiệp. Trong năm tới, khi người lao động đánh giá một cơ hội việc làm, họ sẽ ưu tiên “sự an toàn của môi trường làm việc” hơn “cơ hội phát triển nghề nghiệp” hay thậm chí là “năng lực của đồng nghiệp tương lai.” 

Nhân viên ưu tiên làm việc cho công ty nơi sức khỏe của họ được đảm bảo.

Các công ty hãy bắt kịp xu hướng trên bằng cách tuân thủ hướng dẫn đảm bảo an toàn của nhà nước và địa phương, giữ nơi làm việc luôn sạch sẽ, duy trì các điều kiện làm việc an toàn, trang bị các thiết bị như máy đo thân nhiệt, công cụ theo dõi tiếp xúc tự động… để có cơ hội cao hơn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. 

3. Cung cấp địa điểm làm việc linh hoạt

Nhiều tháng giãn cách xã hội và gần một năm cấm bay quốc tế đem tới một xu hướng mới cho nơi làm việc được nhiều nhân viên ủng hộ: Có thể linh hoạt làm việc cả ở nhà và ở công ty. Việc có thể làm việc linh hoạt từ mọi nơi vừa giúp nhân viên đảm bảo an toàn và thoải mái, vừa giúp doanh nghiệp duy trì tính cạnh tranh, hợp tác và hiệu quả.

Nghiên cứu của Slack chỉ ra rằng: trung bình hơn 70% nhân viên mong muốn được làm việc linh hoạt tại nhà và công ty, trong khi chỉ có khoảng 10% nhân viên khảo sát lựa chọn một trong hai địa điểm làm việc này. 

Đây được coi là xu hướng mới lạ phá vỡ toàn bộ truyền thống tại nơi làm việc Việt Nam, và nhiều doanh nghiệp có thể thấy khó khăn trong việc kiểm soát nhân viên. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều phần mềm như Sococo, Workplace, Zoom,.. cho phép doanh nghiệp và nhân viên giao tiếp hiệu quả ngay cả khi chỉ đến văn phòng 2, 3 buổi/tuần. Bởi vậy, các doanh nghiệp đừng ngần ngại mà hãy thay đổi và dẫn đầu xu hướng này. 

4. Nhân viên đa dạng – Doanh nghiệp đón chào 

Một yếu tố khác cũng được xem là xu thế mới trong năm tới đó là các công ty sẽ xây dựng chính sách phù hợp về sự đa dạng nhân viên và mở rộng vòng tay đón nhận mọi nhân viên từ mọi vùng miền, sắc tộc. 

Trong “Khảo sát tuyển dụng năm 2020” của The Manifest, 70% ứng viên nói rằng họ muốn làm việc cho một công ty thể hiện cam kết về đa dạng và hòa nhập cho nhân viên. Cùng với đó, ngày càng nhiều nhân viên đòi hỏi một sự thay đổi lớn và công khai xung quanh sự đa dạng, không phân biệt vùng miền và bình đẳng về mọi mặt tại nơi tại nơi làm việc.

Nơi làm việc chấp nhận sự đa dạng hòa nhập là điểm đến yêu thích của nhiều ứng viên.

Doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng này và chú trọng tuyển dụng nhân viên với “background” đa dạng để làm giàu đẹp thêm văn hóa công ty cũng như phát triển những chính sách bình đẳng tại nơi làm việc để xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt nhân viên và công chúng.

5. Chú trọng xây dựng chiến lược chuyển đổi số 

Theo báo cáo “Hiện trạng nơi làm việc số năm  2020” của SMG/Reworked, gần 70% lãnh đạo được khảo sát cảm thấy doanh nghiệp của họ chưa quá chú trọng, chưa có hay thậm chí là không quan tâm về việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số tại nơi làm việc. 

Đó là xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp trong nhiều năm qua, tuy nhiên, trong năm tới, việc xây dựng một kế hoạch và chiến lược hoàn chỉnh, bài bản về chuyển đổi số là xu hướng được quan tâm hàng đầu.

Với sự gia tăng nhu cầu về “văn phòng” trên các nền tảng số, các doanh nghiệp sẽ cần phải có chiến lược và lộ trình cụ thể, phù hợp và chủ động hơn để đảm bảo thành công lâu dài. Điều quan trọng không kém là phân bổ các nguồn lực nội bộ cho việc quản trị, nhằm đảm bảo việc chuyển đổi số luôn là trung tâm trong mọi hoạt động và được cập nhật phù hợp theo thời gian. Đây là một khoản đầu tư cần thiết và hợp lý để hỗ trợ sự phát triển của tổ chức.

6. Mọi nhân viên cần áp dụng các giải pháp số hóa và tự động hóa

Các giải pháp số hóa và tự động hóa đang ngày càng được áp dụng rộng rãi tại các văn phòng làm việc. Tuy nhiên, thay vì dựa vào một hoặc hai người tại trụ sở chính để xử lý các yêu cầu kỹ thuật số, một xu hướng mới đối với các nơi làm việc là mọi nhân viên cần chủ động và tự do hơn trong việc tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số.

Các doanh nghiệp hiện nay cần cung cấp các thiết bị, ứng dụng cho phép mọi nhân viên dễ dàng tạo các tài liệu trực tuyến, sản xuất nội dung trực quan, quyền truy cập đơn giản và cung cấp nội dung được cá nhân hóa để từng nhân viên từ các bộ phận khác nhau có thể dễ dàng theo dõi nội dung họ đã tạo và sửa đổi.

7. Nhân viên làm việc theo ca có cơ hội để “tỏa sáng” 

Trước đây, các doanh nghiệp thường coi nhân viên làm việc theo ca là ít quan trọng cũng như cung cấp cho họ đãi ngộ ít hơn những nhân viên bình thường. Tuy nhiên, xu hướng mới tại nơi làm việc trong năm 2021 sẽ có sự thay đổi. Nhân viên làm việc theo ca sẽ được xem là một phần quan trọng, vô cùng cần thiết cho sự phát triển của công ty. 

Nhân viên làm việc theo ca – Đừng xem nhẹ họ!

Hãy cung cấp cho nhân viên làm việc theo ca chế độ nghỉ ốm có lương, mức lương phù hợp, trợ cấp đi lại, lộ trình tăng lương đáng mơ ước và một số chế độ khác. Điều này giúp gia tăng sự gắn kết của nhân viên với doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy họ làm việc và cống hiến vì lợi ích và sự phát triển của doanh nghiệp.

8. Chú trọng bảo mật dữ liệu và thông tin nhân viên, doanh nghiệp 

Sự phát triển của quá trình chuyển đổi số tại nơi làm việc đồng nghĩa với sự gia tăng những rủi ro về vấn đề bảo mật thông tin: hack tài khoản, lừa đảo qua email, đánh cắp dữ liệu,…

Vì vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh các quy trình bảo mật, bao gồm xác thực hai yếu tố, mã khóa an toàn, phân cấp quyền bảo mật, phổ biến các quy định và lời nhắc thường xuyên tới nhân viên trong công ty về vấn đề cập nhật mật khẩu. 

Một giải pháp để đảm bảo yếu tố bảo mật là mạng nội bộ. Mạng nội bộ cho phép các doanh nghiệp truy cập quyền quản lý với sự kiểm soát chi tiết đối với những vai trò của những nhân viên khác nhau về việc họ có thể và không thể thực hiện trong hệ thống. 

Các công ty cũng nên cẩn thận trong việc cung cấp tài nguyên và các khóa đào tạo cho nhân viên về cách tốt nhất để phòng tránh các rủi ro về dữ liệu và bảo mật. Càng cẩn thận bao nhiêu, các doanh nghiệp sẽ càng tránh được những tổn thất to lớn do mặt trái của số hóa – tự động hóa mang lại.

9. Việc tìm người hơn là người tìm việc

Mất việc làm do Covid-19, cảm thấy không an toàn cùng những áp lực về vấn đề tiền bạc khi sinh sống tại các thành phố lớn đã khiến nhiều nhóm người lao động tri thức phải rời thành phố để về các vùng ngoại ô, gây ra tình trạng “việc tìm người” thay vì “người tìm việc” như trước đây.

Người tìm việc ư? Xưa rồi, 2021 là thời điểm việc tìm người nhé.

Đây là một vấn đề mà các công ty phải đối mặt trong năm tới và cần tìm kiếm giải pháp thích hợp nhanh chóng nếu không muốn rơi vào tình cảnh thiếu nhân lực dẫn đến trì trệ sự phát triển của doanh nghiệp. Hãy nghĩ đến những giải pháp như chính sách làm việc tại nhà, điều chỉnh chế độ lương, cung cấp những khoản tiền thưởng khi nhân viên chuyển công tác,… để giữ chân, thu hút thêm nhiều nhân tài hơn nữa, và thoát khỏi tình trạng khó khăn gây ra bởi vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực.

10. Chú trọng đến đào tạo và trải nghiệm nhân viên

Xu hướng chú trọng đến chương trình đào tạo và phát triển trải nghiệm nhân viên đang được áp dụng tại nhiều công ty, với mong muốn cải thiện chất lượng đội ngũ, gia tăng mức độ gắn kết nhân viên với doanh nghiệp – vốn đang có xu hướng giảm hậu Covid-19.

Để cải thiện trải nghiệm nhân viên, hãy lắng nghe họ nhiều hơn, tổ chức các cuộc khảo sát về điều nhân viên thích hay ghét hoặc điều nhân viên phàn nàn, từ đó lên ý tưởng các chương trình phù hợp đáp ứng nguyện vọng của họ, xây dựng một không gian chung giúp gắn kết mọi nhân viên, mọi phòng ban bất chấp khoảng cách. 

Với đào tạo nhân viên, khi các doanh nghiệp và nhu cầu kinh tế thay đổi, các yêu cầu kỹ năng cần thiết của nhân viên cũng thay đổi theo. Các công ty cần xác định những kỹ năng phù hợp với yêu cầu công việc và đặc trưng doanh nghiệp để tiến hành tuyển dụng nhân sự mới, xây dựng các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của công ty trong hiện tại và tương lai.

Hải Vân

(Tổng hợp)

Bài Viết Liên Quan