5 “bí kíp” giúp câu chuyện doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn

5 “bí kíp” giúp câu chuyện doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn

Kể chuyện là cách hiệu quả nhất để đưa thông tin về lịch sử, văn hóa, tầm nhìn của doanh nghiệp… đến gần hơn tới nhân viên, giúp họ nhận ra giá trị và sự kết nối giữa công việc của mình với sứ mệnh chung của doanh nghiệp. 5 cách dưới đây sẽ giúp bạn viết nên một câu chuyện doanh nghiệp hấp dẫn và truyền tải thông điệp hiệu quả.

  1. Xây dựng cấu trúc câu chuyện

Tất cả các câu chuyện đều được xây dựng với ba phần chính: Mở đầu, Nội dung chính và Kết thúc. Câu chuyện doanh nghiệp cũng tương tự như vậy. Tác giả Kenn Adams đã xây dựng một cấu trúc với tên gọi “Khung xương một câu chuyện” (Story Spine), đã được ngay cả những người viết truyên cho hãng phim nổi tiếng Pixar áp dụng. Theo Kenn Adams, một câu chuyện nên được kể theo mạch truyện như sau:

Ngày xửa ngày xưa…: Giới thiệu bối cảnh và nhân vật.

Mỗi ngày…: Giới thiệu câu chuyện diễn ra thường ngày.

Bỗng một ngày…: Giới thiệu nhân vật chính, tạo ra sự thay đổi mới.

Bởi vì điều đó…: Kết quả của thay đổi.

Cuối cùng…: Nhân vật chính thành công/thất bại với thay đổi đó.

Và kể từ đó…: Một câu chuyện mới được mở ra.

Dựa vào cấu trúc này, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn những ý chính cho câu chuyện doanh nghiệp. Sau khi xây dựng “khung xương”, bạn có thể thêm các chi tiết để câu chuyện ấy trở nên hấp dẫn và mạch lạc hơn.

  1. Lựa chọn nhân vật đặc biệt

Đối với câu chuyện của doanh nghiệp, nhân vật nhắc tới không nên mang tính bao quát như là “công ty”, “doanh nghiệp”… mà nên là một người mà người đọc dễ dàng liên tưởng. Đó là một nhân vật mang tới hơi thở cho câu chuyện hoặc một quan điểm mới lạ.

Trong câu chuyện doanh nghiệp, nhân vật đó thường là người sáng lập. Khi lựa chọn nhân vật, hãy đặt ra các câu hỏi:

– Người đó là ai?

– Công việc của họ trước khi làm việc ở công ty là gì?

– Tầm nhìn hay ý tưởng nào đã làm thay đổi mọi thứ trong công ty?

– Họ biến ý tưởng ấy thành hành động ra sao?

– Họ phải đối mặt với khó khăn nào?

– Họ đã làm gì để chiếm ưu thế?

– Tầm nhìn của họ cho tương lai của công ty là gì?

Bên cạnh đó, đừng quên những nhân vật quan trọng nhất, đó là nhân viên trong công ty. Mỗi nhân viên đều có một câu chuyện riêng. Vì thế, bạn hãy trò chuyện để khai thác câu chuyện thú vị của họ: Họ là ai? Điều gì là động lực của họ? Họ tự hào về điều gì khi làm việc ở công ty?… Những câu chuyện cá nhân như vậy giúp tăng sự kết nối về mặt cảm xúc và khiến nhân viên cảm thấy họ là một phần trong câu chuyện tuyệt vời của công ty.

  1. Tạo ra những chi tiết kịch tính trong câu chuyện

Trong một câu chuyện doanh nghiệp, thông thường bạn sẽ chú trọng tới các mặt tích cực trong sự hình thành, các bước phát triển và định hướng tương lai. Tuy nhiên, nếu bạn muốn câu chuyện trở nên thu hút và để lại dấu ấn hơn, hãy tạo ra điểm nhấn cho câu chuyện ấy.

Đó có thể là thời điểm công ty đối mặt với khó khăn, nhận một phản hồi tiêu cực… Những điểm đi xuống trong câu chuyện giống như một “sự đánh thức”, mở ra một bước ngoặt mới, tạo ra ấn tượng với người đọc. Chia sẻ về các khó khăn và cách công ty đã vượt qua khó khăn ấy giúp câu chuyện của bạn trở nên gần gũi, gắn kết và đáng tin cậy hơn.

Thêm các chi tiết kịch tính trong câu chuyện doanh nghiệp giúp người đọc ghi nhớ và khiến câu chuyện hấp dẫn hơn

  1. Không quên yếu tố cảm xúc

Sự khác biệt cơ bản giữa một câu chuyện hấp dẫn và một câu chuyện nhàm chán chính là yếu tố cảm xúc. Một câu chuyện cảm động có thể vượt qua sự khác biệt về văn hóa, thời gian, địa lý. Nếu câu chuyện doanh nghiệp của bạn “chạm” tới cảm xúc của nhân viên, đó là một câu chuyện thành công.

  1. Đơn giản hóa thông điệp

Thay vì đưa tất cả chi tiết liên quan tới lịch sử, sự kiện, hoạt động… của công ty, toàn bộ câu chuyện của bạn nên tập trung vào một thông điệp duy nhất, thông điệp mà bạn muốn nhân viên của mình ghi nhớ, và loại bỏ mọi chi tiết không hỗ trợ truyền tải thông điệp ấy.

Phương Thảo

(Nguồn tham khảo: Ragan)

Bài Viết Liên Quan