Văn hóa doanh nghiệp qua thành ngữ, tục ngữ

Văn hóa doanh nghiệp qua thành ngữ, tục ngữ

Xét trên bề mặt, văn hoá doanh nghiệp và thành ngữ, tục ngữ tưởng chừng không mấy liên quan. Nhưng nhìn từ góc độ ‘ôn cố tri tân’, những câu thành ngữ, tục ngữ quen thuộc lại mở ra một thế giới của sự kết nối và học hỏi, để từ đó, mang đến những bài học trong việc xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp. Đây cũng là chủ đề được CEO Blue C – ông Lê Quang Vũ chia sẻ tại hội thảo VHDN “Sâu sắc 2023” do cộng đồng ICC tổ chức vừa qua.

Contents

“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” – Văn hóa bản địa và đặc trưng nhân sự

Văn hóa của một doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đất nước, vùng miền mà doanh nghiệp đó hoạt động. Những yếu tố này cũng ảnh hưởng đến tư duy và hành vi của nhân viên. Việc đặt mình vào văn hóa bản địa, hiểu rõ ngôn ngữ, phong tục và lịch sử sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn được cách “làm văn hóa” phù hợp với đặc trưng vùng miền, con người, nhân sự của vùng đất đó.

"Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" - Văn hóa bản địa và đặc trưng nhân sự

“Phép vua thua lệ làng” –  Chấp nhận đa dạng văn hóa nội bộ

Trong cùng một quốc gia sẽ luôn có nhiều vùng đất với những nét văn hóa, tục lệ không giống nhau. Tương tự, trong một tổ chức lớn sẽ tồn tại các “tiểu văn hóa” với những đặc trưng riêng. Các doanh nghiệp cần chấp nhận các vùng văn hóa nhỏ tồn tại bên trong một tổ chức lớn, miễn là không xung đột, không đi ngược với văn hóa chung của doanh nghiệp. Đây cũng là cách để doanh nghiệp tạo dựng một môi trường làm việc hòa nhập và phát triển.

“Tốt rễ bền cây” –  Tầm quan trọng của nền tảng cốt lõi 

VHDN cũng giống như một cái cây, các yếu tố nền tảng chính là rễ cây. Rễ có chắc thì cây mới khỏe; nền tảng cốt lõi có vững thì văn hóa doanh nghiệp mới phát triển, lớn mạnh. Và cũng như bộ rễ nằm sâu dưới lòng đất, các yếu tố nền tảng như niềm tin, ngầm định, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi… tuy không dễ nhìn thấy nhưng lại vô cùng quan trọng, quyết định sự sống trường tồn của tổ chức. Để tạo dựng và nuôi dưỡng VHDN bền vững, cần chăm sóc bộ rễ, tập trung vào việc xây dựng nền tảng cốt lõi mạnh mẽ, khi đó cành mới khỏe, hoa trái mới sum suê.

“Lạt mềm buộc chặt” –  Sức mạnh mềm của văn hóa

Văn hóa vẫn được coi là sức mạnh mềm của tổ chức. Cũng bởi thế, làm văn hoá cần sự mềm mỏng, thấu hiểu, kiên trì và dẻo dai. Nhưng mềm mỏng không có nghĩa là dễ dãi, thiếu quyết đoán; mà là thấu hiểu tâm lý và nhu cầu của nhân viên, sẵn sàng lắng nghe và điều chỉnh để mang lại môi trường làm việc tích cực, khuyến khích sự sáng tạo và đóng góp từ tất cả các thành viên trong tổ chức. 

Lạt mềm buộc chặt - Sức mạnh mềm của văn hoá

“Nguồn đục thì dòng không trong, gốc cong thì cây không thẳng” –  Lãnh đạo làm gương

Văn hóa bắt đầu từ lãnh đạo. Lãnh đạo là người có sức ảnh hưởng trực tiếp tới tổ chức và nhân viên, là người định hướng và dẫn dắt doanh nghiệp phát triển. Nếu lãnh đạo không làm gương, không thực hành và lan tỏa văn hóa, thì khó có thể truyền cảm hứng, thúc đẩy nhân viên “sống” với văn hóa đó. 

“Non sông dễ đổi, bản tính khó dời” –  Thay đổi văn hóa cần đi vào chiều sâu

Thay đổi mindset và hành vi của một cá nhân chưa bao giờ là việc dễ dàng. Trong bối cảnh của VHDN, việc chuyển đổi hoặc tái tạo văn hóa không chỉ đòi hỏi thay đổi bề nổi mà còn đối mặt với thách thức về thay đổi tư tưởng và giá trị cá nhân, đòi hỏi sự thấu hiểu về tâm lý con người. Việc lắng nghe và thấu hiểu giúp tạo ra môi trường thích hợp để nhân viên chấp nhận và hòa nhập với sự thay đổi. Quá trình này mang lại giá trị cho tổ chức, đồng thời tạo cơ hội và lợi ích cho từng cá nhân. Bằng cách đó, doanh nghiệp không chỉ xây dựng văn hoá mạnh mẽ mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và cam kết từ đội ngũ nhân viên.

“Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào” – Văn hóa doanh nghiệp cần có bản sắc riêng

Hành trình làm văn hoá là quá trình khám phá chính bản thân doanh nghiệp, với bản tính và sự phù hợp riêng. Càng quay vào bên trong, đi sâu vào nội tại của tổ chức, doanh nghiệp sẽ thấy chính mình trong mối tương quan với thế giới bên ngoài. Văn hóa không có đúng và sai, nó là sự lựa chọn để phù hợp với đặc trưng của tổ chức. Thế nên mọi sự sao chép văn hóa, bê nguyên xi từ bên ngoài đều trở nên khập khiễng và phản tác dụng. 

"Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào" - Văn hóa doanh nghiệp cần có bản sắc riêng

“Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” –  Sử dụng nguồn lực đúng cách

Một trong những bí quyết của người làm văn hoá và truyền thông nội bộ là sử dụng nguồn lực đúng cách. Áp dụng câu tục ngữ “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” vào việc thực thi VHDN, có thể dễ dàng nhận ra: Với tầm nhìn thì nhờ lãnh đạo, còn lắng nghe thì nhờ nhân viên. Cũng tương tự như câu tục ngữ “Khôn không đến trẻ, khoẻ không đến già”, khi đặt các đối tượng vào đúng vai trò và thế mạnh của mình, người làm văn hóa sẽ tối ưu được nguồn lực và lôi kéo được sự tham gia của tất cả các thành viên trong tổ chức.

“Dục tốc bất đạt” – Làm văn hóa cần thời gian

Trong hành trình xây dựng văn hoá doanh nghiệp, cần nhớ rằng chiến lược luôn có độ trễ so với thực thi, đừng vì chưa thấy thành quả mà dao động. Chúng ta thường đánh giá quá cao những gì làm được trong vòng 1 năm mà quên đi việc nhìn lại những thành quả đã gặt hái trong 10 năm. Sự kiên trì, quyết tâm đi theo con đường đã chọn sẽ là chìa khóa quan trọng để đạt được mục tiêu.

Dục tốc bất đạt - Làm văn hoá cần thời gian

“Kéo giỗ làm chạp” – Lồng ghép văn hóa vào mọi hoạt động

Lồng ghép văn hóa vào mọi hoạt động nội bộ, kể cả hoạt động sản xuất kinh doanh là cách mà người làm VHDN có thể hô biến các hoạt động chuyên môn thành điểm chạm văn hóa, theo kiểu “một công đôi việc”. Cách làm này giúp người làm VHDN tối ưu ngân sách một cách thông minh. Bạn có thể lồng ghép văn hóa vào thông điệp truyền thông, đưa văn hóa vào concept sự kiện, hội nghị, chương trình bán hàng; lồng ghép văn hoá vào nội dung thông cáo báo chí… Việc tận dụng tốt những cơ hội này sẽ giúp lan tỏa và truyền thông cho VHDN không chỉ trong nội bộ mà còn ra bên ngoài. 

“Đông tay hơn hay làm” – Xây dựng văn hóa cần sự tham gia của cả tập thể

Với các hoạt động VHDN, sự ủng hộ, tham gia của tập thể quyết định phần lớn mức độ thành công của sự kiện. Càng nhiều người tham gia vào các hoạt động văn hóa, hiệu quả mà nó mang lại càng cao. Thay vì tập trung vào một vài nhân tố mạnh, hãy trao cơ hội cho số đông. Các thành viên sẽ hỗ trợ và bổ sung cho nhau để mang lại hiệu quả tốt hơn, đồng thời tăng tương tác và gắn kết nội bộ. 

"Đông tay hơn hay làm" - Xây dựng văn hóa cần sự tham gia của cả tập thể

“Đau đẻ còn chờ sáng trăng” –  Ngưng trì hoãn

Trong quá trình thực thi và triển khai các hoạt động văn hóa sẽ có những khó khăn, thách thức nhất định. Tuy nhiên nếu cứ trì hoãn tới khi các điều kiện đều hoàn hảo mới bắt tay vào làm thì chúng ta dễ dàng bỏ lỡ các cơ hội và không đạt được mục đích mong muốn. Hãy cứ làm tốt nhất những thứ mình có thể làm, bởi kết quả sẽ đến chỉ khi chúng ta xắn tay vào việc. Đồng thời, cảm hứng là thứ sẽ chỉ đến trong quá trình làm việc, chứ không phải khi chúng ta mong chờ.

“Đánh trống bỏ dùi” – Làm đúng, làm đủ, làm tròn trách nhiệm

Mượn câu “Đánh trống bỏ dùi” như một lời cảnh báo về trách nhiệm và chất lượng thực thi trong mọi hoạt động xây dựng văn hoá. Cũng giống như người đánh trống làm việc không chu đáo, thiếu trách nhiệm, khiến người nghe không hiểu hiệu lệnh, người làm văn hoá nếu bỏ quy trình, bỏ bước sẽ gây ra sự lệch lạc trong nhận thức nội bộ về VHDN. Khi làm văn hoá cần làm đúng, làm đủ, đảm bảo mọi thành viên đều hiểu rõ và đồng lòng nỗ lực để phát triển VHDN. 

“Dính nhau như sam” – Công thức nội dung SAM

SAM là công thức gắn chặt “như sam” với mọi nội dung hoạt động của VHDN. SAM là viết tắt của Simple (Đơn giản), Actionable (Dễ làm) và Memorable (Nhớ lâu) – 3 tiêu chí định hướng hỗ trợ chúng ta lên kế hoạch cho những ý tưởng, hoạt động VHDN & TTNB. Một hoạt động văn hoá đáp ứng được 3 tiêu chí này luôn có mức độ khả thi cao và để lại ấn tượng cho số đông. 

“Dính nhau như sam" - Công thức nội dung SAM

“Đất lành chim đậu” – Văn hóa giúp giữ chân nhân viên

Trong bối cảnh ngày nay, các doanh nghiệp không chỉ được đánh giá qua sản phẩm và dịch vụ mà họ cung cấp mà còn qua văn hoá tổ chức mà họ xây dựng. Doanh nghiệp với văn hoá đặc sắc giúp tạo ra môi trường làm việc tích cực, thúc đẩy hiệu suất và gia tăng sự gắn kết của nhân viên. Đồng thời, VHDN tích cực còn góp phần vào danh tiếng thương hiệu, thu hút sự chú ý và lòng tin từ cộng đồng kinh doanh và khách hàng.

Ngoài ra, văn hoá doanh nghiệp vững chắc là yếu tố quyết định trong cuộc đua thu hút nhân sự. Một môi trường làm việc tốt và cơ hội phát triển sẽ giúp doanh nghiệp giữ chân và thu hút nhân tài tốt nhất. Cuối cùng, văn hoá doanh nghiệp còn tạo nên lòng tự hào và cam kết từ nhân viên, giúp họ đóng góp tích cực vào sự thành công chung.

Thục Anh

Bài Viết Liên Quan