Sử dụng Video trong truyền thông nội bộ – Câu chuyện từ Clark
Trước những sự thay đổi lớn của công ty, mỗi nhân viên cần nắm rõ phương hướng, chiến lược phát triển để công ty đạt được hiệu quả công việc cao nhất. Năm 2015, Clarks – Nhà sản xuất và bán lẻ giày tại Anh, đã chuyển mình định hướng trở thành thương hiệu toàn cầu. Hãy cùng tìm hiểu cách mà Clarks đã kể câu chuyện này với nhân viên của mình như thế nào.
Sau khi tái cấu trúc doanh nghiệp, Clarks đặt ra một chiến lược từ 5-10 năm nhằm trở thành thương hiệu toàn cầu. Tuy vậy, phần lớn nhân viên Clarks chưa hiểu được thế nào là một thương hiệu toàn cầu, cũng như vai trò của họ là gì trong chiến lược ấy. Do đó, Clarks cần một chiến dịch truyền cảm hứng và thể hiện được tinh thần tập thể của cộng đồng nhân viên, từ đó kích thích công chúng trên toàn cầu bàn về thương hiệu. Sarah Purdie – Giám đốc truyền thông nội bộ của Clarks đã chia sẻ về chiến dịch này.
Là một công ty thành lập tại Anh, Clarks hiện có trên 15.000 nhân viên làm việc tại hơn 75 nước, với doanh thu ước tính khoảng 1.5 tỉ bảng Anh mỗi năm. Năm 2012, Clarks đã tiến hành tái cấu trúc, kết nối công việc kinh doanh của họ ở các khu vực trên thế giới lại gần nhau. Động thái này nhằm xây dựng hình ảnh của Clark như một thương hiệu toàn cầu và được cụ thể hóa bằng kế hoạch 5-10 năm.
Xây dựng thương hiệu toàn cầu là một mục tiêu tham vọng. Không đơn giản chỉ là thương hiệu có mặt ở mọi nơi, một thương hiệu toàn cầu cần mang đến trải nghiệm thật sự mạnh mẽ, khác biệt nhưng vẫn đồng nhất ở mọi nơi. Và để thực hiện được điều này, Purdie đã hướng tới yếu tố con người.
Thương hiệu nên được xây dựng từ bên trong. Purdie đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ trong nội bộ Clarks, tìm hiểu xem mọi người nghĩ gì về công ty, về tham vọng xây dựng thương hiệu toàn cầu của công ty và về vai trò của truyền thông nội bộ trong việc theo đuổi tham vọng đấy. 60% người được hỏi đã cho rằng họ chưa thật sự hiểu định nghĩa về thương hiệu toàn cầu.
Purdie cần thay đổi điều này. Cô nghĩ rằng cần một đoạn phim kể về câu chuyện đầy cảm hứng, đáng nhớ, dễ lan truyền, từ đó khơi dậy lòng tự hào về Clarks cũng như về chặng đường lịch sử của Clarks và thể hiện tính “toàn cầu” của thương hiệu. Một nhân viên ở Bắc Kinh cần hiểu được rằng họ còn có những đồng nghiệp ở Thượng Hải, New York và Boston cùng nỗ lực đạt được một mục đích chung. Họ cần hiểu được mỗi người trong số họ đều góp phần không nhỏ vào thành công chung của công ty. Và giải pháp cô đưa ra là một bộ phim ngắn “tạo nên bởi những con người của Clarks và dành cho những con người của Clarks.”
Một đội ngũ khoảng 30 người đã được thành lập, họ sẽ dựng nên những vật thể hiện câu chuyện mà Clarks muốn truyền tải. Đây đều là những người hiểu rõ văn hóa Clarks nhất, vì vậy quá trình lên ý tưởng, thiết kế, viết lời thoại… diễn ra khá suôn sẻ. Mọi người ghép ảnh, xếp giấy, xếp bìa, vẽ thiết kế… kể lại câu chuyện về lịch sử của công ty, về những giá trị mà công ty hướng tới và về những con người tuyệt vời đã tạo nên thành tựu chung ấy. Đặc biệt, video đã nhấn mạnh giá trị của mỗi con người trong tập thể Clarks, dù màu da, giọng nói, xuất xứ khác nhau nhưng đều là những mắt xích quan trọng làm nên thành công của cả công ty. Mất khoảng hai ngày cho việc quay, hai ngày cho việc thu âm và thêm vài tuần dựng phim, chọn nhạc, bộ phim ngắn đã ra đời.
Video được truyền đến các nhân viên của Clarks thông qua kênh mạng nội bộ. Với những nhân viên của cửa hàng bán lẻ không truy cập được vào mạng này, video được chuyển thành dạng DVD để họ có thể xem bằng tivi và đầu đĩa như những tài liệu hướng dẫn thông thường khác. Tại quê nhà Anh, video cũng được trình chiếu tại buổi họp kick-off mỗi mùa.
Kết quả thu lại được từ chiến dịch là rất ấn tượng. Đoạn video này đã đạt được hiệu quả rất tốt trong nội bộ Clarks. 92% sau khi xem xong cảm thấy tự hào về công ty, 87% cho rằng video này cần được trình chiếu cho tất cả các nhân viên mới của Clarks, và 90% nhận xét đây là cách làm hiệu quả để truyền tải chiến lược công ty đến từng nhân viên.
Một vài nhận xét ngắn có thể kể đến như: “Đây là công cụ truyền tải hứng thú vị, giúp tạo bối cảnh khi các mục tiêu của công ty được truyền tải đến các thành viên”, “Đoạn phim giúp tôi cảm thấy mình là một phần của cái gì đó to lớn, thú vị và tiếp thêm động lực cho tôi. Thật tuyệt khi biết rằng chúng ta đều đang nỗ lực để hướng tới một tầm nhìn, một tương lai tươi sáng phía trước.”; “Đoạn video rất cảm động. Nó thật tuyệt vời. Tôi thích cách mà nó tập trung vào yếu tố con người của công ty, khi đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới cùng nói về một mục đích chung.”
Với chiến dịch này, Clarks đã lọt vào top 8 case study về truyền thông nội bộ ấn tượng năm 2015, được bình chọn bởi Synergy của Anh. Như vậy, chúng ta có thể thấy video mang lại tác động rất rõ rệt trong truyền thông nội bộ. Có được điều này bởi video là một công cụ có tính hiệu quả cao, truyền đạt được ý tưởng trong thời gian ngắn hơn rất nhiều so với các hình thức khác như văn bản hay email. Video dễ làm, dễ chia sẻ, có thể đăng tải lên nhiều nền tảng như Youtube, Facebook… nhằm tăng khả năng tiếp cận. Quan trọng nhất, video có muôn vàn cách biến hóa sáng tạo, vừa giúp người thực hiện thể hiện được cái tôi của mình, vừa khiến thông điệp truyền đi trở nên dễ hiểu nhất có thể.
Công nghệ ngày càng phát triển, truyền thông nội bộ ngày càng có trong tay nhiều công cụ để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Và video chắc chắn là một công cụ không thể bị xem nhẹ và bỏ qua.
Hãy cùng xem lại clip ý nghĩa của Clarks nhé:
Nguyễn Anh Tùng
Bài viết liên quan:
HSBC NOW đã vực dậy tinh thần của người HSBC như thế nào?
Vietnam Airlines: Khi truyền thông nội bộ chung tay nâng tầm dịch vụ