Khơi dậy niềm tự hào thương hiệu của nhân viên
Trong thế giới kết nối như ngày nay, nhân viên không thể trở thành những con robot vô cảm, vác cơ thể “ủ rũ” đi làm. Thay vào đó, họ cần phải là người làm chủ công việc, thể hiện niềm tự hào về thương hiệu như qua việc khoe những “chiến tích” xuất sắc, những dự án mới ra mắt.
Hiểu như nào về niềm tự hào thương hiệu của nhân viên?
Trong một buổi webinar của Poppulo về vấn đề quản lý trải nghiệm của nhân viên, Ananya Roy đến từ Tập đoàn Human Factors International đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc nhân viên tìm thấy ý nghĩa công việc của họ và cách những người làm truyền thông nội bộ thực hiện điều đó. Để minh họa cho tư duy khác biệt của một nhân viên tự hào, Roy đã chia sẻ hai ví dụ thú vị về đặc điểm của họ.
Đầu tiên, đó là hình ảnh của một người nhân viên sản xuất tại một công ty chuyên về linh kiện chăm sóc sức khỏe. Anh ấy bắt gặp một tấm biển quảng cáo trên đường về nhà với hình ảnh thiết bị anh ấy tạo đã cứu sống người khác như thế nào. Dù đối tượng của tấm quảng cáo hướng đến không phải người nhân viên đó nhưng chúng vẫn như lời nhắc nhở anh ấy về giá trị thực của công việc mà anh ta làm.
Một minh họa khác đối với những công việc không trực tiếp liên quan đến cứu sống con người là nhân viên tại trung tâm phân phối của siêu thị. Hàng ngày, cô ấy sẽ nhận công việc tự động từ tai nghe kích hoạt bằng giọng nói thay vì từ những người sếp, người lãnh đạo. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào công việc như vậy vừa giúp đẩy mạnh tinh thần làm chủ của cô ấy, vừa tạo sự kết nối hơn giữa nhân viên với công việc.
Câu chuyện trên mà Roy chia sẻ là một vài minh chứng cho thấy niềm tự hào của nhân viên tùy thuộc vào mỗi người và mỗi vấn đề mà họ quan tâm. Tổ chức hoàn toàn có thể thay đổi quan điểm của họ, tạo động lực làm việc mỗi ngày nếu như tìm ra được điều quan trọng đối với nhân viên của mình.
Làm gì để nhân viên tự hào về thương hiệu doanh nghiệp?
Thấu hiểu chân dung nhân viên
Ngày càng nhiều doanh nghiệp chú trọng và đề cập đến giá trị của việc thấu hiểu và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Roy gợi ý rằng chúng cũng có thể áp dụng tương tự với trải nghiệm nhân viên trong tổ chức.
Đầu tiên, doanh nghiệp cần ưu tiên tìm hiểu nhân viên của mình. Roy chia sẻ: “Truyền thông nội bộ phải trở thành nguồn cung cấp kiến thức nền tảng về chính đối tượng mục tiêu của nó: là các nhân viên. Tức là cần phải lắng nghe nhân viên và nhu cầu của họ.”
Cô ấy cũng đưa ra lời khuyên rằng cần bắt đầu từ việc thu thập mọi chi tiết, dữ liệu của nhân viên bao gồm từ hồ sơ nhân sự đến việc trao đổi với cấp quản lý ở các bộ phận để nắm rõ công việc của nhân viên hàng ngày.
Tương tự như trong trải nghiệm khách hàng, việc “phân khúc” nhân viên thành các nhóm đối tượng khác nhau dựa trên hành vi, động lực, cảm xúc, sở thích và giá trị sẽ giúp tổ chức tiếp cận và thấu hiểu được từng nhóm người, từng đối tượng.
Lắng nghe vấn đề của nhân viên
Bên cạnh các câu hỏi cơ bản liên quan đến con người và công việc, chúng ta còn phải tập trung hơn đến tâm lý sâu thẳm như những khoảnh khắc ý nghĩa, những điều tạo động lực cho nhân viên hay những vấn đề họ quan tâm.
Trước tiên, doanh nghiệp cần phải hiểu nhân viên đặt kỳ vọng gì ở tổ chức, vai trò của họ ra sao và tổ chức đã làm gì để hỗ trợ những kỳ vọng đó. Có bất kỳ khoảng cách nào giữa kỳ vọng và thực tế cũng sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận của nhân viên về công việc và về cái nhìn của doanh nghiệp đối với họ.
Hơn nữa, mối gắn kết với công việc về 3 mức độ: lý trí, cảm xúc và xã hội cũng là yếu tố cần đánh giá. Thứ nhất là khách quan nhìn nhận vấn đề tài chính, sự phát triển hay sự nghiệp. Sau đó là đến đánh giá mức độ về mặt tình cảm, cảm xúc, sự thích thú của nhân viên đối với công việc. Và cuối cùng là xét theo khía cạnh xã hội, thể hiện sự liên kết giữa các công việc, nhiệm vụ, sự phản hồi, giao tiếp, các cơ hội cũng như sự hỗ trợ từ đồng nghiệp. Từ các đánh giá mức độ trải nghiệm của nhân viên, tổ chức sẽ biết được cần ưu tiên nỗ lực thay đổi theo hướng nào để thắt chặt sự gắn kết công việc của họ.
Sử dụng những câu chuyện
Nếu như việc lắng nghe nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp thấu hiểu được quan điểm, những khoảnh khắc ý nghĩa, khó khăn của nhân viên thì kể chuyện là cách mang đến một cái nhìn vừa bao quát, vừa xuyên suốt mọi hoạt động nội bộ của doanh nghiệp.
Các câu chuyện chính là công cụ xây dựng sự gắn kết giữa nội bộ tổ chức, giữa những phòng ban, nhóm cộng đồng và kết nối các ý tưởng, sáng kiến với nhau. Truyền thông nội bộ thông qua các câu chuyện sẽ tạo ra những trải nghiệm lý tưởng cho nhân viên, kết nối các điểm chạm để tạo nên hành trình đó. Ví dụ như có thể kết nối giữa các chiến lược của công ty với những nhiệm vụ hàng ngày của nhân viên hay giữa dịch vụ chăm sóc khách hàng với các khách hàng. Đó chính là cách giúp duy trì các giá trị, cam kết và những điều mang lại ý nghĩa mà những con người của doanh nghiệp đang tạo nên.
Vân Anh
(Theo Poppulo)