American Airlines: Khi nhân viên muốn biết vì sao lại thế
Thay vì lựa chọn các kênh truyền thông nội bộ truyền thống như email, fanpage hay trang tin nội bộ, hãng hàng không American Airlines đã sử dụng podcast có tên “Tell Me Why” làm công cụ giao tiếp với nhân viên của mình.
“Trong số podcast ngày hôm nay, chúng ta sẽ trao đổi về lý do vì sao American Airlines quyết định đặt mua 50 máy bay Airbus A321XLR – một máy bay thân hẹp mới có thể bay tới hơn 4,700 hải lý…”, Ron DeFeo – phó chủ tịch truyền thông của American Airlines mở đầu cho podcast “Tell My Why” số ngày 19/6/2019. Đó là một trong số gần 70 podcast được phát hành của hãng bay này, đến nay, “Tell Me Why” đã trở thành một kênh truyền thông quen thuộc của các nhân viên nhà American Airlines.
Bắt đầu mở màn với số đầu tiên từ tháng 1 năm 2018, “Tell Me Why” được lựa chọn để là một phương tiện giúp nhân viên hiểu rõ hơn về các quyết định của công ty chẳng hạn như vì sao cần mở thêm hoặc cắt giảm một đường bay hay lý do hành khách không được mang một số loại động vật lên tàu bay. Mỗi đoạn podcast sẽ có thời lượng trung bình từ 5 – 10 phút và được đăng tải định kỳ mỗi tuần qua trang portal Jetnet. Ngoài ra, hãng bay này cũng công khai các podcast này qua các trang chia sẻ nhạc như iTunes, Soundcloud…
Truyền thông nội bộ bằng podcast
Qua khảo sát của gần 42,000 nhân viên, American Airlines nhận thấy, 55% trong số họ cho rằng họ đang không nắm rõ về các mục tiêu cũng như mục đích đằng sau các quyết định của nơi họ đang làm việc. Bên cạnh đó, với đặc thù công việc không thể thường xuyên truy cập mạng, các nhân viên tại American Airlines sẽ khó có thể cập nhật liên tục các tin tức của tổ chức qua các bảng tin hay video online. Không chỉ vậy, nhiều nhân viên cho rằng việc hằng ngày phải nhận rất nhiều những email hoặc thông báo cập nhật những thông tin về công ty khiến họ cảm thấy stress vì độ tiếp nhận dày đặc. Điều đó đã thôi thúc American Airlines thay đổi cách truyền tải theo hướng mới và thân thiện với nhân viên để họ có thể coi việc cập nhật các thông báo, chính sách hoạt động của công ty trở thành một hình thức giải trí, bớt áp lực hơn.
Để đi đến quyết định sử dụng podcast làm kênh truyền thông nội bộ, hãng bay này đã nghiên cứu và nhận thấy những lợi ích mà chúng có thể đem lại cho doanh nghiệp:
– Dễ dàng khởi tạo với mức chi phí hợp lý: việc thu âm một bản tin podcast không quá khó để thực hiện. Với sự hỗ trợ của các phần mềm, doanh nghiệp có thể tự chuẩn bị các đạo cụ dễ tìm như micro, bộ thu hoặc thậm chí một chiếc điện thoại để thu âm. Để chất lượng âm thanh tốt hơn, doanh nghiệp có thể tự mở một phòng thu ở ngay chính trụ sở của mình, với mức chi phí khoảng 5,000 USD, nếu so với việc lập và vận hành một website nội bộ hoặc thuê dựng video thì chi phí này sẽ khá phù hợp.
– Dễ dàng phân phối: các bản thu podcast thường được định dạng dưới các tệp tin mà hầu hết các nền tảng truyền thông nội bộ có thể sử dụng được (ví dụ như .mp3, .wav). Các tệp tin này khi tải xuống cũng nhẹ và nhanh chóng hơn so với các đoạn video.
– Thu hút được quan tâm của nhân viên hơn: với hơn 130,000 nhân viên, một kênh podcast nội bộ sẽ là kênh thông tin với nội dung ngắn gọn, dễ “hấp thụ”, xác thực và kịp thời hơn so với các phương tiện truyền thông mạng xã hội khác.
“Tell Me Why” cung cấp những thông tin gì?
Qua việc phổ biến các chính sách cũng như lý giải về các quyết định được đưa ra, hãng hàng không của Mỹ mong muốn nhân viên sẽ là những người đầu tiên và hiểu rõ nhất về doanh nghiệp, đồng thời xây dựng văn hóa qua việc chia sẻ những câu chuyện về niềm tin, các giá trị cốt lõi theo cách gần gũi nhất.
Ngoài ra, nội dung của podcast cũng đa dạng hơn với những bài phân tích hoặc hướng dẫn các kỹ năng cần có cho nhân viên. Đối với những nhân viên mới chưa được định hướng hoặc đang không tìm ra được ý tưởng mới trong công việc, “Tell My Why” sẽ đưa ra những lời khuyên từ những việc thường ngày như hướng dẫn để nhân viên chọn màu đồng phục mới cho đến những chia sẻ sâu hơn như cách các phòng, ban vận hành mỗi ngày.
Những lợi ích khi công khai kênh podcast nội bộ
Sau một thời gian sử dụng nội bộ trên trang portal nội bộ, American Airlines sau đó đã quyết định công khai các podcast “Tell Me Why” qua các trang chia sẻ nhạc như iTunes và Soundcloud. Đây có thể coi là một động thái khá mạo hiểm của doanh nghiệp này bởi lẽ, việc công khai những thông tin quan trọng, nhạy cảm cần truyền thông cho nhân viên có thể dẫn đến những tin tức trái chiều, dễ gây tranh cãi trong công chúng.
Song, lý giải cho hành động của mình, Ron DeFeo cho biết: “Những thứ gọi là truyền thông nội bộ đã không còn nữa” bởi lẽ American Airlines biết rằng, ngay cả khi giới hạn các thông tin này thì rất dễ xảy ra việc rò rỉ. Điều này sẽ hạn chế việc các tin tức có thể bị thêu dệt không chính xác cũng như việc các nhân viên, khách hàng, đối tác của American Airlines bị “dắt mũi” bởi những tin tức này và trở thành những người “đọc” thiếu tỉnh táo.
Bên cạnh đó, một lợi ích của việc công khai kênh podcast nội bộ đó là giúp thương hiệu của doanh nghiệp trở nên thu hút hơn. Thông qua những tin tức về các chính sách cập nhật mới nhất hay những câu chuyện về những nhân viên hoặc phong cách làm việc, hình ảnh cũng như tiếng tăm về các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp sẽ được biết đến nhiều hơn, góp phần tạo ấn tượng tốt về thương hiệu doanh nghiệp với bên ngoài.
Tựu chung lại, mô hình kênh truyền thông qua podcast của American Airlines là một cách thức mà các doanh nghiệp hàng không nói riêng cũng như các tổ chức đang trong quá trình phát triển văn hóa doanh nghiệp nói chung nên học tập. Bên cạnh đó, việc công khai kênh nội bộ nếu thực hiện một cách cởi mở, hiệu quả sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh, tạo sự gắn kết với người tiêu dùng cũng như tạo kênh giao tiếp hữu hiệu với nhân viên và khách hàng.
Kim Oanh
Bài viết liên quan:
Công khai kênh truyền thông nội bộ – Nên hay không nên?
Những kênh truyền thông độc đáo có thể bạn chưa nghĩ tới
Làm thế nào để phá vỡ các “Silo” trong tổ chức?