Truyền thông nội bộ: Đâu chỉ giúp doanh nghiệp “mạnh bên trong”
Truyền thông nội bộ (TTNB) đã vượt ra khỏi phạm vi nội bộ, trở thành bệ phóng vững chắc cho truyền thông bên ngoài của doanh nghiệp như thế nào? Mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của Blue C để tìm ra câu trả lời.
Lãnh đạo – bộ mặt của mỗi doanh nghiệp
Richard Branson là một trong số ít các nhà lãnh đạo luôn gắn hình ảnh của mình với doanh nghiệp, coi việc xây dựng thương hiệu cá nhân cũng là xây dựng hình ảnh thương hiệu cho tập đoàn. Thay vì bỏ hàng núi tiền vào việc thuê công ty quảng cáo, ông đã chủ động xuất hiện trước công chúng theo những cách ấn tượng nhất để khiến họ phải chú ý đến mình. Khó ai có thể quên được vị tỷ phú “phóng khoáng”, nhảy xuống ở độ cao 407 ft (tương đương 124 m) từ tầng thượng sòng bạc Palm Las Vegas để kỷ niệm lễ khai trương Virgin America năm 2007 hay hóa trang thành vũ công Ấn Độ và nhảy cùng các nghệ sĩ khi Virgin khai trương dịch vụ bay mới ở nước này năm 2012. Đây không hẳn chỉ là “chiêu trò truyền thông” mà còn là những chiến lược xây dựng hình ảnh lãnh đạo vô cùng khác biệt của tỷ phú người Anh. Ông muốn truyền đi cảm hứng sáng tạo, dám nghĩ khác – làm khác và không ngại thử thách bản thân với những điều mới mẻ không chỉ cho công chúng mà trước hết là ngay với nhân viên của mình.
Thương hiệu của Richard Branson và tập đoàn Virgin chỉ là một ví dụ điển hình cho quan điểm hình ảnh lãnh đạo tích cực sẽ tăng độ nhận diện, tăng uy tín cho thương hiệu. Trên thực tế, rất nhiều lãnh đạo danh tiếng khác cũng đã gắn liền hình ảnh của mình với doanh nghiệp – những người mà chỉ cần nhắc đến, công chúng sẽ ngay lập tức gọi đúng tên “đế chế” của họ. Thế giới có CEO Steve Jobs – Apple hay tỷ phú Jack Ma – Alibaba thì Việt Nam có tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Vingroup, Chủ tịch Trương Gia Bình – FPT hay Chủ tịch Mai Kiều Liên – Vinamilk. Nhờ yếu tố song hành này, thương hiệu sẽ được công chúng biết đến dễ dàng hơn khi danh tiếng của lãnh đạo đủ lớn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm kinh phí truyền thông không hề nhỏ. Đồng thời, thương hiệu sẽ được bảo vệ khi hình ảnh lãnh đạo được giữ gìn, qua đó lan tỏa những ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng bên ngoài doanh nghiệp.
Bài viết liên quan:
Văn hóa “xơi” cả chiến lược trong vòng một nốt nhạc
Khám phá 10 xu hướng nền tảng truyền thông nội bộ trong năm 2019
Hãy là doanh nghiệp “có văn hóa”!
Sự khác biệt và nổi bật của văn hóa tổ chức tại một doanh nghiệp sẽ quyết định mức độ chú ý của công chúng với thương hiệu của doanh nghiệp đó. Theo bà Hà Minh Châu (Giám đốc chiến lược văn hóa tổ chức ngân hàng Techcombank), mọi chiến lược kinh doanh đều có thể bị đối thủ sao chép, chỉ có văn hóa tổ chức là hệ “gen” giúp doanh nghiệp làm nên sự khác biệt.
Trên thực tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của sự khác biệt đó và đã tiến hành xây dựng văn hóa tổ chức một cách bài bản. Ví dụ như ở VCCorp, văn hóa doanh nghiệp tại đây không chỉ là những cuộc thi có quy mô lớn, những chiến dịch nội bộ thường niên mà còn bắt đầu từ ngay cách mà “người VC” làm việc với nhau, tạo nên môi trường làm việc trẻ trung, sôi động và không ngừng thay đổi. Hơn 10 năm hoạt động đã chứng kiến sự hình thành và hoàn thiện 7 giá trị văn hóa: Sáng tạo; Chủ động; Tiết kiệm; Ứng trước lòng tin; Thay đổi; “Chỉ việc không quà” và Vì cộng đồng. Với 7 “trụ cột” này, các hoạt động TTNB của VCCorp đều truyền tải thông điệp nhất quán với mục tiêu và sứ mệnh của công ty, nhận được hưởng ứng tích cực của nhân viên. Đây cũng là yếu tố khiến VCCorp tạo ấn tượng khác biệt trong mắt công chúng bên ngoài và thị trường lao động với những ứng viên tiềm năng.
Tấm băng urgo ngăn “chảy máu nhân sự”
Theo thống kê của Trung tâm tư vấn nguồn nhân lực Alpha năm 2017 trên 1000 lao động độ tuổi 20 – 40, 67% người được hỏi trả lời rằng họ sẽ “nhảy việc” ngay khi có cơ hội. Con số này cho thấy tình trạng “chảy máu nhân sự” đang diễn ra khá nghiêm trọng tại nhiều doanh nghiệp Việt, gây tổn thất không nhỏ cả về nhân lực lẫn tài lực. Vì vậy, nhu cầu cấp bách lúc này của các doanh nghiệp không phải là tìm được người giỏi mà là tìm người phù hợp và giữ chân họ gắn bó lâu dài với công ty.
Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể tìm được người phù hợp? Theo chuyên gia Lê Quang Vũ (CEO Blue C), doanh nghiệp cần tạo ra được Giá trị Hấp dẫn của Nhà tuyển dụng (Employer Value Proposition – EVP) để trở nên nổi bật, có sức hút nhân tài mạnh hơn các đối thủ khác. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần hiểu rõ đối tượng tuyển dụng của mình là ai, họ mong nhận được gì từ công việc, từ công ty và đồng nghiệp, từ đó chọn lựa những đặc điểm phù hợp nhất để gây ấn tượng, thu hút sự chú ý của họ. Các bản tin tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp hiện nay đều cố gắng đưa lên những yếu tố hấp dẫn nhất với ứng viên: lương – thưởng cao, môi trường làm việc quốc tế, được cử đi nước ngoài, hay không phải làm việc ngoài giờ.
Môi trường làm việc cởi mở và nội bộ gắn kết không chỉ tạo ấn tượng tốt đẹp với ứng viên tiềm năng mà còn tạo ảnh hưởng tích cực đến nhân viên hiện tại, giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể ngân sách tuyển dụng hay thâm hụt tài chính vì biến cố trong quản trị nhân sự.
Tiếng nói nhân viên là “tấm khiên” bảo vệ doanh nghiệp
Với sự phát triển không ngừng của các nền tảng mạng xã hội, các hoạt động nội bộ của doanh nghiệp ngày càng dễ dàng trở thành đề tài thu hút sự chú ý của dư luận hơn. Bên cạnh đó, chia sẻ của nhân viên – đặc biệt là các chia sẻ về doanh nghiệp – cũng nhanh chóng được công chúng đón nhận như tiếng nói của doanh nghiệp đó. Đặc điểm này vừa là lợi thế vừa là điểm nhạy cảm mà bộ phận chuyên trách TTNB và lãnh đạo doanh nghiệp cần lưu ý.
TTNB có thể biến nhân viên thành những kênh truyền thông để truyền đi thông điệp của doanh nghiệp cũng như lan toả nét đẹp về văn hóa của tổ chức mình. Khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng, chính những kênh truyền thông này sẽ đóng vai trò quan trọng, cứu vãn tình thế hoặc trầm trọng thêm vấn đề.
“Con dao hai lưỡi” này hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu nhân viên được nhìn nhận như một kênh truyền thông tiềm năng. Họ cần được đào tạo kỹ năng truyền thông, ứng xử trên mạng xã hội một cách bài bản để luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi tình huống, dù là làm TTNB hay truyền thông ra bên ngoài. Một chương trình đào tạo nhân viên thành đại sứ thương hiệu bài bản, như giải pháp Social Employee do Blue C phát triển, sẽ được thiết kế riêng và triển khai dựa trên tình hình thực tế của doanh nghiệp, thay vì chỉ là những gạch đầu dòng hướng dẫn chung chung. Với đội ngũ đại sứ thương hiệu “cây nhà lá vườn” này, doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn giảm rủi ro khủng hoảng truyền thông, tăng uy tín cho thương hiệu của mình.
“Biến khả năng nội tại thành sức mạnh bên ngoài tổng thể” cũng là một trong số 10 xu hướng TTNB trong năm 2019 đã được diễn giả Lê Quang Vũ, CEO của Blue C, chia sẻ trong buổi hội thảo “Văn hóa tổ chức và Sức mạnh của truyền thông nội bộ” diễn ra vào ngày 23/09 vừa qua tại Hà Nội. Độc giả quan tâm có thể truy cập tại đây để tìm hiểu nội dung chi tiết và tải trọn bộ tài liệu miễn phí.
Bài viết liên quan:
Truyền thông nội bộ: Giải pháp “gỡ rối” cho doanh nghiệp Việt
Khám phá 10 xu hướng nền tảng truyền thông nội bộ trong năm 2019