Thay đổi văn hóa doanh nghiệp: Đừng bỏ qua 6 nguyên tắc

Thay đổi văn hóa doanh nghiệp: Đừng bỏ qua 6 nguyên tắc

Chìa khóa của sự thay đổi văn hóa nằm ở việc biến những thay đổi mơ hồ thành cụ thể. 6 nguyên tắc dưới đây sẽ giúp quá trình chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp bạn trở thành nhiệm vụ khả thi.

Hãy thực tế

Quá trình chuyển đổi văn hóa thành công hay không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có lên kế hoạch kỹ lưỡng và thực hiện một cách hợp lý. Thay đổi mọi hành vi, thói quen cùng một thời điểm là điều bất khả thi. 

Doanh nghiệp cần tập trung vào những thói quen cụ thể, đang tồn tại rộng rãi nhưng giữ chân công ty. Chọn lọc ra những hành vi ưu tiên thay đổi trước sẽ giúp doanh nghiệp có hướng đi đúng, tập trung và có chiến thắng rõ ràng.

Củng cố hành vi mới

Để thúc đẩy hành vi mong muốn, doanh nghiệp cần kết hợp các cơ chế chính thức và không chính thức. Đưa ra những thay đổi có hệ thống trên toàn công ty như đo lường các chỉ số, đánh giá, xét lại lương, đào tạo và khen thưởng khi thực hiện các hành vi mới… sẽ hình thành nên vòng lặp thói quen trong mỗi người. 

Ngoài ra, các cơ chế không chính thức như các mạng lưới, các tiểu cộng đồng cũng sẽ giúp hạn chế phản kháng khi có sự thay đổi.

Tưởng thưởng, đánh giá những cá nhân thể hiện giá trị cốt lõi xuất sắc sẽ khích lệ mọi người thực hiện theo.

Tìm kiếm các hạt nhân

Nguyên tắc tiếp theo đòi hỏi phải tìm ra những hạt nhân văn hóa – những cá nhân có khả năng truyền đạt các hành vi cho người khác và lan toả những điều tích cực của văn hóa hiện có. 

Để làm điều này, trước tiên, lãnh đạo cần xác định một tập hợp các hành vi cần có của những hạt nhân văn hóa. Đó là những hành vi cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bộ phận .

Ngoài ra, họ cũng cần ngồi lại với nhau để thảo luận về những vấn đề gặp phải khi thực hiện các ý tưởng mới và các phương pháp có thể sử dụng để khắc phục vấn đề. Doanh nghiệp lưu ý cần phải có hoạt động đào tạo, khen thưởng cho những cá nhân truyền tải văn hóa tích cực.

Phát huy văn hoá hiện tại

Những niềm tin quan trọng của văn hóa hiện tại không nhất thiết phải bị xóa bỏ hoàn toàn để chuyển đổi sang nền văn hóa mới. Hiểu được lý do tồn tại của các hành vi hiện tại cũng rất quan trọng trước khi chuyển đổi văn hóa tổ chức. Để xem xét lại các giá trị hiện tại đòi hỏi tổ chức phải hiểu điểm mạnh, điểm yếu của từng giá trị, từ đó đánh giá được thói quen nào cần khuyến khích, thói quen nào là rào cản cần phải loại bỏ.

Thay đổi văn hóa không có nghĩa loại bỏ hoàn toàn những thói quen, niềm tin trước đó.

Lãnh đạo làm gương

Cách nhanh nhất để mọi người học hỏi hành vi mới là thông qua bắt chước. Các thành viên dễ dàng sao chép hành động của những người mà họ cho là uy tín. Và việc làm gương các hành vi mong muốn của lãnh đạo cấp cao sẽ khuyến khích các nhân viên khác áp dụng chúng. 

Chẳng hạn, lãnh đạo luôn ưu tiên ra quyết định kịp thời hơn các bài thuyết trình cầu kỳ. Các vấn đề quan trọng, khẩn cấp có thể được tự quyền xử lý mà không cần chờ sự đồng ý của nhóm. 

Giải thích tác động của hành vi mới

Để đạt được sự thay đổi mong muốn, nhân viên phải hiểu cặn kẽ về ý nghĩa và những thay đổi đó. Việc thông báo một cách nhất quán về hành vi mới sẽ giúp họ có suy nghĩ áp dụng hành vi mong muốn. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu những gì mà họ được yêu cầu. Do đó, việc hướng dẫn cho nhân viên hiểu rõ mục đích sẽ có ý nghĩa quyết định đến cách họ hành động. 

Hiểu rõ giá trị của những hành vi mới sẽ thúc đẩy mọi người có chuyển đổi mong muốn.

Vân Anh (Theo Flevypro)

Bài Viết Liên Quan