Nhân viên thiếu gắn kết trong tổ chức – Sai lầm từ đâu?
Theo thống kê từ Gallup, tình trạng nhân viên thiếu gắn kết trong tổ chức có thể gây thất thoát cho các công ty ở Mỹ tới 550 tỉ USD. Còn theo đo lường từ Anphabe Việt Nam 2017, 19% nhân viên cảm thấy thiếu gắn kết và quyết định ra đi, tỷ lệ cao nhất trong vòng ba năm qua. Nguy hiểm hơn, có đến 31% nguồn nhân lực dù không gắn kết nhưng cũng không có ý định ra đi.
“Zombie công sở” – Chân dung nhóm đối tượng nguy hiểm trong tổ chức
Theo báo cáo về hiện trạng môi trường làm việc toàn cầu của Gallup, chỉ 15% nhân viên cống hiến hết mình cho công việc họ làm, mang lại giá trị cho đội nhóm và giúp công ty phát triển. Trong khi đó, nhóm nhân viên chủ động không gắn kết, luôn thể hiện sự bất mãn chiếm 18% và 67% còn lại là nhóm nhân viên gắn kết bình thường – những người làm việc mờ nhạt, không quan tâm nhiều tới năng suất và lợi nhuận của công ty.
Tương tự, ở Việt Nam, khảo sát của Anphabe cũng cho biết thêm cứ 4 nhân viên thì có 1 “zombie công sở”, chiếm 25%. Nói một cách dễ hình dung hơn, công ty có quy mô 100 nhân viên thì có tới 25 nhân viên làm việc thờ ơ. Biểu hiện của những “xác sống” này là làm cho có (không quan tâm đến kết quả), không nỗ lực thêm khi cần, không muốn học hỏi cái mới, mất kết nối và chia rẽ với đồng nghiệp. Thêm vào đó, nhân viên có những hành động tiêu cực như hay phàn nàn, nói xấu, đổ lỗi cho đồng nghiệp. Họ khiến doanh nghiệp thất thoát tới 11,7% hiệu suất làm việc, tạo ra nhiều thách thức nội bộ cho cả văn hóa doanh nghiệp.
Sai lầm từ đâu?
Để xảy ra tình trạng những “xác sống” trong công sở, bên cạnh những lý do đến từ cá nhân, các tổ chức cũng thường mắc phải nhiều sai lầm như:
- Lãnh đạo không tạo động lực
Trong rất nhiều báo cáo, 80% nguyên nhân nhân viên rời bỏ tổ chức xuất phát từ lãnh đạo. Lãnh đạo coi trọng nhân viên, tạo không gian phát triển cho nhân viên, tạo mọi điều kiện cần thiết cho nhân viên làm việc, tin tưởng và trao quyền cho nhân viên sẽ kích thích động lực và sự nhiệt tình từ chính nhân viên, đặt nền tảng vững chắc cho sự tận tụy, gắn bó của nhân viên với công ty.
Nhưng tình hình thực tế, lãnh đạo thường nghĩ rằng mình rất bận rộn, không có thời gian quan tâm nhiều đến nhân viên, không cần mất nhiều thời gian giao lưu, trao đổi trực tiếp với nhân viên. Trong công việc hàng ngày của nhân viên, lãnh đạo chỉ đóng vai trò là người giám sát, khiến nhân viên có cảm giác mình không được tín nhiệm, thậm chí họ không khuyến khích nhân viên và tạo điều kiện để nhân viên sáng tạo trong công việc. Bản thân lãnh đạo cũng là người chỉ tập trung kinh doanh bên ngoài mà không đầu tư cho nội lực từ bên trong. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần làm việc của nhân viên.
Người quản lí đánh giá phiến diện, chủ quan sẽ khiến nhân viên bất bình, khiến họ không còn tín nhiệm người quản lí và doanh nghiệp, tạo ra tâm lí tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tận tụy, gắn bó với nghề của nhân viên. Kết quả đánh giá không công bằng, hợp lí sẽ tổn hại đến tính tích cực, chủ động và cảm giác thành công của nhân viên.
- Doanh nghiệp không ghi nhận xứng đáng
Bên cạnh việc đánh giá trung thực, chính xác và công bố kết quả đánh giá với nhân viên, nếu doanh nghiệp không có biện pháp thưởng phạt rõ ràng đối với nhân viên giỏi và nhân viên kém thì cũng không đem lại tác dụng khích lệ thực sự. Nhân viên làm trong doanh nghiệp này sẽ cảm thấy rằng dù mình “làm nhiều làm ít, làm tốt hay không tốt đều giống nhau”, dù mình có làm việc xuất sắc hơn yêu cầu công việc và vị trí nghề nghiệp cũng không được công nhận xứng đáng. Nếu cảm giác này tiếp diễn trong thời gian dài, một nhân viên vốn gắn bó với nghề cũng sẽ có tâm lí tiêu cực, chán nản. Như vậy có nghĩa là thái độ gắn bó, tận tụy với nghề sẽ giảm đi rất nhiều.
- Hoạt động nội bộ thiếu hiệu quả
Thông thường, các sự kiện và hoạt động nội bộ sẽ góp phần gắn kết các thành viên trong tập thể, giúp mọi người hiểu nhau hơn, tăng cường tinh thần đội nhóm và tạo động lực giúp nhân viên tăng hiệu suất lao động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại không chú trọng đầu tư chiến lược cho vấn đề này.
Trong các khảo sát về mức độ gắn kết của nhân viên trong tổ chức, đa phần lý do khiến nhân viên không hào hứng tham gia các hoạt động gắn kết vì nội dung không hấp dẫn, không phù hợp với họ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không đầu tư tổ chức “đến nơi đến chốn”, thiếu mục tiêu khiến nhân viên cảm thấy chán nản, không muốn tham gia.
Giải pháp nào vực dậy tinh thần và sự gắn kết cho nhân viên?
Trong thị trường đầy biến động như hiện nay, để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển mà không thất thoát nhiều về nguồn lực cũng như hiệu suất, các doanh nghiệp nên chú trọng ưu tiên hàng đầu cho chính nhân viên.
Làm thế nào để biến đội ngũ nhân sự đang gắn kết mờ nhạt trở thành những người tích cực, hạnh phúc khi được làm việc và cống hiến? Hãy thử áp dụng các cách thức sau đây:
- Thay đổi “mindset” lãnh đạo: Nếu muốn nhân viên thay đổi, hãy bắt đầu từ chính sếp của họ. Trang bị các kiến thức cần thiết cho chính lãnh đạo để họ hiểu rõ về vai trò của mình với chính nhân viên. Bằng cách cải thiện tương tác và làm việc của lãnh đạo với nhân viên của họ, doanh nghiệp bạn sẽ tiến một bước gần hơn để cải thiện sự nhiệt tình của nhân viên.
- Tăng cường sự tham gia của nhân viên trong các hoạt động nội bộ: Thay đổi cách thức tổ chức các sự kiện nội bộ là cách giúp bạn gia tăng sự tham gia của nhân viên, tạo sự kết nối tốt hơn giữa các thành viên trong tập thể. Các hoạt động có thể bao gồm: Leader Talk để lãnh đạo chia sẻ chiến lược kinh doanh giúp nhân viên hiểu rõ định hướng của doanh nghiệp; các “campaign” kết hợp truyền thông giá trị cốt lõi giúp nhân viên hiểu được về văn hóa doanh nghiệp cũng như gắn kết với đồng đội hơn; các hoạt động đào tạo giúp nhân viên biết rõ lộ trình thăng tiến trong công việc hoặc nắm rõ hơn kiến thức chuyên môn… Hãy gắn các mục tiêu rõ ràng để nhân viên thấy được tầm quan trọng của các hoạt động nội bộ, giúp họ tăng hào hứng tham gia trước mỗi sự kiện.
- Công nhận và phần thưởng xứng đáng: Khi nhân viên được đánh giá cao những nỗ lực bằng ghi nhân xứng đáng, họ sẽ càng tham gia nhiều hơn vào những gì họ đang làm. Việc gắn kết trong các đội nhóm cũng sẽ được cải thiện khi chính đồng nghiệp công nhận và khen ngợi những nỗ lực của nhau.
Mai Trinh