Nhân viên “lên sóng”: Tại sao không?
Chuyên mục “Gương mặt” trên trang nội bộ hay chuỗi bài viết chia sẻ quan điểm của nhân viên hiện tại không chỉ là công cụ hữu hiệu để xây dựng lòng tin trong nội bộ mà còn giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm ứng viên tiềm năng hay thậm chí cả khách hàng mới.
Chuyên mục “Gương mặt” mang lại lợi ích gì?
Nâng cao khả năng tìm kiếm nhân viên phù hợp văn hóa
Một chuyên mục riêng kể về những con người trong tổ chức hoàn toàn có thể giúp tăng tỉ lệ tuyển dụng người phù hợp với doanh nghiệp và văn hóa. Đây sẽ là công cụ tiếp thị miễn phí, giúp truyền thông về môi trường làm việc tuyệt vời của tổ chức một cách khéo léo.
Khi một ứng viên tìm việc, họ sẽ muốn biết thông tin về công ty đang cân nhắc nhiều nhất có thể. Thông tin về đồng nghiệp, lợi ích khi gia nhập công ty hay cảm giác làm việc ở đó là những điều ứng viên đặc biệt quan tâm mà không thể nói ra qua bản JD hay chỉ trao đổi với bộ phận nhân sự.
Tạo kết nối vững chắc trong nội bộ
Một trong những cách đơn giản mà không tốn phí để thúc đẩy kết nối giữa các nhân viên là thông qua từng câu chuyện đầy cảm xúc mà mọi người chia sẻ. Đặc biệt với những công ty lớn, rất khó để tất cả nhân viên hiểu, biết mặt nhau. Chính vì vậy, những bài viết, bài phỏng vấn sẽ giúp họ hiểu nhau hơn, phá bỏ “khối silo” trong công ty, tạo cơ hội cho nhân viên tương tác với bộ phận, phòng ban khác. Các thành viên kết nối chặt chẽ sẽ góp phần cải thiện hiệu quả truyền thông và năng suất làm việc.
Tăng khả năng tiếp cận và tương tác trên mạng xã hội
Khi câu chuyện về nhân viên được đưa lên mạng xã hội, ngay cả những người ngoài tổ chức có thể được xem và chia sẻ, từ đó thông tin về tổ chức sẽ được lan rộng. Nhân viên hay gia đình và bạn bè của họ sẽ thích chia sẻ nội dung về người mà họ biết và quý mến. “Content” về thành viên cụ thể sẽ được chia sẻ rộng rãi hơn so với một thông điệp chung của toàn công ty.
Những lượt chia sẻ từ những người bên ngoài giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận những nhóm đối tượng mới chưa biết đến tổ chức. Chính những người này có thể trở thành ứng viên tiềm năng hay là khách hàng mới cho công ty.
3 yếu tố cơ bản tạo nên chuyên mục “Gương mặt”
1. Lựa chọn nhân vật
Trừ khi có người không muốn xuất hiện, nếu không bất kỳ thành viên nào cũng có thể “lên sóng”. Cho dù đó là một lãnh đạo cấp cao, một nhân viên văn phòng bình thường, một công nhân làm việc ngoài công trường hay cả người bảo vệ đều có những câu chuyện riêng để kể. Lựa chọn nhân vật từ nhiều phòng ban khác nhau, ở bất kỳ vị trí nào chính là cách thể hiện sự đa dạng, công bằng trong tổ chức.
2. Thông tin
Một nội dung hấp dẫn chắc chắn phụ thuộc vào thông tin được đưa lên. Ngoài câu chuyện mà nhân viên chia sẻ, các nội dung cơ bản cần có bao gồm: hình ảnh, tên, chức danh và câu trích dẫn trực tiếp.
Với phần Q&A, cần lưu ý các câu hỏi càng chi tiết sẽ khiến nhân vật càng thêm tỏa sáng. Bắt đầu từ một số câu hỏi như:
- Động lực nào khiến bạn thức dậy và đi làm mỗi ngày?
- Dự án yêu thích của bạn cho đến nay là gì?
- Điều gì đã thu hút bạn đến với công ty/chọn công việc này?
- Điều gì đa số mọi người không biết về bạn?
Mỗi người sẽ có cách tiếp cận khác nhau, vậy nên hãy để nhân viên trả lời một cách tự nhiên và tiếp tục “đào sâu” vào những chi tiết thú vị từ câu trả lời đó để họ được “tỏa sáng” theo cách riêng.
3. Định dạng và kênh lan tỏa
Những bài viết về nhân viên có thể được tập hợp thành một chuyên mục “Gương mặt” trên website nội bộ hay có thể là một chuỗi nội dung kèm hashtag #humanof trên mạng xã hội để dễ dàng lan tỏa đến số đông. Hay có thể đính kèm những nội dung này trên bản tin hàng tháng của công ty sẽ giúp nâng cao tinh thần làm việc và mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm và giữa các phòng ban.
Bên cạnh đó, sử dụng hình ảnh để kể chuyện chắc chắn sẽ thu hút hơn những nội dung chỉ toàn chữ thông thường. Bởi vậy, thực hiện phỏng vấn dưới dạng quay video hoặc ghi âm để phát trên radio cũng là lựa chọn sáng tạo.
Phương Thúy
(Theo Rock Content)
Bài đọc thêm:
5 cách khai thác những câu chuyện hay từ nhân viên
Khám phá sức mạnh từ những “đại sứ thương hiệu” trong tổ chức