Facebook Hackathon – Nơi tương lai của mạng xã hội bắt đầu

Facebook Hackathon – Nơi tương lai của mạng xã hội bắt đầu

Bắt đầu khởi xướng từ Hội thảo JavaOne 1999, Hackathon là cuộc thi yêu cầu các đội tham gia sẽ tạo ra một dự án của riêng mình trong một khoảng thời gian nhất định. Cho tới nay, Hackathon đã ghi tên mình trong danh sách những cuộc thi hàng đầu thế giới dành cho dân công nghệ và Facebook không phải là ngoại lệ.

3 ngày “không ngủ” và vô số ý tưởng

Bên trong “bữa tiệc hack” lần thứ 32 tại Facebook.

Bức hình trên không phải là “bữa tiệc” thông thường tại Thung lũng Silicon. Đây là cuộc thi Hackathon lần thứ 32 của Facebook, nơi các kỹ sư của công ty và thậm chí cả thực tập sinh hy vọng tạo ra các tính năng mới tiếp theo cho mạng xã hội phổ biến nhất thế giới.

Điều khiến Hackathon này trở nên khác biệt là thời gian của sự kiện. Được đặt tên là Camp Hackathon (Trại Hackathon), sự kiện này diễn ra trong 3 ngày 2 đêm, có nghĩa là các nhân viên sẽ dựng trại theo đúng nghĩa tại khuôn viên Menlo Park trong suốt khoảng thời gian này.

“Sáng tạo ra tính năng cho hơn 900 triệu người dùng với chỉ một lon Redbull miễn phí, tại sao lại không nhỉ?” – Matthew Dierker, thực tập sinh Facebook chia sẻ. Quy tắc duy nhất ở đây là: Bạn không được làm công việc hàng ngày của bạn và bạn phải “hack”. 

Đến với Hackathon, bạn có thể chơi, trò chuyện, ngủ, nhưng không quên nhiệm vụ “hack”.

“Nó giống như một bữa tiệc sleepover dành cho những “cái đầu thông thái”, nhưng mà chúng ta không được ngủ”, Amy Zhou, thực tập sinh về quyền riêng tư của Facebook chia sẻ.

Những ý tưởng được xây dựng qua 3 đêm trắng tại Facebook là vô số. Và thành tích không chỉ giới hạn ở các kỹ sư cấp cao. Một trong những người bạn thực tập của Zhou, Matthew Dierker, đang làm việc trên một tính năng đã được Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg theo dõi. Chàng sinh viên năm hai tại Đại học Illinois, thuộc nhóm Phát triển nền tảng đang nỗ lực cải tiến các trò chơi trên Facebook trở nên tốt và hấp dẫn hơn cho người dùng. Mặc dù không thể nói chi tiết về dự án của mình (và trên thực tế, tất cả nhân viên được huấn luyện không tiết lộ bất kỳ bí mật nào), Dierker nói rằng anh ta bắt đầu nó tại một cuộc thi Hackathon. Anh cho biết, dự án của anh đang nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ mọi người tại Facebook và hy vọng nó sẽ được triển khai sớm.

Tinh thần “hack” nhưng luôn vui

Hackathon trở nên khác biệt so với những cuộc thi ý tưởng khác ở điểm đây còn là dịp để mọi người sinh hoạt như một cộng đồng và có các hoạt động tập thể giải trí, thư giãn.

Điều khiến Hackathon khác biệt với những cuộc thi ý tưởng thông thường là bởi tính giải trí mà Hackathon đem lại cho nhân viên.

Tinh thần đó tại cuộc thi Hackathon 3 ngày 2 đêm của Facebook đến từ buổi khai mạc với một chút văn nghệ “cây nhà lá vườn” của công ty do các nhân viên Facebook Pedram Keyani, Blaise DiPersia, Roddy Lindsay và Bubba Murarka biểu diễn. Cùng với đó Keyani nhắc nhở mọi người về mục tiêu cuối cùng: Khi trại kết thúc cũng sẽ là lúc diễn ra diễn đàn ý tưởng, nơi mọi người có thể giới thiệu những gì họ đã hoàn thành trong sự kiện kéo dài 43 giờ. 5 hoặc 6 dự án sẽ được đưa ra thử nghiệm demo thậm chí còn được đề xuất trước Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg, Phó Giám đốc Kỹ thuật Mike Schroepfer, Phó Giám đốc Quản lý Sản phẩm Chris Cox và các cấp cao hơn khác. 

Có một điều đặc biệt là khi bắt đầu cuộc thi, Keyani – Giám đốc kỹ thuật phụ trách cuộc thi đã hét lên rằng: “Cùng hack thôi nào!”. Đó là một sự khởi đầu kỳ lạ và có phần… ngốc nghếch nhưng lại minh họa rõ nét cho kiểu văn hóa mà Facebook muốn duy trì. Để khuyến khích thử nghiệm những điều mới, Facebook sẽ tích cực hô hào những khẩu hiệu để khiến mọi người hào hứng, vui vẻ. “Sẽ rất thú vị nếu đẩy tâm trạng của mọi người khi đến với cuộc thi giống như khi họ tham gia một cuộc chơi” – Keyani nói. 

Khi ý tưởng sáng tạo được “hiện thực hóa”

Tuy là một sự kiện có tính chất thoải mái, nhưng không có nghĩa là các công việc nghiêm túc sẽ không được hoàn thành. Nhiều tính năng dễ thấy nhất và lớn nhất của Facebook bắt đầu từ một dự án Hackathon. Ví dụ như Dòng thời gian (timeline), bản cập nhật hồ sơ (profile update), bắt đầu từ một ý tưởng có tên “Memories” vào năm ngoái. Các tính năng như Video, nút Thích và Trò chuyện cũng đã ra mắt lần đầu tiên tại một cuộc thi Hackathon của Facebook.

Facebook cũng đã tung ra một trang sự kiện được cải tiến với chế độ xem lịch, một tính năng bắt đầu từ dự án hackathon “Social Calendar Dreamers” tại Hackathon số 30. Người dùng Facebook hiện có thể xem các sự kiện của họ và bạn bè trong chế độ lịch hàng tháng. 

Đây có thể không phải là tính năng đột phá nhất của Facebook, nhưng đó là một ví dụ điển hình về một dự án Hackathon đã đến được với người dùng. Nếu không có Hackathon, những dự án phụ này khó có thể trở thành hiện thực.

Kỹ sư phần mềm Ed Maia, người làm việc trong dự án “Social Calendar Dreamers”, cho biết: “Bởi vì chúng tôi có Hackathon, nơi công ty có thời gian nên chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Nó mang lại cho chúng tôi một con đường để thể hiện những dự án bên lề này.”

Maia nói rằng các cuộc thi Hackathon nhằm tìm ra điểm kết nối giữa đam mê của nhân viên và những gì tạo ra ảnh hưởng cho công ty. Mặc dù “Social Calendar Dreamers” trên Lịch xã hội không trở thành một tính năng chính, nhưng thật khó để nói trước rằng liệu Hackathon có thể khiến tính năng này tạo nên một trải nghiệm khó quên cho người dùng Facebook hay không. 

Keyani nói: “Đã có những dự án Hackathon đã thay đổi định hướng của công ty về những gì chúng tôi tập trung, cách chúng tôi nghĩ về chiến lược của mình và những gì chúng tôi nhận thấy là khả thi.”, “Nếu 100 người có một ý tưởng khả thi thì điều quan trọng tiếp theo là hãy thử tất cả chúng.” 

Anh cũng bổ sung: “Ít nhất mỗi năm một lần, các sản phẩm lớn sẽ xuất hiện trong cuộc thi Hackathon – đó là Video, đó là Trò chuyện, đó là nút Thích và có thể là một dự án khác mà có thể bạn sẽ nghe tới trong tương lai.”

Từ Hackathon đến văn hóa đổi mới

Văn hóa tại Facebook tập trung vào việc“Nhanh hơn”, “Tập trung và Luôn truyền tải”. Và văn hóa này thể hiện rất rõ trong các cuộc thi Hackathon.

Keyani cho biết Hackathon tập trung nhiều hơn vào các dự án di động hơn là các sản phẩm trên web. Các kỹ sư Hackathon được phân chia khá đồng đều giữa các dự án và các dự án cho nội bộ chỉ dành cho các công cụ back-end.

Bên cạnh đó, Facebook Hackathon không chỉ giới hạn trong kỹ thuật phần mềm truyền thống. Công ty luôn tạo cơ hội cho tất cả các đội tiếp cận và triển khai ý tưởng của mình với bất cứ thứ gì, cả ảo hay truyền thống. Chẳng hạn như trong một Trại Hackathon, một nhóm nhân viên đã trồng một miếng bí ngô bên cạnh một bãi đậu xe. Nhóm pháp lý có thể làm việc về các thủ tục và văn hóa hack, và bất kỳ ai cũng có thể tự do sơn tường hoặc xây dựng mã QR khổng lồ trên mái nhà.

Trại Hackathon sẵn sàng chào đón mọi hành động của những “cái đầu thông thái”, kể cả cắm trại ngoài trời, miễn là ý tưởng được ra đời.

Với Hackathon, nhân viên được trân trọng những ý tưởng, cho dù chúng có thể vô cùng điên rồ. Bất kỳ ai cũng có thể là người đem lại sản phẩm – dịch vụ thành công cho tổ chức. Như Keyani đã nói: “Hackathon củng cố văn hóa của chúng tôi. Nó tạo ra các sản phẩm mới định hướng cho công ty của chúng tôi. Sự đổi mới từ Hackathon là điều mọi doanh nghiệp nên thực hiện”.

Trường Sơn

(Theo Wired)

Bài Viết Liên Quan