Bí quyết viết chân dung trong truyền thông nội bộ
Thực chất, không có một kỹ năng hay quy trình riêng để viết tin, bài cho Truyền thông nội bộ. Sản phẩm Truyền thông, Báo chí được tạo dựng theo một quy trình chung gồm ba bước: Tìm kiếm thông tin (đề tài và nguồn tin), khai thác thông tin (bằng cách tổng hợp các tư liệu sẵn có và phỏng vấn để có thông tin độc quyền) và xử lý thông tin (viết bài hoặc dựng thành tác phẩm phát thanh, video Truyền hình).
Bài viết về nhân vật trong Truyền thông nội bộ cũng ra đời dựa trên quy trình trên. Để viết bài về nhân vật tốt, người viết cần các kỹ năng: Tư duy đề tài tốt để lựa chọn nhân vật chính xác, phù hợp với mục tiêu Truyền thông nội bộ; Khả năng phỏng vấn khai thác thông tin tốt đi kèm với khả năng tổng hợp, phân tích các tài liệu đã có về nhân vật; Cuối cùng là kỹ năng viết để “chế biến” thông tin đã thu thập được thành bài viết hay.
Nếu có các kỹ năng trên tốt, bạn có thể viết bài về nhân vật đăng báo, để làm truyền thông đối ngoại hay Truyền thông nội bộ đều hiệu quả.
Viết về nhân vật để Truyền thông nội bộ, có một vài lưu ý người viết nên lưu tâm để có bài hay.
Ba câu hỏi trước khi bắt đầu: Viết để làm gì? Viết cho ai đọc? Viết như thế nào
Thực ra, đây sẽ là ba câu hỏi chung mà bạn cần trả lời khi viết bất cứ điều gì: Viết để làm gì? Viết cho ai đọc? Viết như thế nào?
Viết để làm gì?
Với Truyền thông nội bộ để trả lời câu hỏi đầu tiên tức là bạn phải tự lý giải: Bài viết về nhân vật này sẽ đáp ứng mục tiêu gì? Đừng quên gắn với mục tiêu Truyền thông nội bộ.
Mục tiêu của doanh nghiệp là nâng cao tinh thần đoàn kết hãy tìm một nhân vật có thể kết nối mọi người cùng làm việc nhóm để đi đến một kết quả tốt. Một nhân viên say mê tìm tòi, khám phá để cho ra ý tưởng cải thiện hiệu quả công việc sẽ trở thành nhân vật hoàn hảo khi thông điệp Truyền thông nội bộ của doanh nghiệp là “Sáng tạo để khác biệt”.
Khi viết cho Truyền thông nội bộ đừng bao giờ quên nhắc mình: “Nhân vật này đã làm được gì cho doanh nghiệp, nếu đọc bài độc giả được hưởng lợi gì?”.
Viết cho ai đọc?
Trả lời câu hỏi thứ hai, bạn sẽ giải quyết được hai vấn đề: Cần khai thác thông tin gì ở nhân vật và chọn giọng điệu viết thế nào cho phù hợp. Hãy tự hỏi nhé: Nếu đọc về một người đồng nghiệp đã quen hay chưa quen bạn muốn biết điều gì? Con người ta có rất nhiều gương mặt khác nhau. Khi viết cho đồng nghiệp của họ đọc, hãy mô tả gương mặt trong công việc, thái độ ứng xử với đồng nghiệp của nhân vật. Bạn cũng có thể thêm vào những sở thích cá nhân, một góc nhỏ trong cuộc sống của nhân vật để bài viết phong phú hơn nhưng đừng ôm đồm quá nhiều “gương mặt” trong một bài viết.
Viết như thế nào?
Giải đáp được câu hỏi cuối này tức là bạn đã biết con đường mình đi như thế nào.
Nhìn lại quy trình ba bước để làm ra sản phẩm Truyền thông ở trên, ta sẽ thấy trả lời hai câu hỏi đầu người viết đã hoàn thiện xong bước đầu tiên – Tìm kiếm nguồn tin. Câu hỏi thứ ba này sẽ bao hàm hai bước còn lại. Để trả lời câu hỏi này hãy đọc tiếp những lưu ý dưới đây.
Dành thời gian cho nhân vật
Có một thực tế người viết buộc phải chấp nhận đó là bài viết luôn “cần gấp”. Với tin ngắn, bài tường thuật hay bài viết bên lề sự kiện, thời gian gấp gáp sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng nội dung. Song để có một bài viết về nhân vật hay nhất định phải đầu tư thời gian và công sức cho việc thu thập thông tin.
Walt Harrington làm việc cho Tạp chí Washington Post chuyên viết những bài chân dung có chiều sâu. Ông thường dành từ một đến ba tháng cho một bài chân dung. Để viết những bài chân dung về George Bush và Carl Bernstein, ông đã tiến hành khoảng 80 cuộc phỏng vấn cho mỗi bài. Ông cũng đồng hành với những nhân vật của mình như một người bạn.
Thật khó để có 80 cuộc phỏng vấn cho bài Truyền thông nội bộ nhưng nếu không quá gấp bạn hãy gặp mặt nhân vật. Có thể cùng nhân vật đi làm một hay vài ngày để quan sát và trò chuyện với họ. Trong trường hợp tệ nhất, chỉ có vài tiếng cho nhân vật hãy cố gắng ghi chép tỉ mỉ và thực hiện bài viết đơn giản dạng hỏi – đáp (Q&A) về vấn đề nào đó. Không có bức tranh chân dung nào được vẽ sau 2 giờ mà đẹp và càng không thể có bài viết hay nếu bạn gửi một danh sách câu hỏi qua email và chờ đợi những con chữ khô cứng.
Hãy nhớ tên con chó
Bài học vỡ lòng khi đi phỏng vấn nhân vật của tôi là: “Phải tìm hiểu tất cả, hỏi tất cả về nhân vật. Thậm chí, cả tên con chó anh ta nuôi”. Trước khi gặp nhân vật, hãy đọc tất cả các tài liệu bạn có thể sưu tầm được: Các bài viết trước đó nếu có, hồ sơ công việc, các sản phẩm người đó làm… Ngoài ra, đừng ngại hỏi những người sống quanh nhân vật của bạn. Những nhận định, câu chuyện của người khác không chỉ làm đầy đặn thông tin nền về nhân vật để quá trình trò chuyện với họ dễ dàng hơn mà sẽ là tư liệu để bạn viết bài. Lưu ý này sẽ được nói ở phần sau.
Khi đã có thông tin nền, cần chuẩn bị tất cả những câu hỏi bạn nghĩ là cần thiết cho bài viết. Đừng đi tay không đến gặp nhân vật, như vậy đồng nghĩa với việc bạn không tôn trọng họ. Trong quá trình trò chuyện, hãy bắt đầu với những câu hỏi xung quanh chủ đề mà bạn chọn ở phần trên đã nói. Hỏi kĩ, hỏi tỉ mỉ nhưng đừng nói hết phần nhân vật. Biết khơi gợi, biết tâm sự sẽ làm cuộc trò chuyện dễ chịu hơn rất nhiều.
Khi đã có trong tay tất cả các câu trả lời về chủ đề chính, nếu nhân vật còn thời gian cho bạn hãy hỏi tất cả những thứ xoay quanh công việc của nhân vật, đừng ngại để họ đưa ra nhận định về doanh nghiệp, những vấn đề đang nổi cộm ở công ty. Thông tin này sẽ là của để dành để bạn triển khai những đề tài khác hoặc làm dẫn chứng cho nhiều bài viết sau này.
“Nhớ tên con chó” là cách người viết tự nhắc mình hãy tìm hiểu thật kĩ, thật tỉ mỉ với thái độ quan tâm, tôn trọng nhân vật. Đừng hời hợt với bất kỳ nhân vật nào của bạn.
Đi tìm viên đá kê chân
Người leo lên đỉnh núi đã từng dẫm chân vào rất nhiều viên đá trên đường. Nếu coi nhân vật của bạn là một nhà leo núi đã lên đến đỉnh, vậy những viên đá mà họ dẫm lên là gì?
Trước tiên, bàn về cái đỉnh núi. Đừng nhẩm tưởng cứ phải làm gì đao to búa lớn mới là nhà leo núi giỏi nhé. Với nhà leo núi của Truyền thông nội bộ, đỉnh núi họ chinh phục được đơn giản là tìm ra cách để giảm lỗ từ 10 phần xuống 8 phần chứ chưa thể lãi ngay hay làm thế nào để yêu những công việc mà nghe thôi đã chán như thủ thư, gác kho…
Khi đã có đỉnh núi, ta đi tìm viên đá kê chân. Giữa những người bình thường, nhân vật của bạn sáng tạo hơn đó là một viên đá. Giữa những người giỏi, họ giỏi nổi bật đó là một viên đá. Chấp nhận xa gia đình đi làm ở nơi đất khách quê người vì công việc chung cũng là một viên đá.
Trong quá trình thu thập thông tin phải tìm cho ra những viên đá. Bởi mếu không có viên đá kê chân, ta chẳng thể nào hiểu được vì sao nhân vật là nhà leo núi giỏi.
Chi tiết nhỏ nói lên con người lớn
Nhà văn Maxim Gorki cho rằng: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Câu nói này hoàn toàn hợp cho bài viết về nhân vật. Hãy tìm ra chi tiết, câu chuyện để kể về nhân vật của bạn.
Thay vì nói: “Anh Linh – Nhân viên Truyền thông của Công ty rất yêu công việc, thường đi sớm về muộn” hãy kể chuyện: “Hôm nay, chị bán hàng ở nhà ăn giữ lại một suất cơm cho Linh. Chị biết cứ khi nào công ty có sự kiện là Linh thường ăn rất muộn. Anh chỉ nhớ đến bữa trưa khi mọi việc đã hoàn tất”.
Để có được chi tiết, câu chuyện cho bài viết về nhân vật không khó nếu chú ý quan sát cách họ làm việc, giao tiếp với mọi người, bàn làm việc được sắp xếp như thế nào… Và như đã nhắc ở trên hãy hỏi những người xung quanh về họ. Câu chuyện của người thứ ba sẽ giúp bài viết sinh động hơn, cân bằng giữa đối thoại và độc thoại. Đặc biệt, viết cho Truyền thông nội bộ, càng có nhiều nhân viên xuất hiện trong bài viết, bạn càng có nhiều độc giả.
Thu thập thông tin và phỏng vấn nhân vật là một thách thức, kỹ năng giỏi chưa đủ mà cần có một tấm lòng rộng mở. Có thể lắm chứ, bạn hay tôi đều sẽ gặp một đồng nghiệp không hợp gu và không muốn trò chuyện với họ. Luôn nhớ người viết phải giữ cái nhìn khách quan, thái độ cởi mở, tôn trọng. Hãy đến gặp nhân vật bằng một trái tim không định kiến và ghi lại mọi thông tin bằng sự trung thực đến từng câu chữ.
Nha Trang
Tham khảo:
- Nhà Báo Hiện Đại – The Missouri Group – Dịch giả: Nhóm Biên tập viên Quốc tế Báo Tuổi trẻ – Nhà Xuất Bản Trẻ
- Kỹ năng phỏng vấn dành cho các nhà báo – Sally Adams & Wynford Hicks (The New York Times) – Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng – Nhà xuất bản Thông Tấn
- Huấn luyện viên của người viết Báo – Jack Hark (Tổng biên tập Người Oregon) – Dịch giả: Nguyễn Như Kim – Nhà xuất bản Thông Tấn
- Hơn cả tin tức – Tương lai của Báo chí hiện đại – Mitchell Stephens – Nhóm dịch giả Dương Hiếu – Kim Phượng – Hiếu Trung – Nhà xuất bản Trẻ
Bài viết liên quan:
Viết cho nội bộ cần “chính quy” như thế nào?