Adidas và “cuộc cách mạng” mobile marketing game
Thay vì chỉ hiển thị thông tin của sản phẩm, Adidas Philippines đã sử dụng hình thức quảng cáo khác thông qua… trò chơi.
Làm visualized marketing thông qua hình thức mobile game đã không còn quá xa lạ với những marketer nhiều kinh nghiệm, nhất là khi điện thoại di động đang ngày càng trở thành “vật bất ly thân” của phần lớn mọi người trong cuộc sống hiện đại. Game trên mobile sẽ còn tiếp tục phát triển và mang lại doanh thu lớn hơn hẳn so với các nền tảng như TV, Tablet hay PC. Vì thế, những marketer nhanh nhạy và “high-tech” sẽ khai thác triệt để hơn và tận dụng hình thức này cho các chiến dịch quảng cáo của mình.
Theo báo cáo về Thị trường Game toàn cầu do Newzoo thực hiện, những người chơi game trên toàn thế giới đã tạo ra tổng cộng 99,6 tỉ USD doanh thu vào năm 2016, tăng 8,5% so với năm 2015. Đặc biệt, lần đầu tiên, mobile game tạo ra doanh thu lớn hơn so với PC với 36,9 tỉ USD, tăng 21,3%. Dự đoán từ năm 2017 đến 2019, mobile game sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị phần so với các nền tảng khác.
Với xu hướng này, các thương hiệu đã khai thác quảng cáo dưới hình thức mobile game như thế nào? Adidas là một trong những thương hiệu lớn đã sử dụng hình thức mobile game marketing từ vài năm trước. Mặc dù đây là một chiến dịch được thực hiện từ năm 2013, câu chuyện thú vị về thành công của Adidas trong việc sử dụng mobile game để quảng cáo vẫn là một case study tiêu biểu trong lĩnh vực này.
Đầu năm 2013, Adidas Philippines quyết định sử dụng mobile game để giới thiệu mẫu giày Boost mới ra của họ. Công ty cho phép người tiêu dùng chơi một trò chơi trên điện thoại di động.
“Thay vì chỉ hiển thị thông tin sản phẩm, Adidas Philippines đã tạo ra một quảng cáo tương tác dưới định dạng HTML5, trong đó người tiêu dùng có thể đặt ngón tay trên màn hình và chạy bằng những đôi giày khác nhau trên các địa hình và thời tiết khác nhau”, bà Shayne Garcia – Cố vấn chiến dịch cho biết.
Với việc sử dụng mobile game, Adidas mong muốn kích thích khách hàng lựa chọn các loại giày khác nhau cho các loại địa hình khác nhau. Với thể loại quảng cáo bằng mobile game này, người dùng còn có thể dễ dàng so sánh kết quả dựa vào tính năng định vị địa điểm trên bản đồ. Quảng cáo vì thế trở nên trực quan hơn đối với khách hàng. Hơn thế nữa, chỉ cần họ click vào quảng cáo, đường link sẽ đưa họ đến trang của Adidas hoặc “like” trang fanpage của nhãn hàng này.
Sự thành công của chiến dịch này được chứng minh bởi chỉ số CTR (Click Through Rate) trung bình là 1,27%, có khi lên tới 2,02%. Theo số liệu thống kê mới nhất vào tháng 3 năm 2017 của Smart Insights, con số CTR trung bình của Display Ad thông thường chỉ đạt 0,05%.
Ngoài ra, thời gian trung bình người dùng tham gia chơi game là hơn 60 giây. Chiến dịch tạo ra 1.220.346 672.054 lượt hiển thị đến từ các thiết bị iOS và 548.292 đến từ các thiết bị Android. Đây là kết quả ngoài sức tưởng tượng cho nhãn hiệu – điều khó đạt được nếu chỉ dùng định dạng quảng cáo banner thông thường.
Có thể thấy, marketing ngày nay càng phát triển, nhận thức của khách hàng ngày càng cao. Do đó, việc suy nghĩ sáng tạo trong việc xây dựng nên một chiến lược marketing hiệu quả ngày càng trở nên một thử thách khó khăn cho dân marketer. Những chiến dịch mobile game marketing cũng là một ý tưởng mới cho chiến dịch marketing.